Năng lượng hạt nhân có đủ sức thay thế dầu mỏ?

02/11/2007 22:41 GMT+7

Theo dự báo, nguồn dầu mỏ trên trái đất sẽ cạn sau 3 thập kỷ nữa. Vì thế, nhiều nước đang gấp rút xây nhà máy điện hạt nhân.

Những lợi ích siêu việt

Năm 1956, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới Calder Hall đã được khánh thành tại Sellafield, Anh. Năm 1959, LHQ đã tổ chức một chương trình "Nguyên tử vì hòa bình" ở Geneva (Thụy Sĩ) với ý tưởng mở ra một nguồn năng lượng mới, vô cùng dồi dào, giá thành thấp. Các nhà khoa học thế giới đã chứng minh rằng chỉ cần 1 tấn uranium sau khi được phân hạch hoàn toàn có thể tạo ra năng lượng tương đương với 14 triệu thùng dầu hoặc 3 triệu tấn than đá.

Đây là một con số lý tưởng, đặc biệt có ý nghĩa khi nguồn dầu lửa thế giới đang đi đến cạn kiệt khiến giá dầu không còn nằm trong sự kiểm soát của con người. Đến năm 2007, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), thế giới có 439 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia, cung cấp khoảng 16% điện năng của thế giới. Sau 51 năm kể từ khi có nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, những nước và vùng lãnh thổ sử dụng năng lượng hạt nhân nhiều nhất hiện nay là Pháp (80% sản lượng điện trong nước), Bỉ (55%), Nhật Bản (36%), Hàn Quốc (41%), Đài Loan (29%), Mỹ (20%).

Có thực sự rẻ?

Năng lượng hạt nhân có nhiều ưu việt nhưng không phải rẻ đến mức quốc gia nào cũng có thể đầu tư để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Năm 2006, tờ Bussiness Week cho biết Mỹ đã đưa ra dự toán để đầu tư cho 1 Kw (trên tổng công suất nhà máy) là từ 1.500 USD tới 2.000 USD, nhưng chi phí tối thiểu trên thực tế tại một số nước cao hơn, không dưới 2.000 USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một vấn đề bởi để khai trương được một nhà máy điện hạt nhân không hề dễ dàng về thủ tục xin cấp phép, quá trình thi công dài (khoảng 48 tháng) với những trục trặc về thiết kế có thể sẽ khiến chi phí lên cao hơn dự toán. Vừa qua, dự án nhà máy Olkiluoto của Phần Lan (vốn đầu tư 3,7 tỉ USD) đã phải hoãn lại 2 năm so với kế hoạch (sẽ đi vào hoạt động năm 2009) vì sai sót trong thiết kế khiến chi phí tăng thêm 25% so với dự toán.

Ngoài ra, những chi phí để thanh lý một nhà máy điện hạt nhân sau khi ngừng hoạt động rất lớn và phụ thuộc vào tiêu chuẩn an toàn của từng quốc gia. Đức phải chi khoảng 14 USD cho 1 tấn phế thải trong khi Canada chỉ chi khoảng 0,48 USD. Do vậy, tổng chi phí cho việc xử lý rác thải của một nhà máy điện hạt nhân sẽ lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD.

Rủi ro và sự cố

Sau 51 năm, theo con số mà các nhà khoa học vật lý hạt nhân trên thế giới thống kê được, đã có 20 sự cố ở các lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân, trong đó có những sự cố trở thành thảm họa với con người và môi trường như Chernobyl (1986), Three Miles Island (1979). Nhũng sự cố này lại hoàn toàn xảy ra ở những quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến đứng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Liên Xô (Nga)... và hầu hết là do sơ suất, bất cẩn của con người trong quá trình vận hành. Chính vì vậy, không một chính phủ nào dám cam kết với dân chúng rằng những dự án nhà máy điện hạt nhân trong tương lai hoặc đang vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mọi trường hợp.

Đây chính là lý do mà một số nước phát triển tuyên bố đoạn tuyệt với chương trình năng lượng hạt nhân để chuyển sang nghiên cứu những dạng năng lượng khác thay thế. Tại Áo, quốc gia có trụ sở của IAEA, năng lượng hạt nhân đã bị cấm sử dụng từ năm 1981. Hầu hết các nước Bắc Mỹ và Tây u không xây dựng nhà máy mới, Đức còn tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân từ năm 2020 đến 2030. Ở châu Á, Philippines cũng không đưa vào sử dụng một nhà máy điện hạt nhân có công suất 600 MW từ năm 1991.

Tương lai

Gần đây, một số nhà khoa học tên tuổi trên thế giới đã dự đoán rằng sẽ có sự cáo chung cho ngành điện hạt nhân của nhân loại trong thế kỷ 21 này. Tuy nhiên, số lượng các dự án không dừng lại, thậm chí tăng lên cho dù nhiều nhà máy đã phải đóng cửa vì hết thời hạn hoạt động hoặc do những lý do khác. Đến năm 2007, một số quốc gia đã và đang rầm rộ triển khai những dự án điện hạt nhân khổng lồ như Nga với dự án nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới tại Lomonosov, Mỹ (28 dự án), Phần Lan (Olkiluoto), Trung Quốc (5), Ấn Độ (7), Nhật Bản (2). Hiện các nước châu Á đang nghiên cứu 112 dự án nhà máy điện hạt nhân, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc (63) và Ấn Độ (19). Giải pháp này là không thể tránh khỏi bởi nguồn dầu mỏ, than đá còn lại không được bao nhiêu, các nguồn năng lượng thay thế khác như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện... cũng sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2020. Do vậy, không sớm thì muộn, nhân loại cũng sẽ phải đi theo hướng sử dụng loại năng lượng hạt nhân cùng với những công nghệ mới để có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhà máy.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, không phải quốc gia nào cũng có thể xây dựng và sử dụng được năng lượng hạt nhân. Bởi ngoài lý do kinh tế, không phải quốc gia nào cũng có thể xây dựng được một đội ngũ chuyên gia hạt nhân có đủ trình độ, năng lực. Ngoài ra, nguồn dự trữ uranium trên thế giới cũng không phải là vô tận, cũng chỉ đủ cho loài người khai thác trong khoảng 50 năm tới mà thôi.

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.