Ngán ngẩm báo cáo tài chính

09/11/2008 22:12 GMT+7

Báo cáo tài chính quý 3/2008 đã được các công ty công bố gần hết. Nhiều công ty có kết quả hoạt động thấp hơn quý 2/2008 và theo quy định phải có giải trình kèm theo. Nhưng nhiều nhà đầu tư đang ngán ngẩm những thông tin giải trình này vì đều na ná như nhau.

Giải trình chung chung

Hàng loạt báo cáo giải trình của các công ty chỉ tóm tắt trong vài dòng mặc dù kết quả kinh doanh giảm mạnh. Cụ thể, công văn giải trình của Công ty cổ phần (CTCP) Full Power (FPC) ghi: "Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý 3/2008 giảm 57,8% so với quý 2 do ảnh hưởng lạm phát và chi phí hoạt động một số công ty con tăng đã làm chi phí quản lý tăng".

CTCP Tấm lợp VLXD Đồng Nai (DCT) cũng chỉ ghi: "Trong quý 3/2008 doanh thu của công ty giảm 29,03% do vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm  nên lợi nhuận trước thuế giảm 56,23% so quý 2/2008". CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giải trình lợi nhuận quý 3 giảm 47% so với quý 2 do mùa khô ở miền Trung nên sản lượng điện không cao, tuy nhiên so với kế hoạch cả năm 2008 thì lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt được 276 tỉ đồng…

Không chỉ sơ sài, giải trình của nhiều công ty còn có nội dung tương tự nhau. Một số công ty ngành vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép đều cho rằng do sức tiêu thụ giảm mạnh nên doanh thu và lợi nhuận giảm.

Ví dụ, CTCP Kim khí TP.HCM (HMC) giải trình lợi nhuận trước thuế quý 3 giảm 36,9% so với lợi nhuận quý 2 do sức tiêu thụ thép giảm và giá thép giảm mạnh; CTCP Xi măng VLXD Xây lắp Đà Nẵng (DXV) cũng thanh minh sản lượng tiêu thụ các sản phẩm đều giảm so với quý 2 do nhu cầu thị trường giảm, và sự cạnh tranh của các công ty kinh doanh cùng mặt hàng…

Điểm chung lớn nhất trong báo cáo giải trình của các doanh nghiệp niêm yết ở thời điểm quý 3 là do tình hình kinh tế khó khăn chung, ảnh hưởng lạm phát dẫn đến chi phí đầu vào gia tăng, trong khi giá bán ra không thể tăng tương ứng; lãi suất ngân hàng cao nên chi phí sử dụng vốn tăng lên, sức mua lại giảm mạnh cả thị trường xuất khẩu và trong nước…

Anh Nguyễn Long - một nhà đầu tư mở tài khoản tại BVSC nhận xét chỉ cần đọc 1 - 2 giải trình là có thể biết được nội dung của các công ty khác như thế nào. Có khác chỉ là những con số cụ thể cũng như câu chữ mà thôi. "Những giải trình sau báo cáo quý từ đầu năm đến nay đều giống nhau đến phát ngán. Doanh nghiệp làm theo kiểu đối phó với quy định về công bố thông tin mà thôi. Đối với các cổ đông, giải trình đó không cung cấp thêm được thông tin nào khác" - anh Long nói.

Cần nâng cấp báo cáo tài chính

Ngoài việc na ná nhau ở các báo cáo giải trình, không một công ty nào đưa ra được giải pháp khắc phục cho quý sau - đó là bức xúc lớn nhất của nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ban điều hành các công ty có những giải pháp để làm thế nào vượt qua khó khăn, đảm bảo được kết quả kinh doanh của công ty chứ không phải kể lể.

Vì những khó khăn khách quan, chủ quan đó đều đã được dự báo từ đầu năm 2008 và đến nay thì thể hiện rõ bằng các con số. Nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định các báo cáo tài chính quý hầu hết được làm khá sơ sài, nhất là trong phần thuyết minh báo cáo. "Ở nhiều nước, Chủ tịch HĐQT, ban giám đốc phải có báo cáo đi kèm với báo cáo tài chính. Báo cáo đó phải phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp giải quyết và làm thế nào để tận dụng được các điểm mạnh của công ty mình… Chỉ như thế mới có thể giúp nhà đầu tư yên tâm nắm giữ cổ phiếu đó vì tin tưởng hoạt động của công ty trong tương lai vẫn ổn định" - ông Lê Đạt Chí nói.

Thời gian còn lại của quý 4/2008 không nhiều. Tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ còn tiếp diễn. Các cổ đông vẫn đang hồi hộp không biết kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có đạt được mức kế hoạch đưa ra đầu năm hay không? Nếu không đạt thì giảm bao nhiêu phần trăm?... Bởi vậy, phần giải trình sơ sài và chung chung của các công ty vô hình trung lại làm nhà đầu tư thêm thất vọng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.