Tàn sát người bạch tạng ở châu Phi

27/12/2009 22:29 GMT+7

Những bệnh nhân bạch tạng ở châu Phi bị giết chóc dã man vì làn “da trắng” không mong muốn của mình.

Mary Owido, một người bị bạch tạng ở Tanzania, cho hay cô rất sợ hãi mỗi khi phải đi ra đường. “Đến nơi nào người ta cũng chỉ trỏ và bàn tán về tôi, nói rằng tứ chi của tôi bán rất được giá. Tôi rất lo sợ và không dám ra khỏi nhà một mình”, Owido kể với hãng tin AP. Những kẻ săn người luôn rình rập những người như Owido tại Tanzania, Burundi và những nước khác ở Đông và Trung Phi. Sự mê tín bệnh hoạn rằng cơ thể người bạch tạng có ma thuật, mang lại may mắn và sự giàu có đang khiến hàng chục ngàn người phải lẩn trốn vì sợ bị giết.

Nguồn lợi kếch sù

Theo CNN, kể từ năm 2007, có 44 người bạch tạng bị giết ở Tanzania và 14 người khác ở Burundi. Một số tổ chức đưa ra con số hơn 50 người bị sát hại chỉ riêng tại Tanzania. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết ít nhất 10.000 người phải rời bỏ nơi cư ngụ và trốn vào các trường học hay nhà thờ ở khu vực Đông Phi. Vụ giết người bạch tạng gần đây nhất xảy ra tại Tanzania hồi cuối tháng 10 tại vùng Mwanza. Những kẻ săn lùng người bạch tạng đã giết một bé trai 10 tuổi tên Gasper Elikana. Cha của Elikana bị thương tích nặng khi cố bảo vệ con mình trong sự bất lực và tuyệt vọng.

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhận định nguyên nhân của hiện tượng phi nhân tính này xuất phát từ sự truyền bá của các thầy pháp, vốn vẫn rất được tin tưởng tại các vùng quê hẻo lánh ở lục địa đen. Báo cáo của tổ chức này cho hay tại Tanzania, các tay phù thủy có thể bỏ 75.000 USD để mua một số bộ phận cơ thể của người bạch tạng. Sau đó họ dùng các “nguyên liệu” này chế ra các loại bùa ngải để bán cho những người giàu có với giá cao ngất ngưởng. Salif Keita, một ca sĩ bạch tạng người Mali đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền, cho biết những hành động tàn sát dã man này bắt đầu cách đây 2 năm và hiện thị trường mua bán các bộ phận cơ thể của người bạch tạng đang nở rộ ở châu Phi. Theo báo Independent, vào tháng 12 năm ngoái, một người đàn ông đã bị bắt giữ khi nhập cảnh vào CHDC Congo với một phần thi thể của một em bé bạch tạng trong hành lý. Tên này khai rằng có một thương gia ở Congo đã trả giá rất cao cho y. Cũng vào cuối năm ngoái, cô bé 13 tuổi Elizabeth Hussein ở Tanzania bị sát hại trên đường đi chơi về và cảnh sát đã phát hiện thi thể của cô bé tại nhà một pháp sư địa phương. “Họ chặt chúng tôi như chặt gà vậy. Chúng tôi không dám ngủ say vì sợ mình sẽ không tỉnh dậy được nữa”, một người Tanzania bị bạch tạng nói với kênh truyền hình Discovery.

Mịt mờ lối thoát

Theo AP, một số cộng đồng ở lục địa đen tin rằng người bạch tạng là dấu hiệu của thảm họa, trong khi các bộ tộc khác cho rằng họ mắc bệnh tâm thần và khuyến cáo các bậc cha mẹ không cho con em mắc bệnh trên đi học để khỏi phí tiền. Do ít học, nhiều người bạch tạng bị mù chữ và buộc phải làm việc chân tay. Họ phải phơi nắng cả ngày để kiếm sống trong khi tia cực tím của mặt trời lại là những “sát thủ” đối với người bạch tạng. Da của họ không thể chịu được ánh nắng mặt trời và tỷ lệ người bạch tạng bị mắc bệnh ung thư da rất cao. Đối với những người vượt mọi khó khăn để học hành đến nơi đến chốn, họ cũng bị phân biệt đối xử tại sở làm, và cơ hội thăng tiến của họ thường bằng không.

Trước tình trạng người bạch tạng bị đối xử tàn nhẫn và bất công ở châu Phi, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước tăng cường bảo vệ người bạch tạng và truy quét những kẻ tấn công họ. Theo CNN, giới chức Tanzania cho biết họ đang huy động cảnh sát để hỗ trợ người bạch tạng ở nước này, nhưng họ cũng thừa nhận rất khó ngăn chặn các vụ tấn công. Phần lớn các vụ giết hại xảy ra ở vùng sâu vùng xa, nơi không có đủ lực lượng cảnh sát. Vào tháng 11, một tòa án ở miền bắc Tanzania đã kết án tử hình 4 người vì đã giết 1 người bạch tạng tên Lyaku Willy và bán các bộ phận thi thể của nạn nhân. Cho đến nay, 7 người đã bị xử tử vì giết hơn 50 người bạch tạng Tanzania, bao gồm cả trẻ em. Tuy nhiên sự quan liêu của hệ thống tư pháp và sự thờ ơ của giới hữu trách khiến những phiên tòa kể trên là rất hiếm. Rất nhiều kẻ sát nhân đã bị bắt nhưng hầu như không bị xét xử.

Để thoát khỏi tình trạng bị phân biệt đối xử cũng như nguy cơ mất mạng vào tay những kẻ săn người, đã có người chọn cách trốn ra nước ngoài. Abdoulaye Coulibaly, một thanh niên Mali 22 tuổi, đã vượt biên bằng thuyền đến quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha vào tháng 4 sau khi may mắn thoát khỏi 2 vụ bắt cóc. Hôm 22.12, báo El Pais của Tây Ban Nha đưa tin Coulibaly đã được cho tị nạn ở nước này. Đây cũng là người châu Phi “da trắng” đầu tiên được cấp quy chế nói trên. Coulibaly hiện ở thành phố Tenerife và đang tìm cách giúp đỡ hai người thân, cũng bị bạch tạng, được đoàn tụ với anh một cách hợp pháp tại đây. Thường quy trình xét hồ sơ xin tị nạn ở Tây Ban Nha kéo dài đến 2 năm, nhưng vụ việc của Coulibaly được giải quyết chỉ trong 9 tháng.

Với sự giải quyết nhanh chóng của nhà chức trách Tây Ban Nha, các tổ chức nhân quyền hy vọng sẽ có thêm nhiều người bạch tạng châu Phi khác sẽ tìm được sự bình yên ở xứ sở bò tót. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chừng nào suy nghĩ bệnh hoạn về người bạch tạng châu Phi còn tồn tại thì vấn đề này sẽ không thể được giải quyết dứt điểm.

Khang Huy 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.