Duyên phận với... tử thi: Dị nhân “cõi âm”

27/11/2010 10:32 GMT+7

Họ đảm nhận chăm sóc, bảo quản, dọn dẹp nơi để tử thi - công việc ít ai dám làm và được xem là “dị nhân”.

Ông Nguyễn Văn Lâm là người có nhiều năm làm việc nhất trong số các nhân viên y công ở Viện Giải phẫu ĐH Y Hà Nội. Công việc hằng ngày của ông là đi nhận tử thi, về ngâm hóa chất bảo quản, vớt thi thể từ bể ngâm, để ráo nước cho sinh viên thực hành... Sau giờ thực hành, những tử thi đã được phẫu tích từng phần lại được ông cẩn thận ngâm xuống bể hóa chất.

Sống chung với... người chết
 
Đã từng có một thời gian dài, bộ môn giải phẫu ĐH Y Hà Nội không thể tìm ra nhân viên nào dám nhận công việc mà mới chỉ nghĩ đến thôi, nhiều người đã sởn da gà này. Thế rồi cách đây 20 năm, chàng trai Nguyễn Văn Lâm xuất hiện, tự chọn công việc chăm sóc tử thi hằng ngày.
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội, Lâm sớm phải bươn chải nhưng vẫn luôn nuôi ước mơ theo học ngành y để chữa bệnh cứu người. Không có điều kiện theo đuổi việc học hành, giấc mơ thời trai trẻ của ông đành dang dở. 
 
Thế rồi, ông được một người quen giới thiệu vào làm tại Viện Giải phẫu. “Người này bảo cứ làm một thời gian cho có biên chế Nhà nước rồi xin chuyển sang cơ quan khác. Thật ra, lúc đấy gia đình khó khăn quá nên tôi đành tặc lưỡi nhận việc”- ông Lâm kể.
 
Sau một tuần làm quen với công việc, ông Lâm được giao đi nhận tử thi. “Tôi nhớ mãi hôm đó, một ngày mùa đông giá rét. Nhận tử thi xong, về nhà thay đồ, tôi không dám mặc lại bộ quần áo hôm ấy nữa. Cảm giác nhờn nhợn khiến tôi phải đi tắm liên tục. Thế mà cứ nhắm mắt lại là lại thấy tử thi chập chờn”- ông nhớ lại. Ông sớm được bạn bè đặt cho biệt danh Lâm “âm phủ”. 


Nguyễn Phương Nam ở Viện Giải phẫu ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Mạnh Duy

Hơn 20 năm qua, ông Lâm ngày ngày quanh quẩn với tử thi: nhận về, tắm rửa, khâm liệm, ngâm trong bể phoóc-môn, vớt lên, ngâm lại... “Tưởng chỉ gắn bó một thời gian ngắn rồi chuyển nghề nhưng tôi cứ quen dần và chẳng bỏ công việc này được nữa” - ông tâm sự.

Biết Lâm “âm phủ” làm nghề chăm sóc tử thi, bạn bè dần xa lánh ông, ngay cả hàng xóm ra ngõ nhìn thấy ông cũng rẽ sang lối khác. Hàng chục năm qua, ông cứ lầm lũi thu mình trong “cõi âm” ở Viện Giải phẫu.
 
“Tôi nhận ra không có gì đáng sợ bằng sự cô đơn và người chết đôi khi không đáng sợ bằng người sống” – ông bộc bạch. Chỉ có những tử thi làm bạn, ông trở nên lãnh đạm. Lâm “âm phủ” chưa dám yêu ai mà chắc cũng chẳng ai dám yêu người “sống chung với người chết” này.
 
Quét nhà cho “ma”
 
Ở “cõi âm” của Lâm “âm phủ” còn có một “dị nhân” khác. Đó là bà Nguyễn Phương Nam, 54 tuổi, người đã hơn 30 năm gắn bó với Viện Giải phẫu. Gương mặt khắc khổ, sạm đen nhưng bà Nam rất cởi mở và nhiệt tình.
 
Nhiều người nói ma quỷ bà Nam cũng chẳng ngán thì không có chuyện gì khiến bà phải sợ hãi nữa. “Ấy vậy mà vẫn có chuyện làm tôi sợ đấy. Đó là sợ phải rời xa nơi này!” – bà Nam thổ lộ.
 

Hy sinh hạnh phúc bình dị nhất

Những người gắn bó với việc giải phẫu hay chăm sóc tử thi đôi khi phải hy sinh cả hạnh phúc bình dị nhất. Người thường đi làm về có thể ôm con vào lòng nựng nịu, song các giảng viên, kỹ thuật viên, y công... ở Viện Giải phẫu ĐH Y Hà Nội hầu như không dám làm vậy. Nhiều người có con nhỏ phải ở lại luôn trong viện, cách ly gia đình.

“Nhiều kỹ thuật viên làm công việc bơm hóa chất để bảo quản tử thi trước khi về nhà lần nào cũng phải “đốt vía”. Những người có con nhỏ phải chấp nhận xa gia đình một thời gian...” - thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, giảng viên bộ môn giải phẫu ĐH Y Hà Nội, cho biết.

Bà Nam vừa quét dọn khoảng sân trong khuôn viên Viện Giải phẫu vừa kể cho chúng tôi nghe về những lần bà “gặp ma”. Hồi trẻ, cứ xong việc ở Viện Giải phẫu là bà Nam chỉ muốn về nhà thật nhanh để sớm rời xa những tử thi.
 
 “Có lần, tôi sắp về thì nghe tiếng ai văng vẳng bảo ở lại chơi cho đỡ buồn. Rất sợ nhưng vì tò mò, tôi cố tìm hiểu. Hóa ra, Viện Giải phẫu thường ít người lui tới sau 18 giờ. Khi đó, tiếng ai nói ở xa cũng vọng lại làm nhiều người đoán già đoán non là “ma” nói chuyện. Người nào thần hồn nát thần tính thường hay thêu dệt chuyện hoang đường, nhất là ở nơi đầy tử thi như Viện Giải phẫu” - bà Nam giải thích.
 
Có lần, bà Nam đã đóng hết cửa để chuẩn bị ra về thì nghe những tiếng loảng xoảng như có ai sử dụng dao kéo trong phòng thực hành, cánh cửa sổ mở toang, một bóng trắng đang loay hoay bên tử thi. “Tôi chực tông cửa bỏ chạy nhưng cũng cố nán lại quan sát. Lúc ấy, bóng trắng quay lại và tôi nhận ra ngay một sinh viên quen mặt. Hóa ra, giờ thực hành trước đó, cậu ta có điều chưa rõ nên quay lại mày mò bên tử thi” – bà Nam kể...
 
Những câu chuyện mà người nhát gan nghe cứ thon thót sợ hãi ấy cứ được bà Nam kể lại, tựa như những kỷ niệm khó quên.  Bà Nam đã sắp đến tuổi về hưu sau hàng chục năm cần mẫn “quét nhà cho ma” – như cách nhiều người thường nói. “Lớp trẻ bây giờ chẳng ai chịu làm nghề này cả. Họ có bao nhiêu công việc tốt hơn để chọn lựa nên ở đây lúc nào cũng thiếu người. Vì thế, nếu người ta đề nghị, tôi sẽ ở lại làm thêm vài năm nữa” – bà Nam chia sẻ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.