Một năm sau sự cố cầu Cần Thơ

31/10/2008 23:55 GMT+7

Xã Mỹ Hòa (H.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nằm dưới chân cầu Cần Thơ, nơi có 34 trong tổng số 54 người thiệt mạng và 39 người mang thương tật sau sự cố sập nhịp dẫn cầu ngày 26.9.2007.

Đằng sau nỗi đau...

Chúng tôi đã gặp những gia đình nạn nhân và người còn sống sau hơn 1 năm sự kiện thương tâm xảy ra... Bà Nguyễn Thị Hường, 61 tuổi, nhớ lại: “Sáng hôm đó thằng Hoàng chỉ kịp ăn 2 gói mì rồi vào công trường, ai dè đó là bữa ăn cuối cùng của nó. Cầu sập, phải bới 2 ngày sau mới moi được xác nó ra. Cũng an ủi là khi chết nó không đói lòng”.

Con trai bà Hường là Nguyễn Văn Hoàng (21 tuổi), mất mạng trong sự cố, để lại đứa con gái chưa đầy 3 tuổi. Ngồi trước hiên căn nhà cấp 4 được tặng cho các gia đình nạn nhân, bà Hường nói: “Có mơ cũng không dám mơ mình có được căn nhà như vậy!”.

Trước đó, cả gia đình phải sống trong một căn chòi lụp xụp che bằng bạt nilon. Tổng cộng bà Hường đã nhận được 5 sổ tiết kiệm tổng trị giá gần 300 triệu đồng và 200 triệu đồng tiền mặt đền bù sau cái chết của con.

Thế nhưng, số tiền mặt thì đã được gia đình bà Hường dùng gần hết sau một năm, chỉ còn số tiền trong sổ tiết kiệm do chỉ được rút phần lãi (trong 2 tháng, tiền lãi được khoảng 2 triệu đồng, dùng để chi tiêu trong gia đình có 4 người lớn và 1 đứa trẻ). Bây giờ chồng bà Hường quay lại với nghề ăn xin ngoài chợ huyện, bà thì tiếp tục đi bán vé số...

Theo UBND xã Mỹ Hòa, tất cả 74 hộ có người thân chết hoặc bị thương trong vụ cầu sập đều đã được hỗ trợ 30 triệu để xây nhà. Vậy mà khi chúng tôi vừa nhắc đến điều này thì bà Lưu Thị Xíu bật khóc tấm tức. Chồng của bà Xíu là Bùi Văn Bé, bỏ mạng trong vụ sập cầu, cho đến bây giờ, bàn thờ của ông Bé vẫn còn để trong túp lều xập xệ ba mặt là tường gạch chưa trát vữa, mặt còn lại được quây bằng lưới thép, túp lều này cũng do chính tay ông xây lên chỉ cách 1 tháng trước khi ông mất.

Bà Xíu nói: “Tôi ức vì mọi người trong xã này có người nhà bị chết đều được cấp tiền hỗ trợ xây nhà, có chỗ tử tế mà để bàn thờ, trong khi bàn thờ chồng tui phải để chỗ lụp xụp như vầy”. Có 6 người con, đứa con út của bà Xíu chỉ mới học lớp 10, sau một thời gian tạm nghỉ nay đã được đi học lại sau khi nhận được tiền từ các nhà hảo tâm. Thật ra trước đó gia đình bà Xíu cũng nhận được hơn 400 triệu tiền mặt và nay cũng sắp hết vì phải chia ra cho tất cả con cái. Hiện nay, thu nhập chính của gia đình bà là từ  4 công ruộng cho người con trai đầu thuê lại để lấy lúa ăn... 

Từ những câu chuyện điển hình vừa nêu, có thể thấy đằng sau nỗi đau của các gia đình nạn nhân trong sự cố sập cầu là nỗi lo. Những ngày ở xã Mỹ Hòa, chúng tôi bắt gặp rất nhiều các câu chuyện nhận tiền cứu trợ rồi bây giờ sắp phải tay trắng, trong khi lao động chính trong nhà đã qua đời...

Bi, hài xung quanh tiền cứu trợ

Con đường vào xã Mỹ Hòa, từ bến đò Xóm Lá, khá lầy lội dù cách đó 2 ngày chỉ có một cơn mưa nhỏ. Người lái xe ôm vừa gắng giữ vững tay lái để khỏi sa xuống rạch vừa phàn nàn: “Nghe nói Chính phủ Nhật có viện trợ 12 tỉ để làm lại con đường này cho dân đi mà sao tới giờ vẫn cứ phải lội sình.

Chỉ mới có vài đoạn đường ở mé trong là được trải bê tông”. Số tiền 12 tỉ đồng mà anh xe ôm nhắc tới cũng là một vấn đề chưa giải quyết được giữa nhiều gia đình nạn nhân và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Lực, Phó chủ tịch xã Mỹ Hòa nói: “Đúng là các nhà hảo tâm Nhật Bản có giao cho xã 12 tỉ đồng nhưng số tiền này đã được Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đồng ý để tỉnh Vĩnh Long duyệt dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại trong xã”. Nhưng, ông Lưu Văn Khâm, người có hai con trai chết, một con bị thương và bản thân cũng bị thương tật khi tham gia xây cầu Cần Thơ lại nói:

“Xã có nói dân đã nhận được nhiều tiền cứu trợ rồi, số tiền 12 tỉ phải được dùng vào việc xây đường. Ý tôi là phải trao lại số tiền đó cho chúng tôi rồi chúng tôi sẽ trích ra xây đường...”. Cũng cần nói thêm là gia đình ông Khâm đã nhận được trên 1 tỉ đồng vừa tiền mặt lẫn sổ tiết kiệm, có được ngôi nhà khang trang nhất trong số các gia đình nạn nhân ở xã Mỹ Hòa. Theo chính quyền xã, sau nhiều lần giải thích người dân đã đồng ý ký tên.

Thế nhưng, vẫn có những câu chuyện kiểu như: người dân bỏ trốn khi thấy cán bộ xã xuống huy động ký tên đồng ý dùng số tiền này vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng...

Chúng tôi đã nghe không ít những câu chuyện về vài gia đình khi nhận được số tiền cứu trợ liền đem ra sắm sửa, tiêu xài cho bõ những ngày cơ cực và chứng kiến một gia đình nạn nhân: người chồng trên tay cầm điện thoại di động đời mới, người vợ tay đeo vòng vàng, sắm cả dàn karaoke để trong nhà nhưng vẫn luôn miệng đòi thêm tiền cứu trợ...

Chính quyền xã không giấu việc có những gia đình dùng tiền sai mục đích, thậm chí nêu luôn cả tên mấy ông nông dân suốt đời không đi đâu, bây giờ có tiền thỉnh thoảng lại “chơi sang” bao nguyên một chiếc ghe để đi chơi cho biết với đời...

Trao đổi về vấn đề này với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lực thừa nhận: “Việc tạo công ăn việc làm cho người dân vẫn khiến chúng tôi đau đầu. Nguồn thu nhập bấy lâu nay của người dân trong xã vẫn phụ thuộc vào cây bưởi, mà những mùa gần đây bưởi lại mất giá. Việc dạy nghề cho người dân vẫn chưa triển khai được”.

Nguyên nhân của hiện tượng các gia đình nạn nhân dù đã từng có nhiều tiền mà vẫn nghèo sau hơn 1 năm là ở đây: Họ không hề được trang bị một nghề nghiệp nào hoặc được hướng dẫn cách để sử dụng đồng tiền cho đúng và  tiền chỉ hao mòn dần theo thời gian chứ không hề sinh lợi!

Không thể trách những người nông dân nghèo khổ bỗng phút chốc nắm được trong tay một số tiền mà trước đây dù có nằm mơ họ cũng không thấy. Vậy, phải trách ai khi đồng tiền cứu trợ đã không giúp được người hưởng nó thoát nghèo?

Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.