Cuộc chiến chính quyền - truyền thông ở Pháp

12/11/2010 22:23 GMT+7

Cục Tình báo nội vụ trung ương (DCRI) đang phải đối phó với hàng loạt cáo buộc cơ quan này tiếp tay cho Điện Élysée kiểm soát báo chí.

Kể từ sau khi tờ Le Monde giật tít ngay trang nhất số báo ngày 13.9: Vụ Woerth: Élysée vi phạm luật về bí mật nguồn tin báo chí và quyết định khởi kiện ngày 20.9, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính quyền Paris bị cáo buộc đã yêu cầu DCRI điều tra xem quan chức nào cung cấp thông tin cho Le Monde trong nghi án quan hệ tài chính thiếu minh bạch giữa Bộ trưởng Lao động Eric Woerth và nữ tỉ phú Liliane Bettencourt. DCRI thừa nhận có tham gia điều tra vụ này nhưng theo lệnh của Tổng nha Cảnh sát quốc gia (DGPN).

Ngọn lửa nghi vấn còn đang âm ỉ thì đến ngày 3.11 lại được tuần báo Le Canard Enchaîné thổi bùng lên với tít ở trang nhất ấn tượng không thua gì của Le Monde trước đó: Sarko giám sát việc theo dõi các nhà báo. Bài viết do chính Tổng biên tập Claude Angeli chấp bút. Ông Angeli cho rằng Tổng thống Nicolas Sarkozy “yêu cầu, với tư cách cá nhân, Giám đốc DCRI Bernard Squarcini theo dõi một số nhân vật của báo chí” khi “có bài điều tra gây rắc rối cho tổng thống hoặc cộng sự”. Một ngày sau, hai phóng viên của báo mạng Mediapart tuyên bố họ đã bị theo dõi khi điều tra vụ Woerth-Bettencourt hồi tháng 3, tháng 4.

Đáp lại, Élysée tuyên bố bài viết của Le Canard Enchaîné dựa trên “những luận cứ ngông cuồng”. Đến ngày 10.11, tờ báo lại khẳng định DCRI đang ra sức tìm kiếm nhân vật đã cung cấp thông tin cho bài báo ngày 3.11 của ông Angeli. Sự việc lại càng phức tạp hơn khi Tổng thư ký Élysée Claude Guéant và Giám đốc DCRI Squarcini tuyên bố hai ông có thể cũng sẽ kiện ngược lại Mediapart và Le Canard Enchaîné vì vu khống. DCRI dây dưa vào những cáo buộc, kiện tụng lằng nhằng khiến nhiều người hoài nghi nhiệm vụ chính của cơ quan này có còn là phản gián và chống khủng bố hay không…

FBI kiểu Pháp

Bảo vệ nguồn tin báo chí

Điều luật được thông qua đầu tháng 1.2010 quy định: “Chỉ có thể tìm hiểu nguồn tin báo chí nếu chứng minh được điều đó là bắt buộc vì lợi ích quần chúng”. Trong khi đó, điều tra của các nhà báo trong vụ Bettencourt chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của Bộ trưởng Lao động Eric Woerth mà thôi.

Ngày 1.7.2008, DCRI chính thức được thành lập từ sự hợp nhất của Tổng cục Tình báo và Cục Quản lý lãnh thổ. Theo thông cáo báo chí của Bộ Nội vụ, DCRI là “FBI kiểu Pháp” với 4 nhiệm vụ chính: phản gián, chống khủng bố, bảo vệ di sản quốc gia và an ninh kinh tế, theo dõi các phong trào bạo động và những hiện tượng xã hội để dự báo những đe dọa.

Hiện DCRI có khoảng 4.000 nhân viên và mọi thành viên đều phải trải qua sự kiểm tra nhân thân gắt gao để có thể tiếp cận những “bí mật quốc phòng” của Pháp. Le Figaro dẫn lời một quan chức của Tổng nha Cảnh sát quốc gia cho biết một cảnh sát gốc Trung Đông hoặc có thân nhân sống ở các nước Đông u hay lỡ… lấy vợ châu Á đều không được xét gia nhập DCRI. “Vì an ninh quốc gia”, trong một số trường hợp cần thiết, DCRI có thể thu lại các đoạn trao đổi điện thoại, xem nội dung thư điện tử hoặc tin nhắn. Ngoài ra, khi cơ quan này yêu cầu, các hãng điện thoại, ngân hàng hoặc diễn đàn trực tuyến phải cung cấp thông tin về tài khoản của những nghi can khủng bố.

DCRI được trang bị đầy đủ phương tiện và quyền hạn để hoạt động tình báo hiệu quả vì lợi ích của Pháp. Tuy nhiên, cơ quan này luôn bị nghi ngờ là thường xuyên làm việc theo sự chỉ đạo của Élysée vì mục đích chính trị, thậm chí là mục đích cá nhân. Trước vụ Le Monde - Élysée - DCRI, ông Squarcini từng thừa nhận cơ quan của ông có nhận chỉ thị điều tra để tìm ra nguồn gốc những tin đồn về đời tư vợ chồng Tổng thống Sarkozy.

Theo Le Monde, năm 2005, ông Sarkozy đã không ngần ngại tuyên bố ông trở lại vị trí Bộ trưởng Nội vụ để dễ dàng “canh chừng” các đối thủ chính trị, chẳng hạn như thủ tướng khi ấy là Dominique de Villepin. Từ trụ sở Place Beauvau của Bộ Nội vụ đến Điện Élysée, Tổng thống Pháp luôn xếp các cộng sự thân tín vào vị trí lãnh đạo các cơ quan cảnh sát, tình báo. Giám đốc Tổng nha Cảnh sát quốc gia Frédéric Péchenard là bạn từ nhỏ của ông Sarkozy, trong khi Giám đốc DCRI Bernard Squarcini đã gắn bó với ông từ năm 2002 ở Bộ Nội vụ. Hai tháng qua, những điều tra của Tòa án Paris trong vụ kiện của Le Monde gặp nhiều khó khăn vì những hoạt động của DCRI thường được gắn với “bí mật quốc phòng”.

Còn khoảng một tháng nữa để tòa đưa ra những quyết định ban đầu. Cũng chỉ còn hơn một năm, chiến dịch tranh cử tổng thống 2012 sẽ bắt đầu và chính trường Pháp đang ngày càng “nóng” lên.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.