Cuốn Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306-2006): Cẩu thả và nhiều sai sót !

19/11/2006 22:55 GMT+7

Ngay từ khi cuốn Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306-2006) - do Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh biên soạn - được NXB Đà Nẵng phát hành vào quý 3-2006, chúng tôi đã nhận khá nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc, các nhà sử học cho biết nội dung của cuốn sách có quá nhiều sai sót, được viết và biên tập cẩu thả đến mức không thể chấp nhận được.

Thiếu tôn trọng độc giả

Chưa vội đề cập đến nội dung, chỉ riêng hình thức trình bày của cuốn sách đã có quá nhiều chuyện đáng bàn, thể hiện sự vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng độc giả. Nhìn vào phần tài liệu tham khảo gồm 9 trang giấy (từ trang 385 - 393), nhiều người không nghĩ đây là một cuốn sách mà các tác giả của nó vốn là hội viên Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng như phần giới thiệu.

Trong toàn bộ 106 đầu sách được liệt kê, hầu như cả người viết lẫn người biên tập đều không quan tâm lắm đến việc trình bày tác giả, tác phẩm của mục tài liệu tham khảo theo một quy định chung bắt buộc của một công trình khoa học, một cuốn sách, điều mà sinh viên nào khi làm luận văn tốt nghiệp cũng đều biết. Không chỉ vậy, tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản trong phần này có quá nhiều lỗi sai cùng cách viết hoa, dấu chấm, phẩy, gạch ngang được đặt vô lối. Chúng tôi chỉ xin đơn cử một vài ví dụ như ở mục 15, trang 386, nội dung: Phan Châu Trinh - Qua tư liệu mới Lê Thị Kinh - NXB Đà Nẵng - 2001. Với cách trình bày như vậy, người xem sẽ hiểu tên tác giả là Phan Châu Trinh, tác phẩm Qua tư liệu mới Lê Thị Kinh. Thực ra, cuốn sách này có tên Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Lê Thị Kinh là tác giả, do NXB Đà Nẵng phát hành năm 2001.

Chịu cùng cảnh ngộ là cuốn sách Quảng Nam qua các thời đại của Phan Du do NXB Cổ học Tùng Thư xuất bản năm 1974 lại được viết ở mục 19, trang 386 là: "Quảng Nam qua các thời đại - Phan Du cổ học Tùng Thư -1974", như đánh đố độc giả xem đâu là tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản. Thậm chí, có những chỗ không có cả tên tác phẩm như mục 33, trang 387 viết: "Trung tâm nghiên cứu Huế - Nhiều tác giả - Từ tập 1 đến tập 5 - NXB Thuận Hóa" (thực tế tên của cuốn sách là Nghiên cứu Huế).

Cách viết tắt vô trật tự trong phần này cũng khá phổ biến. Chỉ riêng các tập sách của Quốc sử quán triều Nguyễn, có lúc tác giả viết tắt là "QS Quán triều Nguyễn"  (dòng thứ 2 từ trên xuống trang 388), lúc thì "QSQ. Triều Nguyễn" (dòng 11 từ dưới lên, trang 388), có lúc lại là "QTQS. Quán triều Nguyễn" (dòng 10 từ trên xuống, trang 388), rồi từ sách Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng được tác giả "thay tên đổi họ" thành Minh Mạng chính yếu và Đại Nam thực lực. Thật không thể hiểu nổi!

Sai từ cổ đến kim

Nhiều nội dung mà tác giả đưa vào trong cuốn sách là không có cơ sở. Đơn cử là sự phi lý ở trang 115 dòng thứ 3 từ dưới lên, tác giả cho rằng Nguyễn Hanh, một nhân vật lịch sử của Đà Nẵng bị giặc phục kích giết giữa đường vào ngày 19.10.1885, vua Tự Đức cho rằng ông chết vì nước và truy tặng chức "Đại Lý Tự Khanh". Không biết tác giả đã dựa trên cơ sở nào vì vào thời điểm đó, vua Tự Đức đã mất trước đó 2 năm, vào 9.7.1883?

Bên cạnh những nội dung thiếu cơ sở, sai sót về thời điểm, tình tiết thì cuốn sách có những lỗi sai về kiến thức. Trang 368, dòng thứ 10, từ trên xuống có đoạn: "Theo hiệp định ký kết tại Geneve (Thụy Sĩ), nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc. Lấy vĩ tuyến 17B nơi con sông Thạch Hãn (có cầu Hiền Lương) chảy từ nguồn Trường Sơn...". Ngay từ năm học cấp 2, trong các sách giáo khoa, các bài giảng lịch sử và địa lý học sinh đều được dạy rằng: con sông lịch sử Bến Hải bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 có cầu Hiền Lương bắc qua, được phân định thành giới tuyến quân sự tạm thời từ sau hiệp định Geneva. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết đến "vĩ tuyến 17B", và ngạc nhiên hơn nữa khi vĩ tuyến này lại nằm ở sông Thạch Hãn và lại có cầu Hiền Lương !

Các sự kiện có ý nghĩa trọng đại của TP Đà Nẵng, dẫu còn "mới toanh" và được hầu hết người dân Đà Nẵng biết đến cũng... sai. Như trang 372 viết về 3 sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố, dòng thứ 9 từ trên xuống, tác giả viết: "ngày 9.12.1982 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định 144-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng". Tuy nhiên, trên thực tế quyết định này được ký vào ngày 11.12.1982 (chứ không phải là ngày 9.12) theo quyết định 194-HĐBT (chứ không phải là 144) do Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng lúc bấy giờ là đồng chí Tố Hữu ký.

Dòng 15 từ dưới lên tác giả viết: "ngày 6.11.1996 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10 phê chuẩn việc thành lập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương...". Ở đây không thể dùng từ thành lập vì trên thực tế đây chỉ là việc chia và điều chỉnh địa giới các tỉnh thành. Trước đó ở trang 103, dòng đầu tiên từ trên xuống, tác giả lại tự mâu thuẫn với chính mình khi viết rằng: "ngày 1.1.1997, Hội đồng Chính phủ nước CHXH Việt Nam quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính thực thuộc Trung ương".

Cùng một cuốn sách mà các tác giả trước thì viết một đằng, sau viết một nẻo, ngay cả cái sai cũng không nhất quán thì người đọc chỉ đến nước bó tay! Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin trích nguyên văn nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 6.11.1996, trong đó, mục thứ 6, phần I có viết: "Tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương".

Cũng trong trang 372, dòng 7 từ dưới lên có nội dung: "Sau 6 năm tách tỉnh trở thành thành phố loại II (...) ngày 30.12.2003, nhân dân Đà Nẵng vô cùng hân hoan phấn khởi đón nhận sự kiện trọng đại là Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN ký quyết định công nhận Đà Nẵng là Đô thị loại I cấp Quốc gia trực thuộc Trung ương". Tuy nhiên trên thực tế, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP Đà Nẵng là đô thị loại I được ký vào ngày 15.7.2003 theo quyết định số 145/2003/QĐ-TTg. Còn ngày 30.12.2003 là ngày TP Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định trên.

Có quá nhiều những nội dung chưa chính xác, sai lệch của cuốn sách mà trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể dẫn hết. Những người yêu sử, biết sử đã không khỏi bức xúc, bất bình: "Phải khẳng định rằng các tác giả viết cuốn sách này là những người có tâm với lịch sử thành phố. Lỗi sai là do người viết nhưng trách nhiệm của người biên tập ở đâu khi để ra đời hơn 1.000 cuốn sách có lỗi sai gần bằng với số trang?". Điều kỳ lạ là một quyển sách có quá nhiều sai sót như vậy lại vẫn nghiễm nhiên phát hành và không có bất cứ một bản đính chính nào !

oOo

"Dân ta phải biết sử ta". Trong khi chúng ta hô hào, đòi hỏi mỗi người dân, mỗi học sinh - sinh viên phải biết, phải am hiểu lịch sử nước nhà thì lại có những sản phẩm viết về lịch sử kém chất lượng, sai lệch cứ ra đời và tung ra thị trường. Một giảng viên lịch sử  bộc bạch rằng: "Những cuốn sách như vậy sẽ gây tác hại lâu dài cho các thế hệ sau. Hoặc là họ sẽ phải mất công nghiên cứu để xóa bỏ những sai lầm đó, hoặc nếu không có ai làm điều đó, vô tình những cái sai sẽ nghiễm nhiên tồn tại và trở thành cái đúng! Sự thật sẽ bị rối loạn và sai lệch".

VPMT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.