Tri ân thầy cô

19/11/2009 23:35 GMT+7

Dẫu còn nhiều lo toan trong cuộc sống, nhưng hình ảnh của thầy cô giáo vẫn sáng ngời, vượt mọi gian truân, khó khăn để vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”...

Gieo chữ ở cổng trời

Canh Liên thuộc huyện miền núi Vân Canh, ở độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển nên được mệnh danh là vùng đất “cổng trời” của tỉnh Bình Định. Đồng bào Bana, Tày, Thái, Chăm và người Kinh nơi đây gắn bó, sống thuận hòa với nhau. Toàn xã có hơn 2.000 nhân khẩu, nhưng có tới gần 700 em học sinh. Trường THPT bán trú Canh Liên dạy cả bậc học mầm non, tiểu học và THCS. 

Trường có 46  giáo viên, trong đó có 3 giáo viên tại địa phương là người Bana. Phần đông giáo viên ở đây được tăng cường từ huyện và còn rất trẻ tuổi.

Muôn vàn khó khăn

Bão lũ đã chia cắt hoàn toàn Canh Liên với miền xuôi suốt nhiều ngày qua. Cuộc sống của bà con và giáo viên đang gặp nhiều khó khăn, song việc dạy và học vẫn diễn ra như những ngày trước đó. Thầy Lê Minh Nhung hiện là Phó hiệu trưởng phụ trách bậc tiểu học là người dẫn đường đưa chúng tôi đến Canh Liên trong hành trình cõng gạo cứu tế cho học sinh, kể: "Hôm mưa bão tôi như ngồi trên lửa. Nửa đêm vợ ở nhà gọi điện báo nhà ngập nước gần tới nóc. 4 con heo nái và 100 con gà đã bị cuốn trôi, tất cả các vật dụng trong nhà không có cái nào là không ướt, hư hỏng...”.

Không riêng gì thầy Nhung mà trong trường có 10 giáo viên ở huyện Vân Canh cũng bị bão lũ gây thiệt hại tài sản từ 10 đến 20 triệu đồng. Các thầy còn về được nhà để thăm, nhưng các cô thì không sao về được. Sạt lở núi vùi lấp con đường huyết mạch từ xã ra thị trấn, các cô giáo không đủ sức đi bộ băng rừng vượt suối nên đành phải ở lại, lòng dạ ai cũng như đang ngồi trên lửa.

Từ hôm tắc đường, bao gạo của tập thể giáo viên trường vơi dần, thức ăn thì chỉ có ít cơm với muối ớt qua ngày... Cô Nguyễn Thị Lan Anh (24 tuổi) cho biết: “Trước bão lũ, sau tiết học, chỉ cần mất 15 phút là hái được nắm rau rừng nấu canh, bây giờ tìm một cọng làm thuốc cũng không có, phần vì cả làng đổ xô đi tìm rau, phần bị nước lũ chà xát, cuốn trôi hết. Trong lúc mình dạy thì đồng bào thiếu gạo ăn đã tìm hái hết rồi. Cũng may, các hộ sống quanh nhà công vụ đi hái về đã chia sẻ nên cũng ấm lòng". Cô Lan Anh lại bùi ngùi: “Không điện nên cuộc sống sinh hoạt buồn tẻ và lạc lõng lắm. Cả khu nhà công vụ bậc tiểu học có mười mấy giáo viên nhưng chỉ duy nhất có một chiếc radio nhưng cũng đâu dám mở vì sợ hết pin. Mọi người bảo để dành đến ngày 20.11 này nghe chương trình quà tặng âm nhạc của Đài phát thanh - truyền hình Bình Định".

Ươm những mầm xanh...

Khi chúng tôi hỏi chuyện về chuyên môn, tâm trạng các thầy cô giáo như thay đổi hẳn và bớt căng thẳng. Cô giáo Lan Anh nói: "Khó vậy nhưng không phải chúng em chùn bước đâu nhé! Chưa bao giờ chúng em nản chí mà luôn động viên nhau: Canh Liên còn quá khó khăn nên mới cần sức trẻ của mình, phải cố gắng nuôi dưỡng nguồn tri thức trẻ, ươm những mầm xanh Canh Liên lớn lên từng ngày. Có vậy, lớp thầy cô giáo sau này lên Canh Liên giảng dạy không bao giờ tìm thấy cái khổ như hôm nay”.

Để gieo được con chữ vào tâm trí con em đồng bào ở Canh Liên cũng không hề dễ dàng. Bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất trong việc truyền đạt kiến thức của các thầy cô giáo. Mặt khác trong điều kiện đời sống kinh tế còn bộn bề khó khăn nên nhiều em cũng chưa ý thức được việc học. Thầy Lương Văn Tuấn - Hiệu phó trường THCS Canh Liên cho biết: "Từ ngữ, thông tin, kiến thức trong sách giáo khoa ngày một nhiều lên, trong khi đó các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền hình chưa đến được với Canh Liên nên việc tiếp cận, vốn hiểu biết và khả năng tiếp thu bài của các em học sinh còn rất hạn chế. Công việc của các thầy cô giáo Canh Liên vì thế mà nặng nhọc hơn. Sau bão lũ nhiều em học sinh cũng đang thiếu hụt sách vở, bút viết...”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, tập thể thầy cô giáo ở nơi vùng đất “cổng trời” sẽ vui cùng các thầy cô giáo trong cả nước qua sóng radio với những cục pin để dành từ sau lũ...

Giáo viên vùng khó sẽ được luân chuyển

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Đình Mậu (ảnh) - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) xung quanh một số chính sách mới đối với giáo viên.

* Thưa ông, được biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án luân chuyển giáo viên từ vùng khó về vùng thuận lợi và ngược lại. Xin ông cho biết chủ trương của đề án này?



- Một trong những mục tiêu chính là để giáo viên vùng khó công tác lâu năm được luân chuyển về các vùng thuận lợi hơn. Việc luân chuyển nhà giáo không phải là vấn đề mới mẻ, đã được đề cập và thực hiện trong 50 năm nay. Dự kiến đến năm 2010, Đề án sẽ hoàn thành, hiện chúng tôi vẫn đang xây dựng và tiếp tục đi khảo sát thực tế ở các địa phương.

* Vậy đề án luân chuyển giáo viên mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng có gì mới và khác so với cách làm hiện tại?

- Đề án mà chúng tôi đang xây dựng sẽ phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế hiện nay. Ví dụ, những người dưới xuôi phải có nghĩa vụ lên công tác miền núi, có niên hạn và khi đi sẽ được trở về, thời gian có thể là 5 năm. Bên cạnh việc luân chuyển giáo viên thì tôi nghĩ rằng vấn đề mấu chốt và lâu dài vẫn là việc giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên ở vùng khó khăn như thế nào để họ có thể yên tâm công tác, tận tâm với nghề. Còn một cách nữa là tranh thủ lực lượng tại chỗ, đào tạo con em địa phương để họ trở về quê hương công tác. Hiện nay, đề án cũng tính đến thực tế là tất cả các trường sư phạm ở địa phương đều đã đào tạo một lực lượng lớn giáo viên là người địa phương để họ trở về phục vụ cho quê hương mình.

* Thưa ông, một trong những vấn đề cản trở việc luân chuyển giáo viên là do giáo viên vùng sâu, vùng xa khi được điều động về vùng xuôi không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và những đổi mới ở trường học vùng xuôi. Bộ có nhìn thấy thực tế này và sẽ giải quyết nó như thế nào?

- Đó là một thực tế. Chất lượng đào tạo khi ra trường của đội ngũ giáo viên là một phần, thêm nữa, đối tượng học sinh giữa hai vùng cũng rất khác nhau nên yêu cầu về trình độ và phương pháp giảng dạy khác nhau, vì thế sự chênh lệch về chất lượng đội ngũ là không tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này có thể khắc phục được. Việc luân chuyển giáo viên hiện nay là hầu hết trong một địa phương, vùng thấp hay vùng cao cũng ở trong một địa phương đó, có thể là từ huyện này lên huyện kia hoặc từ xã này sang xã kia của ngay bản thân huyện đó.

* Vậy ông có cho rằng đề án luân chuyển giáo viên sắp tới cần có những tiêu chí cụ thể và yêu cầu các địa phương phải công khai tiêu chí và số lượng giáo viên được luân chuyển?

- Có hai mặt của vấn đề này, người quản lý phải công tâm và người giáo viên cũng phải nhận thấy trách nhiệm của mình đối với ngành GD-ĐT của địa phương mình, cụ thể là ngôi trường nơi mình dạy học. Còn về yêu cầu bắt buộc thì ý kiến cá nhân tôi cũng cho rằng việc luân chuyển giáo viên cần được tiến hành công khai với những tiêu chí rõ ràng.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Bảo Long – Trung Nghĩa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.