Tình lên theo gió thiên đường (*)

16/02/2004 22:34 GMT+7

Lần đầu tiên trong đời, Mi theo một người con trai, tên Hiếu, vào quán cà phê nhạc, quán Dã Thảo nằm trên dốc Bến Ngự, đầy gió, có những đóa hồng xanh làm chứng. Cũng ở đó, về sau, Mi bắt gặp Hiếu ngồi với một cô bé khác, người tình giấu kín của anh ta. Mi bước qua trước mặt họ, giã từ - giã từ quán thiên đường nơi Hiếu “đã lấy trộm bông hồng xanh cho tôi. Bây giờ ở đây chỉ đơn độc một bông cúc tím”.

Truyện trên: Gió thiên đường (hoặc Thiên đường mong manh) của Trần Thùy Mai, được lấy làm nhan đề tập truyện do NXB Văn Học in, quý I/2004, 450 trang, nhiều tác giả: Ma Văn Kháng, Chu Lai, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quốc Trung, Lý Biên Cương, Khuê Việt Trường, Lê Minh Khuê, Trang Hạ, Nguyễn Thị Châu Giang, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Hồ Tĩnh Tâm, Thùy Linh, Hải Miên, Chu Thu Hằng, Phan Hồn Nhiên...

Truyện Hoa oải hương của Phạm Thị Ngọc Liên có cô gái “suốt một tiếng đồng hồ trong quán cà phê chỉ chăm chú nhìn anh rồi chăm chú nhìn ly nước và sau đó cô mỉm cười. Vẻ mặt của cô làm trái tim anh đập mạnh”, cô sà vào lòng anh “như một con chim vừa tìm được tổ ấm”, nhưng chóng vánh quá, vì ngay hôm sau cô biết rằng vài ngày nữa anh sẽ làm đám cưới với một người khác. Cô lặng lẽ ra đi và để lại tặng anh bó hoa cúc dại - oải hương - mà cô “vẫn thường ví mình là loài hoa ấy, bé nhỏ, dịu dàng và hay lỡ làng duyên”.

Nguyễn Quang Thiều đưa chuyện tình về miền quê, đầy hương khúc nếp, bay ngào ngạt theo mưa tháng hai. Trần Thanh Hà viết về cái tết hồi xuân của người phụ nữ có nhan sắc, có tiền, có thế, xa chồng và phát sáng trong một cuộc tình xế chiều, lén lút.

Cạnh không khí mang mang buồn buồn như thế, tập Gió thiên đường hứa hẹn ngày hạnh phúc vĩnh cửu cho tất cả, cho tương lai, mà một nhân vật của Trần Thị Trường bảo là quá xa xăm, mù mịt: “thầy lại chối bỏ hiện tại, thầy chỉ nhắc đến bánh hằng sống, còn bánh của ngày hôm nay thì thầy chẳng muốn khao. Hư không thảy đều hư không - là nghĩa thế nào?”. Người ta không hiểu câu trả lời, cứ lao theo tiếng gọi của con tim máu thịt, để rồi, một hôm nào chợt ngẩn ngơ vì vấp ngã, bế tắc. Bấy giờ lại khấn nguyện, tìm đến một cõi “hằng sống”, không sinh diệt. Lấy lý trí để tìm nguyên do của vòng lẩn quẩn kia sẽ đau đầu nhức óc, vì nói như Hồ Anh Thái: “lý luận bao giờ cũng làm đứt tay kẻ dùng nó (...) người không bao giờ chất vấn cuộc đời thì sống mãi”. Nghĩa là yêu, ghét, đam mê, hẹn hò, cả tin, sung sướng, đau xót, tất cả thể hiện nên khuôn mặt người đa dạng, mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua truyện ngắn in trong Gió thiên đường để nhân vật Mười Biện vẽ người chỉ vẽ cái lưng và nói thiệt: “Tao vẽ mặt người chưa nổi, mặt người luôn thay đổi, tao bắt không kịp, đành phải vẽ cái lưng”.

(*) Gió thiên đường - NXB Văn Học - 2004

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.