Nga - Iran - Qatar lập liên minh khí đốt

22/10/2008 23:12 GMT+7

Ba cường quốc khí đốt Nga, Iran và Qatar đã tiến một bước tới việc hình thành một tổ chức khí đốt theo mô hình Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo hãng tin Reuters, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hôm 21.10 cho biết, họ đã đồng ý với Iran và Qatar về việc thành lập một liên minh tay ba về khí đốt và đó sẽ là một cơ chế thường trực để 3 nước tiến hành các cuộc họp thường kỳ, có thể là ba hoặc bốn lần mỗi năm, để thảo luận những diễn biến trên thị trường khí đốt. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller với Bộ trưởng dầu mỏ Iran Gholam Hossein Nozari và Bộ trưởng Năng lượng Qatar Abdullah al-Attiyah tại Tehran (Iran).

Ông Miller cho biết một cuộc đối thoại giữa ba bên là "rất hữu dụng đối với thị trường khí đốt" và có thể đóng vai trò động lực cho các nước xuất khẩu khí đốt. Ông cũng cho biết sẽ gặp hai bộ trưởng của Iran và Qatar tại Moscow sau 3 hoặc 4 tháng nữa. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng al-Attiyah của Qatar nói rằng cuộc họp cấp chuyên gia đầu tiên của liên minh này sẽ diễn ra ở Doha trong vài ngày tới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Nozari cũng nói rằng ba bên đều tán thành việc thành lập một tổ chức khí đốt theo kiểu OPEC. Tuy nhiên, ông Miller không đề cập đến vấn đề này mà chỉ nói rằng liên minh tay ba cần hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) được thành lập ở Tehran vào năm 2001. Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Qatar al-Attiyah nói rằng ba nước "có quan điểm chung về một tổ chức các nước xuất khẩu khí đốt" và việc thành lập tổ chức này sẽ được khẳng định tại một cuộc họp cấp bộ trưởng trong tương lai. Theo hãng tin AP, cuộc họp hôm 21.10 ở Tehran là bước đáng kể nhất hướng tới việc thành lập "OPEC khí đốt" kể từ khi Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đưa ra ý tưởng này lần đầu tiên vào tháng 1.2007.

Châu u và Mỹ phản đối việc thành lập "OPEC khí đốt", cho rằng đó có thể là một hiểm họa đối với an ninh năng lượng toàn cầu đồng thời dẫn tới việc thao túng giá. Theo AP, phương Tây còn lo ngại rằng quan hệ chiến lược gần gũi hơn giữa Nga và Iran có thể tác động đến những nỗ lực cô lập Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Theo số liệu thống kê của hãng BP, Nga hiện nắm giữ 25% trữ lượng khí đốt của thế giới, Iran nắm giữ 16% và Qatar 14%. Nga và Qatar là hai nước xuất khẩu khí đốt lớn, còn Iran phải nhập khẩu khí đốt do nhu cầu trong nước tăng mạnh trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ làm hạn chế khả năng đầu tư của Iran vào lĩnh vực này.

Các chuyên gia cho rằng việc thành lập một phiên bản OPEC cho khí đốt là điều không đơn giản do khí đốt ít chịu biến động về giá cả. Khí đốt xuất khẩu thường đòi hỏi phải xây dựng những đường ống rất tốn kém và các hợp đồng mua bán thường dài hạn, đến 25 năm. Trái lại, dầu thô xuất khẩu thường dựa trên giá thị trường tự do và hàng được giao trong khung thời gian tương đối ngắn.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.