Hôm nay, bão số 9 mạnh cấp 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ

04/12/2006 00:21 GMT+7

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, Durian (bão số 9) là một cơn bão rất kỳ dị, từ cấp 15-16 ở Philippines đã suy yếu xuống còn cấp 11 khi mới vào biển Đông, rồi lại mạnh lên đến cấp 13, giật trên cấp 13 vào ngày hôm qua 3/12.

Trên ảnh mây vệ tinh hôm qua cho thấy bão đã có mắt, có lúc rất rõ nét, chứng tỏ cường độ bão mạnh hơn 2 ngày trước đó. Thông tin chính thức từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư hồi 21 giờ 30 đêm qua cho biết: Hồi 19h ngày 3/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng13,6 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông; cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 390 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (tức từ 118 - 149 km/giờ), giật trên cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.

Như vậy, từ sáng sớm ngày 4/12 bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận. Khoảng chiều tối ngày 4.12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Trong 24 - 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Khoảng tối 4.12 vùng tâm bão có khả năng đi qua địa phận các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận, suy yếu đi một ít và đi sâu vào đất liền. Đến 19 giờ ngày 5.12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ vĩ bắc; 105,9 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13, sóng biển cao từ 10 - 12 mét. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.

Từ sáng sớm ngày 4/12, các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11 - 12, giật trên cấp 12. Từ chiều ngày 4.12, các tỉnh phía Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - 10, giật trên cấp 10. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7- 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Các trung tâm dự báo khí tượng nước ngoài đêm qua cũng có những dự báo tương đối giống nhau về hướng di chuyển của bão Durian. Hải quân Mỹ cho là tâm bão sẽ đổ bộ vào phía nam Nha Trang vào chiều tối 4.12, với sức gió mạnh đến cấp 12, giật cấp 14; sau đó suy yếu dần còn khoảng cấp 9, giật cấp 10 vào ngày 5.12 khi đi qua các tỉnh miền Đông Nam Bộ, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở Campuchia. Riêng Cơ quan khí tượng Hồng Kông cho là tâm bão Durian sẽ đi vào khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận, với sức gió mạnh cấp 12, sau đó suy yếu dần khi đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và ra vùng biển tỉnh Kiên Giang và vịnh Thái Lan.


Người dân Ninh Thuận khẩn trương sơ tán - ảnh: Thiện Nhân

Bão ảnh hưởng thế nào đến TP.HCM?

Đêm hôm qua, PV Thanh Niên đã liên lạc với ông Nguyễn Minh Giám, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ về ảnh hưởng của cơn bão Durian đối với TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ. Ông Giám cho biết, theo bản đồ dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thì TP.HCM sẽ nằm ở phía nam của tâm bão. Cần biết rằng, bán kính của cơn bão này rất rộng. Vùng nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km tính từ tâm bão, từ cấp 6 trở lên có bán kính từ 250 - 300 km. Có nghĩa là vùng chịu ảnh hưởng của bão có đường kính khoảng 600 km. Do vậy, toàn bộ các tỉnh, thành phố từ nam Trung Bộ, đến Nam Tây Nguyên và Nam Bộ đều nằm trong vùng nguy hiểm. Đối với TP.HCM, sợ nhất là ảnh hưởng tổ hợp giữa bão, triều cường và mưa lớn ở thượng nguồn buộc các hồ chứa phải xả nước, gây ngập lụt. Các công trình nhà cao tầng, đặc biệt là chung cư cũ xuống cấp, cây xanh, đường dây điện chằng chịt... có thể sẽ không chịu đựng nổi gió bão thổi liên tục gần 2 giờ đồng hồ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, do có nhiều con sông lớn, lại đang vào kỳ triều cường, nên khi bão vào cũng sẽ gây sóng to, rất nguy hiểm cho ghe, thuyền. M.Vọng (thực hiện)

Kinh nghiệm sống trong vùng bão

Bão đổ bộ vào ban đêm là thời điểm rất khó khăn, nguy hiểm. Sức gió mạnh sẽ gây ngã đổ cây cối, trụ điện, bứt bay những mái nhà cấp 4, giật sập những bức tường xây gạch 10 vào phía trong nhà, đè người đang trú bên trong. Vì vậy, người dân sống trong vùng bão đi qua cần tìm nơi trú ẩn an toàn ngay từ trưa 4/12. Kinh nghiệm tại Đà Nẵng cho thấy, nấp trong hầm là tốt nhất. Trước khi bão đến, điện đã cúp, đường điện thoại bị đứt, nguồn cung cấp nước không còn.

Người dân cần dự trữ đèn sạc điện, đèn pin, pin radio, nước sạch, mì gói cho 1- 2 ngày. Riêng với những nhà báo hoặc những ai có ý định chụp hình mưa bão cần dự trữ loại pin không sạc Energizer AA. Điện thoại di động sẽ rất hữu ích trong mưa bão, tuy nhiên người dân sống trong vùng bão cần tiết kiệm tối đa năng lượng, chỉ dùng để nhắn tin khi thật cần thiết và để nhận tin , thỉnh thoảng cần tắt máy để khỏi hao pin. Băng keo dán các kẽ hở của cửa kính cũng rất cần. Chỉ cần gió lọt vào một ít cũng đủ cho nó mở toang cửa vào thổi tung la- phông, thổi tung mái nhà...

Điều đặc biệt cần lưu ý, khi tâm bão đi qua sẽ có hiện tượng trời hửng sáng, gió lặng, có khi im phăng phắc. Vừa qua ở Đà Nẵng không ít người ngỡ lúc đó đã hết báo nên đổ ra đường, leo lên mái nhà chằn chống thêm đã bị gió bão tiếp tục kéo tới, dân gian gọi là "lại nồm", mạnh hơn trước, thổi bay xuống đất làm bị thương hoặc chết. Sau bão, cũng cần bảo trọng do lúc đó vẫn còn những cơn gió mạnh thổi bay những vật thể đang treo lủng lẳng trên cao gây chấn thương cho người ra đường. Các loại xe khi ra đường lúc này cần tìm đường quang, tránh những đường cây cối ngã đổ, kính vỡ, tôn bay... sẽ gây thủng lốp và tai nạ cho người. Tốt nhất, trước khi bão đến cần trú ẩn nơi an toàn. Trong bão và sau bão vài giờ, không di chuyển đi đâu nếu không có sự cố gì nghiêm trọng. (Đặng Ngọc Khoa)

M.Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.