Thế giới của người lang thang

11/12/2010 20:25 GMT+7

Chiếc U - oát rồ máy vượt biển nước ngập ngang bánh xe để tiến vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM. Lực lượng công an chở tới đây một đối tượng lang thang bị nghi tâm thần. Chỉ khi vượt qua cánh cổng sắt này, thế giới người lang thang mới hiện ra một cách sống động nhất...

“Đón khách”

Bề ngoài, số nhà 463 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TP.HCM cũng giống như nhiều trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp khác với bảng hiệu, cửa cổng, phòng bảo vệ... nhã nhặn, yên bình. Nhân viên của trung tâm thì lịch thiệp với áo xanh lợt bỏ vào quần, trong tay “không một tấc sắt” như còng sắt hay dùi cui điện. Trong khi đối tượng họ phải quản lý và tiếp nhận lại không hề “hiền”.

Cô gái mà Công an P.7, Q.Gò Vấp chở đến bước đầu được xác định là đối tượng lang thang và có biểu hiện tâm thần. Công an thu gom được trên địa bàn họ và chở đến đây vì... không biết đưa đi đâu cả. Trong khi nhiệm vụ của trung tâm chỉ là tiếp nhận người lang thang. Thế là phải xác minh lại. Cô gái thì luôn mồm nói “mới mua thuốc uống, muốn đi tìm mẹ...”. Nhân viên y tế hỏi phòng có mấy người, cô đếm xong rồi trả lời… trật lất. Hỏi bây giờ muốn đi đâu, cô cứ nằng nặc bảo “muốn đi tìm mẹ” trong khi chẳng nhớ nhà mình ở đâu. Trường hợp này, trung tâm không thể tiếp nhận nên yêu cầu lực lượng công an chở đi giám định tâm thần. Nếu không bị, trung tâm mới nhận.

Xe này vừa đi thì xe khác lại chở đến hai cô gái trẻ khác, được xác nhận là “lang thang” dù cho ăn mặc thời trang, mặt mũi sạch sẽ. Cán bộ chở đến nói hai cô “bán cà phê ôm ở Bà Điểm”. Thế là lại phải kiểm tra y tế, làm thủ tục tiếp nhận...

Các quận tập trung nhiều “người lang thang” là Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Q.7, Q.8. Do địa bàn những nơi này giáp ranh nhiều các quận, các tỉnh khác, giá thuê nhà lại rẻ nên thường tập trung nhiều người nhập cư, các thành phần phức tạp quy tụ nhiều
Theo Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM.
Khi đó đã gần 4 giờ chiều. Đường dây nóng trung tâm lại reo vang: Dân báo ở khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả xuất hiện người ăn xin, họ rất chuyên nghiệp khi thay đổi địa điểm liên tục, không ra dáng người cơ nhỡ chút nào... Trung tâm lại phải cử 3 nhân viên đánh xe cấp tốc đi trong mưa để xác minh, thu gom.

Theo nhiệm vụ chính thì trung tâm sẽ tiếp nhận và chăm sóc người lang thang trên địa bàn TP.HCM bị thu gom về trong vòng 1 tháng. Hết thời hạn này, gia đình không tiếp nhận thì trung tâm sẽ sàng lọc rồi chuyển tiếp tới những trung tâm chức năng như chăm sóc người già, trẻ em, người tàn tật, tâm thần… Ước tính, trung bình một ngày trung tâm phải tiếp nhận 15 đối tượng. Vào dịp lễ tết, các địa phương tiến hành nhiều đợt thu gom người lang thang thì phải làm việc nhiều hơn. Hôm chúng tôi ghé, trung tâm đang tiếp nhận 270 đối tượng trong khi “sức chứa” ở đây chỉ khoảng 500 người, khẩu phần ăn 15.000đ/ngày/người.

Đằng sau chữ lang thang…

Ông Phan Ngọc Anh, Phó phòng quản lý giáo dục của trung tâm không phải là một nhà tội phạm học, nhưng từ khi tiếp nhận nhiệm vụ này, ông thường xuyên ghi chép tỉ mỉ nguyên nhân của những người lang thang trước khi vô đây. “Đằng sau chữ lang thang đó là cái gì, mình phải ghi chép cẩn thận mới nhớ, mới lý giải được” - ông chia sẻ.

Giở cuốn sổ riêng, ghi lý lịch người được tiếp nhận mới từ ngày 17.10 trở lại đây, thế giới “đằng sau chữ lang thang” của ông Ngọc Anh được khắc họa rất đầy đủ, với đủ loại “đối tượng xã hội” và các kiểu vi phạm. Đơn cử: “Nguyễn Quốc ., sinh năm 1955 bị công an bắt vì nhập nha. Hồ Thị K., 1964 móc túi bị bắt...”. Hay hình sự hơn như: “Lê Văn H. lấy xăng ném vô xe công an. Nguyễn Ngọc Đ., Võ Nguyễn Hải L. đòi nợ mướn...”; hoặc trời ơi đất hỡi như: “Vợ chồng Đỗ Đức Đ. - Nguyễn Phương L. ở Hà Nội, vô đây ở khách sạn thiếu 2,58 triệu không trả. Nguyễn Hữu T., 1993 chạy dán giấy quảng cáo vi phạm nhiều lần...”.

Ngoài ra còn có một loạt hành vi khác chưa đủ chứng cứ hoặc mức độ để truy tố hình sự như trộm ống nước, trộm giàn giáo, trộm trái cây, xin tiền người nước ngoài, bán cà phê ôm… Nặng hơn còn có đâm người gây thương tích, chăn dắt gái, đòi nợ thuê…

Với những thành tích bất hảo như vậy, một số đối tượng vào trung tâm rồi vẫn tiếp tục quậy phá, chống đối… gây khó khăn cho những cán bộ quản lý, giáo dục. Nhẹ thì… bẻ bóng đèn tuýp bỏ vô miệng nhai, kiếm cớ bị thương để đòi đi bệnh viện, hòng bỏ trốn. Nặng thì chửi mắng cán bộ, gây xích mích với các bạn trong phòng, không chấp hành nội quy.

Nói như ông Ngọc Anh thì hơn 50 cán bộ, nhân viên tại trung tâm “không có một tấc sắt” để hỗ trợ, trấn áp khi sự cố xảy ra. “Công cụ” của họ chỉ là những lời nói và tấm lòng: “Chúng tôi giải thích, vận động để họ hiểu không việc gì phải bỏ trốn cả, hết hạn 1 tháng là ra, còn lại sống trong trung tâm thì phải tôn trọng nhau, hòa thuận với mọi người”.


Các em bé ở “nhà mở Đồng Nai” cũng đã coi trung tâm như một mái nhà - Ảnh: N.L.N

Công việc thầm lặng

Lúc chúng tôi đang nói chuyện thì cán bộ Tỉnh Đoàn Đồng Nai lên thăm các em bé trong vụ “nhà mở” vô chào, xin phép ra về. Một số phụ huynh khác thì muốn gặp, làm thủ tục nhận con em mình về nhà quản lý. Rồi các cán bộ phải lập danh sách, cắt cử những người có thành tích - thái độ tốt, cho ra ngoài, đi lại tự do trong khuôn viên trung tâm để phụ giúp việc bếp núc, quét dọn (những đối tượng lang thang “có vấn đề” phải ở trong phòng có cửa khóa, bên trong có tivi, nhà vệ sinh, quạt trần - PV). Nói chung là rất nhiều việc.

Theo chân cán bộ trung tâm, chúng tôi ghé lầu 1 thì gặp 4 em bé lang thang từ dưới “nhà mở Đồng Nai” đang được hướng dẫn cho vẽ tranh, giải trí. Xuống tầng trệt, tại khu người già thì gặp các cụ ông đang ngồi trầm ngâm hóng mát, các bà lại tỉ tê nói chuyện đời. Tại trung tâm hiện có 15 người già chờ người nhà đến đón hoặc sẽ được chuyển đến trung tâm dưỡng lão nếu hết thời hạn ở đây.

“Cụ ở đâu trước khi bị gom vô đây?”, tôi hỏi. “Lúc đó tôi ngồi cách bến xe miền Đông một đoạn thì Công an Bình Thạnh đưa đi”, ông cụ trả lời. “Tôi ở Thanh Hóa, vô đây lang thang hơn 1 tháng, bị đưa vô đây ở hơn 1 tuần rồi.” Cụ già này tên Đ. Tr. X., có con nghiện hút, cờ bạc, ở ngoài quê phải bán đất, bán nhà. Không chịu được cảnh đó, cụ mới bỏ đi. Giờ trung tâm cho về cụ cũng không chịu về. Trường hợp này, hết hạn 1 tháng trung tâm sẽ chuyển cụ đến trung tâm dưỡng lão.

Cũng trong buổi chiều hôm ấy Ng.H.S. ngụ Biên Hòa, Đồng Nai đã được gia đình lên làm thủ tục nhận về. Em đã ở đây được hơn 3 ngày và vì “tế nhị” nên S. không nói lý do phải vô đây.

S. bảo sáng ở đây 6 giờ dậy, trưa 10 giờ 30 ăn cơm, tối 9 giờ ngủ, tự tắm rửa giặt giũ. Tuy khác với lối sống bên ngoài nhưng S. chấp hành tốt vì “người khác dậy sớm được thì mình cũng dậy được. Vô đây nhớ nhà, em sống nền nếp hơn, về nhà đợt này sẽ đi học sửa xe máy, không đi lang thang nữa”, S. chia sẻ.

Chiều đã buông nhưng ngày làm việc của trung tâm vẫn chưa thể kết thúc. Hết ca 1 sẽ sang ca 2, trực đêm, 24/24 giờ với đủ các công việc phức tạp. Nhiều năm nay, trung tâm vẫn hoạt động âm thầm, hướng thiện cho biết bao mảnh đời, chắp nối cho biết bao ước mong sum họp. Chuyện thật nhưng như đùa và chợt thấy cám cảnh khi nghe một cán bộ tâm sự: “Không “nổi tiếng” bằng trung tâm ma túy hay mại dâm nên lâu nay trung tâm ít được xã hội biết đến - quan tâm dù công việc không hề nhẹ nhàng”.

Chỉ biết rằng họ vẫn âm thầm hoạt động. Nói như ông Ngọc Anh: “Vô đây, không yêu cầu các anh phải làm chuyện lớn - chuyện nhỏ, chỉ cần các anh chấp hành nội quy cho tốt, làm người lương thiện là khó, nhưng không phải không làm được”.

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.