Thúc đẩy giải quyết các tranh cãi về hạt nhân

19/11/2006 23:21 GMT+7

Bên cạnh chủ đề kinh tế, các nguyên thủ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay đã nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran.

Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một trong những chủ đề chính mà Tổng thống Mỹ G.W.Bush đem tới hội nghị APEC lần này. Hôm qua, Tổng thống Bush đã gặp gỡ các nguyên thủ Trung Quốc và Nga. Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã gặp Thủ tướng S.Abe của Nhật Bản và Tổng thống Roh Moo-hyun của Hàn Quốc. Cùng với Mỹ và CHDCND Triều Tiên, đây là những nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tại cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: "Trung Quốc là một quốc gia rất quan trọng và LHQ tin tưởng một cách mãnh liệt rằng sự hợp tác của tất cả chúng ta sẽ giúp tìm ra giải pháp cho các cuộc tranh cãi như vấn đề của CHDCND Triều Tiên và Iran". Về việc trừng phạt CHDCND Triều Tiên, giữa các quốc gia tham dự vòng đàm phán 6 bên cũng như các thành viên thường trực của HĐBA LHQ đã có sự thống nhất cao. Vấn đề còn lại là làm sao để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng thông qua biện pháp ngoại giao. Dù CHDCND Triều Tiên đã đồng ý trở lại bàn đàm phán (có thể diễn ra vào tháng tới) nhưng kết quả của cuộc đàm phán đó như thế nào tùy thuộc vào sự chuẩn bị của các nước tham gia. Đó chính là điều mà Tổng thống Bush hy vọng sẽ tìm được thông qua các cuộc gặp với nguyên thủ các quốc gia tham dự hội nghị APEC. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ S.Hadley nói rõ rằng "CHDCND Triều Tiên không thể trở lại chỉ để đàm phán" mà phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc từ bỏ hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và viện trợ.

Hôm qua, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cũng đã trình bày quan điểm về việc giải quyết các cuộc khủng hoảng hạt nhân: "Cộng đồng thế giới phải tuân thủ việc tiếp cận nghị quyết về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Iran một cách thật thận trọng - mạnh mẽ nhưng cần thận trọng. Nếu chúng ta đẩy tình hình vào góc, nguy cơ phổ biến hạt nhân sẽ tăng lên". Phát biểu của ông Lavrov cho thấy Nga vẫn giữ vững lập trường trước đây, trong đó có việc không ủng hộ chính sách trừng phạt Iran. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Moscow và phương Tây.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Iran M.Ahmadinejad đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với CHDCND Triều Tiên đồng thời thúc giục tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thông tin này được Hãng thông tấn quốc gia Iran tiết lộ hôm qua.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.