Sập cầu Cần Thơ: Tìm kiếm không ngừng nghỉ

29/09/2007 03:25 GMT+7

* Còn 6 người mất tích, đã có 46 người thiệt mạng, 86 người bị thương * Công trình sẽ chậm trễ từ 3 - 4 tháng * Công ty Vĩnh Thịnh, Thăng Long 2 có phải là nhà thầu phụ? *Bạn đọc Báo Thanh Niên đã đóng góp 1.180.974.000 đồng cứu trợ nạn nhân

Sáng 28.9, những đám mây u ám kéo trên bầu trời Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), dòng người vẫn tiếp tục từ các nơi kéo về vây quanh bên ngoài đống bê tông, sắt thép khổng lồ. Người và máy móc vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Nhưng dường như cái đống ngổn ngang ấy vẫn chưa vơi đi được bao nhiêu. Bao trùm lên bầu không khí nơi đây vẫn là niềm hy vọng đâu đó dưới kia còn sinh linh nào sống sót.

Bên ngoài, anh Bùi Văn Bình, chiến sĩ dân quân tự vệ, Huyện đội Bình Minh (Vĩnh Long) liên tục rít thuốc. Tối qua anh đã thức trắng đêm. 2 ngày qua anh cùng đồng đội túc trực suốt tại hiện trường để đưa những người bị nạn tìm được ra khỏi đống đổ nát, những người xấu số mà anh không thể nhớ mặt, nhớ tên...


Nhiều phụ nữ tự tổ chức đưa cơm, tiếp nước cho lực lượng cứu hộ

Sáng 28.9, lực lượng cứu hộ đã tăng cường các xe cẩu tải trọng từ 70 tấn đến 150 tấn để đưa những khung thép ra ngoài. Vừa bốc dỡ, họ vừa phải quan trắc liên tục các trụ cầu, giàn giáo đã ngã... để phòng nguy cơ tiếp tục xảy ra sập đổ. Đến trưa, liên danh TKN đã đưa đến 8 xe chuyên dụng sẵn sàng phá dỡ bê tông khi có lệnh. Cùng thời điểm đó, tại hiện trường lệnh "giới nghiêm" được ban hành.

Các phóng viên bị cách ly hoàn toàn ra ngoài dãy ngăn cách. Phóng viên Thanh Niên là người cuối cùng được "mời" ra ngay sau khi vừa kịp ghi lại hình ảnh các chiến sĩ công binh đang tập kết phế liệu. Các xe khoan, cắt bê tông loại nhỏ của Công ty thi công cơ giới I (MCCI) được đưa vào hoạt động ở khu vực giữa trụ cầu 14-15. Có thông tin cho biết lực lượng cứu hộ đã nhìn thấy chân của một nạn nhân gần vị trí đó nhưng vẫn chưa thể đưa xác ra được. Bên ngoài, thân nhân những người mất tích vẫn quay quắt ngóng chờ, nhiều người đã kiệt sức nhưng vẫn không chịu rời nơi này.

Buổi chiều, trời đổ mưa, công tác cứu hộ càng gặp nhiều khó khăn. Thượng tá Phạm Văn Mến, Phó phòng Cảnh sát cơ động Công an thành phố Cần Thơ cho biết, lực lượng cảnh sát cơ động trực chiến 2 ngày qua ở các vị trí. Sau ngày đầu tiên, tình hình đã tương đối lắng lại nên lực lượng đã rút một phần về bên kia sông Cần Thơ. Phía bên kia sông Cần Thơ, một trung đội vẫn túc trực sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng y tế khi cần thiết. Hết ngày đến đêm, lực lượng cứu hộ làm việc không ngơi nghỉ, nhiều người dân đã tự nguyện nấu cơm, mang nước đến tiếp tế để các anh có thêm sức lực. Tất cả như để làm vơi bớt phần nào đau thương.

Cọc chịu lực giàn giáo không đạt độ sâu cần thiết ?

Lúc 23 giờ 30 đêm qua 28.9, PV Thanh Niên đã đến tận nhà một công nhân tại Vĩnh Long, người trực tiếp tham gia công việc tại hiện trường những ngày trước đó. Trao đổi với PV Báo Thanh Niên vào đêm qua, anh V., công nhân của Công ty Vĩnh Thịnh cho biết, trong số các lỗ cọc chịu lực cho giàn giáo, có một lỗ cọc ở vị trí trụ B14 theo anh là đã không khoan đúng độ sâu cần thiết. Anh V. cho biết theo đúng yêu cầu thì độ sâu cần thiết của cọc phải là 79m trong khi thực tế đơn vị thi công chỉ khoan được 65m thì gặp đá cứng không thể khoan tiếp. Sau đó cọc chịu lực này đã được đổ bê tông. Một ngày trước khi xảy ra thảm họa sập cầu, anh V. nhận thấy giàn giáo ở vị trí này có dấu hiệu bị nghiêng. Đây là thông tin cần được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

T.Trình

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.