Điều tra vụ bạo động ở Bangkok

14/10/2008 21:56 GMT+7

Các thông tin điều tra ban đầu vụ đụng độ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thái Lan hôm 7.10 cho thấy một số loại đạn hơi cay có sức sát thương lớn.

Nghi vấn ban đầu

Sau khi vụ trấn áp người biểu tình thuộc Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) diễn ra khiến 1 người chết và gần 500 người bị thương, nhiều câu hỏi được đặt ra về nguyên nhân (trường hợp người đàn ông chết gần trụ sở đảng Chart Thai hôm 7.10 là vì bom chứ không phải đạn hơi cay nên không tính vào đây). Ít nhất 6 người biểu tình cũng bị cụt tay, chân hoặc ngón tay, ngón chân trong hàng loạt đợt bắn hơi cay của cảnh sát. Sau vụ việc, cảnh sát và PAD đã đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân thương vong. Cảnh sát cho rằng người biểu tình mang bom, bộc phá rồi sau đó kích nổ để đổ lỗi cho cảnh sát. Phía PAD quả quyết họ không mang bom mà nói rằng đạn hơi cay của cảnh sát gây nổ. Mấu chốt vấn đề ở đây là các nạn nhân bị thương vì các vụ nổ. Nhưng nổ do đâu và xuất phát từ bên nào, đó là điều cần tìm hiểu.

 
Cảnh sát chĩa ngang súng bắn đạn hơi cay - Ảnh: Việt Phương
Quay lại với những gì diễn ra hôm 7.10. Nhiều người muốn biết tại sao cảnh sát không dùng vòi rồng để trấn áp biểu tình mà lại dùng hơi cay. Phía cảnh sát cho hay họ có yêu cầu lực lượng cứu hỏa cho điều xe chở nước nhưng bị từ chối. Phía cứu hỏa nói nước không sạch và có thể... ảnh hưởng đến sức khỏe người biểu tình. Cảnh sát buộc phải dùng đến hơi cay. Thế nhưng, cách bắn hơi cay của cảnh sát cũng bị chỉ trích. Đáng ra đạn hơi cay phải được bắn lên cao để đạn nổ trên không rồi rơi xuống tỏa hơi ra. Đằng này nhiều cảnh sát đã chọn cách bắn chĩa thẳng vào người biểu tình. Do vậy, nhiều quả đạn hơi cay đã nổ ngay cạnh người biểu tình. Nhiều nghi vấn đặt ra liệu có phải vì cách bắn của cảnh sát mà người biểu tình bị thương hay không. Phóng viên Báo Thanh Niên đã chứng kiến cảnh sát bắn đạn hơi cay thẳng về phía người biểu tình và một tấm lều bạt đã rách tung khi đạn phát nổ. Tiếng nổ rất lớn.

Lại thêm một câu hỏi nữa được đặt ra ở đây, đó là sức công phá của những quả đạn hơi cay lớn đến đâu mà lại gây thương vong như vậy? Để chứng minh là đạn hơi cay không gây thương vong, phía cảnh sát đã "biểu diễn" một số pha bắn hơi cay được phát rộng rãi trên truyền hình. Theo đó, kết quả cho thấy những quả đạn hơi cay này không thể gây sát thương. Các thông tin ban đầu mà phía cảnh sát công bố cho thấy họ đã sử dụng ít nhất 3 loại đạn và lựu đạn hơi cay bao gồm: lựu đạn tạo khói và hơi cay của Trung Quốc, lựu đạn hơi cay của Mỹ, đạn hơi cay không gây sát thương.

Pháp y vào cuộc

Thu hồi và hủy đạn hơi cay Trung Quốc

Cảnh sát Thái cho hay họ sẽ thu hồi tất cả số đạn hơi cay xuất xứ từ Trung Quốc tương tự loại được dùng trong vụ đụng độ hôm 7.10. Tất cả số đạn này sẽ bị tiêu hủy. Phía cảnh sát cũng thừa nhận loại đạn do một công ty Trung Quốc cung cấp kể trên có vấn đề. Chính phủ Thái thông qua ngân sách mua đạn hơi cay năm 1993. Phía cảnh sát nói một nhà cung cấp của Trung Quốc được chọn vì sản phẩm của họ khi đó rất thông dụng.

Hiện dư luận Thái Lan đang theo dõi sát tiến trình điều tra của chuyên gia pháp y nổi tiếng Pornthip Rojanasunand. Kết quả điều tra của bà Pornthip, cũng là Giám đốc Viện Khoa học pháp y Trung ương, sẽ giúp Ủy ban Nhân quyền Thái Lan trong việc tìm ra sự thật đằng sau vụ trấn áp. Ngày làm việc đầu tiên của bà Pornthip là hôm 10.10. Bà cho hay không tìm thấy dấu vết chất nổ trên quần áo cũng như cơ thể các nạn nhân.

Vào hôm 12.10, ngày thứ 3 của cuộc điều tra, bà Pornthip thông báo đã tìm được một số thứ giống như vật liệu nổ trong số hơn 300 vật thu được từ hiện trường vụ đụng độ. Tuy nhiên, sau đó bà Pornthip cho hay đạn hơi cay cũng có thể gây thương vong. Bà cũng nói cái chết của cô Angkhana Radabpanyawoot, 25 tuổi, là do đạn hơi cay nổ. Theo bà, không cần điều tra thêm về cái chết của cô gái trẻ này nữa bởi nguyên nhân đã rõ. Cô Angkhana thiệt mạng vì một vết thương rất nặng ở ngực.

Hôm 13.10, các đoạn phim quay cảnh cảnh sát bắn thử tất cả 6 loại đạn hơi cay được chiếu trên truyền hình cho thấy một số loại có sức công phá lớn và gây cháy dễ dàng. Mặt đất cũng bị lõm một lỗ khá lớn sau khi đạn nổ. Bà Pornthip, có mặt tại buổi bắn thử, cho hay các loại đạn hơi cay xuất xứ từ Mỹ hiệu quả nhất vì không gây thương vong. Tuy nhiên, có 2 loại của Trung Quốc có chứa thuốc nổ quá nhiều. "Các đạn hơi cay tiêu chuẩn chứa rất ít hoặc không chứa thuốc nổ", bà Pornthip giải thích.

Chuyên gia pháp y Pornthip hôm 13.10 cũng kêu gọi điều tra xem ai đã ra lệnh mua các viên đạn hơi cay có xuất xứ từ Trung Quốc dùng trong vụ trấn áp hôm 7.10. Bà giải thích rằng các viên đạn hơi cay Trung Quốc này sử dụng thuốc nổ RDX để đánh lửa. Vì vậy, đây bị coi là vũ khí chứ không phải công cụ kiểm soát đám đông mà cảnh sát được phép dùng. "Những cảnh sát sử dụng loại đạn hơi cay này có lẽ không biết họ đã sử dụng một loại vũ khí tệ hại", bà Pornthip nói.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.