Khi “cái tôi” của người phụ nữ quá lớn

13/10/2005 12:15 GMT+7

Sự thành đạt của người phụ nữ chỉ trọn vẹn khi họ vừa thành công trong xã hội vừa tạo dựng được hạnh phúc gia đình. Nếu chỉ vì cái tôi quá lớn mà hy sinh hạnh phúc gia đình, liệu sự thành đạt ấy còn có nghĩa gì?

Câu chuyện thứ nhất

Đó là một phụ nữ 42 tuổi, đang giữ cương vị phó giám đốc một công ty lớn. Chị tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý với tâm trạng rối bời: "Tôi không tìm ra được nguyên nhân, nhưng rõ ràng càng ngày tôi càng cảm thấy chán chồng tôi. Tôi không biết có nên ly hôn hay không... Chúng tôi đã từng có nhiều năm chung sống yên ấm, nhưng giờ thì...". Với sự khơi gợi của chuyên viên tâm lý, vấn đề dần dần hé lộ... 

Hơn 20 năm trước, chị chỉ là một cô sinh viên bình thường, còn anh là một tài xế taxi. Một buổi chiều trời mưa, xe chị bị hư, chị đã đón taxi của anh để về. Thế là họ quen nhau. Sáu tháng sau, đám cưới được tổ chức. Họ sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc. Hai đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống dần trôi...

Anh vẫn cứ là một anh tài xế taxi, trong khi chị không ngừng thăng tiến trong nghề nghiệp. Từ một nhân viên, chị lên chức trưởng phòng, rồi được đi nước ngoài tu nghiệp, khi về nước thì được đề bạt chức phó giám đốc. Môi trường làm việc khiến chị có điều kiện tiếp xúc với nhiều người đàn ông trí thức, có địa vị xã hội, lịch lãm, hào hoa, phong độ... So sánh chồng mình với những người đàn ông kia, chị thấy chồng quá thua kém!

Ngày xưa chị trân trọng sự chân chất, mộc mạc, giản dị... của anh và thấy những điều ấy thật đáng yêu. Bây giờ thì trái lại, chị thấy anh sao mà nhà quê, cù lần, thô lỗ, luộm thuộm... Không biết tự bao giờ, chị bắt đầu cảm thấy chán chồng. Chị thấy anh không tương xứng với chị. Chị không muốn gặp gỡ chồng nhiều, không muốn chung đụng với chồng... Hết giờ làm việc ở công ty, chị không muốn trở về nhà. Càng ngày chị càng xa cách chồng, xa rời gia đình.

Câu chuyện thứ hai

Họ là một đôi vợ chồng trí thức. Người chồng 49 tuổi, là chánh văn phòng của một cơ quan lớn. Người vợ 45 tuổi, học vị tiến sĩ, có chức vụ ở một trường đại học. Chị say mê với việc học hành, nghiên cứu, giảng dạy... Mục đích và ý nghĩa cuộc sống của chị chính là công việc, là sự thành công trong nghiên cứu khoa học và là danh vị, là sự thành đạt trong xã hội... Đó mới chính là điều quan trọng mà chị dồn hết tâm sức và thời gian cho nó. Gia đình và chồng con chỉ là thứ yếu.

Chị không có thời gian dành cho gia đình. Hiếm khi có một bữa cơm chung gia đình. Chị quên bổn phận chăm sóc chồng con và quên cả chuyện chăn gối... Chồng chị phải chịu đựng tất cả trong sự mệt mỏi. Thực chất cuộc sống gia đình của chị là như vậy, nhưng chị lại luôn luôn tìm mọi cách thể hiện cho người chung quanh thấy là gia đình chị đang hạnh phúc tràn trề!

Chị thường dùng điện thoại của cơ quan để gọi cho chồng, nói to cho mọi người nghe những lời tình cảm ân cần: "Anh đã thức dậy rồi...?. Em có chuẩn bị thức ăn cho anh đấy. Bộ đồ màu xám của anh em cũng đã ủi sẵn... Tối nay vợ chồng mình sẽ đi nghe ca nhạc anh nhé...". 

Có một lần sau khi chị gọi điện, một đồng nghiệp nghi ngờ đã thử kiểm tra thì phát hiện chị đã gọi cho một số không có thật! Rồi chuyện gì phải đến cũng đã đến. Người chồng đã mệt mỏi vì cuộc sống vợ chồng lạt lẽo. Người vợ đóng kịch mãi cũng thấy mệt và chán. Thế là họ ly hôn...

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã nhận định: Ở cả hai trường hợp trên, cái tôi của người phụ nữ đã quá lớn khi họ thành đạt. Cái tôi quá lớn đó đã khiến người vợ thứ nhất chỉ nhìn lên những người đàn ông khác để thấy chồng mình thấp kém. Cũng cái tôi quá lớn đó đã khiến chị không nghĩ đến chuyện phải tìm kiếm và xây dựng một sự dung hòa, một mối tương hợp cho quan hệ vợ chồng...

Ở người vợ thứ nhì, trước tiên cái tôi quá lớn đã khiến chị chạy theo danh vị mà bỏ quên gia đình, sau đó cái tôi ấy lại khiến chị phải chứng minh với mọi người rằng, chẳng những chị thành đạt trong sự nghiệp mà còn hạnh phúc trong gia đình... Cả hai người vợ đều đã sai lầm. Cần phải khẳng định một điều, cho dù xã hội có phát triển đến đâu thì phụ nữ vẫn phải là phụ nữ. Dù có tài đến đâu thì phụ nữ cũng không thể thay thế đàn ông. Nam nữ bình đẳng hoàn toàn không có nghĩa là cào bằng mọi thứ và người phụ nữ có quyền đánh mất nữ tính, lấn át chồng...

Theo Phụ Nữ Chủ Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.