Chứng khoán thế giới giảm nhẹ

05/10/2010 08:04 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới (vào rạng sáng nay, 5.10, giờ VN), các thị trường chứng khoán châu u và Mỹ tiếp tục giảm nhẹ; chứng khoán châu Á ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. >> Cảnh giác với những bất ổn của nền kinh tế >> Vàng lên 31,64 triệu đồng/lượng >> Báo cáo tình hình cho vay, đầu tư bằng ngoại tệ

Tại Phố Wall (Mỹ), đầu phiên giao dịch, một số thông tin kinh tế khá tích cực được công bố đã giúp thị trường khởi sắc phần nào.

Theo Hiệp hội Các chuyên viên địa ốc liên bang Mỹ (NAR), doanh số bán nhà xây sẵn đã tăng 4,3% trong tháng 8 vừa qua, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia.

Cùng với đó, các đơn đặt hàng đối với hàng hóa dân dụng tại các nhà máy của Mỹ được công bố đã tăng 5,1% trong tháng 8, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3.2010, theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, sau đó, thị trường chứng khoán rơi trở lại “vùng đèn đỏ” sau khi cổ phiếu của đại gia ngành công nghệ Microsoft bị đánh tụt hạng và kéo cả thị trường giảm sâu. Ngân hàng Goldman Sachs hạ cổ phiếu này xuống mức “trung bình”. Cổ phiếu Microsoft giảm 1,9% trong phiên đầu tuần.

Goldman Sachs đồng thời cũng hạ mức cổ phiếu của Macy’s, chuỗi cửa hàng bách hóa lớn thứ hai tại Mỹ, xuống mức “trung bình”. Cổ phiếu của Macy’s giảm 1,7%, có lúc giảm tới 4,9% trong phiên này.

Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đưa cổ phiếu của Alcoa, nhà sản xuất nhôm lớn nhất nước Mỹ, vào danh sách các cổ phiếu “nên bán” đã khiến thị trường càng thêm lao đao.

Cổ phiếu của Alcoa giảm tới 2,5% trong phiên này. Nhóm cổ phiếu của các công ty, doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thô giảm 1,4%, giảm mạnh nhất trong 10 nhóm ngành chính đóng góp vào S&P 500.

Toàn bộ 10 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm trong phiên này. Nhóm cổ phiếu năng lượng xếp hàng thứ ba sau khi cổ phiếu của đại gia ngành dịch vụ dầu khí Schlumberger giảm 2%; cổ phiếu của Constellation Energy Group giảm mạnh 3,6%.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp tài chính cũng giảm khá mạnh. Có thể kể tới như cổ phiếu của American Express giảm tới 6,5%.

Tổng kết phiên đầu tuần 4.10, chỉ số thị trường S&P 500 giảm nhẹ 0,8% xuống còn 1.137,03 điểm. Dow Jones Industrial giảm 78,41 điểm, tương đương giảm 0,7%, chốt phiên ở mức 10.751,27 điểm.

Đây được ghi nhận là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ ngày 7.9.2010. Nasdaq Composite của các công ty công nghệ để mất tới 1,1% tổng số điểm, xuống còn 2.344,52 điểm.

* Tại châu u, những thông tin kinh tế tích cực được công bố từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương vẫn chưa đủ sức mạnh để giúp chứng khoán tăng điểm.

Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tiếp tục giảm thêm 0,5% trong phiên đầu tuần. Đây được ghi nhận là phiên giảm thứ sáu liên tiếp và là quãng thời gian giảm điểm dài nhất kể từ tháng 1.2009. Biên độ giảm điểm tại khu vực này có phần rộng hơn Phố Wall.

Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,66%, xuống còn 5.555,97 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 1,15%, xuống còn 3.649,81 điểm; DAX của Đức giảm 1,24%, chốt phiên ở mức 6.134,21 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,64%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,76%.

Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán đều khởi sắc. Thông tin kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt đã giúp xóa mờ những lo âu trong ngành tài chính châu Á, sau khi các ngân hàng Nhật Bản được cho biết sẽ phải tăng vốn hoạt động.

Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 0,2% trong phiên đầu tuần (kết thúc chiều qua, 4.10, giờ VN).

Tổng kết phiên, HSI của Hồng Kông giành thêm được 260,49 điểm; tương đương tăng 1,17%, lên thành 22.618,66 điểm; chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,01%, lên thành 4.625,3 điểm. Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,25%, xuống còn 9.381,06 điểm.

Ghi nhận trên một số thị trường khác: Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,72%; KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,14%; Straits Times của Singapore tăng 0,85%.

Duy Trần
(Tổng hợp theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.