Làm việc nhóm

25/10/2006 15:19 GMT+7

Phùng Tiến Công, "cha đẻ" của website âm nhạc lớn nhất VN Nhacso.net giờ thì đang... lang thang với vai trò cố vấn nhiều dự án khác nhau. Anh chàng chia sẻ với Thanh Niên câu chuyện về phong cách làm việc nhóm.

1. Đối với bạn, điều gì có thể là động lực tốt nhất để làm việc?

- Đam mê và mục đích.

Tôi nghĩ nếu không có một niềm đam mê lớn thì khó có thể làm việc với hơn 100% sức lực của mình (trừ một số người có hoàn cảnh đặc biệt). Đam mê ấy đi kèm với một mục đích rõ ràng sẽ thúc đẩy ta tiến lên mạnh mẽ.

2. Phùng Tiến Công vẫn được xem là người được anh em trong công ty lẫn ngoài công ty "trọng" vì sống rất tình nghĩa. Bạn đánh giá thế nào về vai trò của cộng sự? Quan điểm về hoạt động nhóm của Công là gì?

- Có lẽ bạn vẫn nhớ bài học vỡ lòng về bó đũa? Mỗi người đều có điểm mạnh, sở trường riêng. Nếu ta có thể ngồi lại với nhau và kết hợp từng thế mạnh riêng đó trong một kế hoạch chung phù hợp, sức cộng hưởng sẽ là rất lớn.

Với tôi, mỗi cộng sự là một ân nhân. Đằng sau mỗi thành tích cá nhân của tôi luôn là cả một tập thể đã đổ nhiều mồ hôi công sức và nhiều sự giúp đỡ lặng thầm.

Tôi thường gắn "hoạt động nhóm" với từ "chia sẻ". Chia sẻ niềm đam mê và mục đích chung, làm chung, học chung và hưởng chung.

Đó là sự kết hợp hài hòa của công việc và tình cảm, cả trong công ty và ngoài cuộc sống. Tôi luôn mong mỗi thành viên trong nhóm trưởng thành lên như người anh luôn mong những đứa em mình.

Bạn còn nhớ câu slogan "Lắng nghe đất nước, kết nối năm châu" của NhacSo.net không? Đó là một ví dụ thực tế về sức mạnh tập thể của 11 cá nhân trong đội FPT music. Mỗi người đã đề xuất một vài chữ, và chúng tôi đã cùng gom lại. Một bó đũa không tệ phải không nào?

3. Cách học nào, theo Công, là nhanh nhất và hiệu quả nhất để có thể phát triển bản thân và nghề nghiệp của mình.

- Chà, khó có thể phân tích rạch ròi học theo phương pháp nào là hiệu quả nhất (vì các phương pháp đều bổ trợ cho nhau và mỗi phương pháp đều có ưu khuyết điểm riêng).

Nhưng nếu phải chọn thì tôi sẽ chọn cách học ở người đi trước. Hãy gắng tìm một người thầy (một "tiền bối" trong lĩnh vực của mình, có kiến thức, có kinh nghiệm lâu năm, đã thành công, đã thất bại) để theo học. Cách học này đã giúp tôi có một định hướng tốt, tiết kiệm được vô số thời gian và tránh được nhiều "ổ gà" trên đường.

Với nền tảng được gây dựng từ trường lớp, ta có thể bổ trợ thêm bằng cách học từ bạn bè, đồng nghiệp, sách báo, internet... Nắm thật vững lý thuyết rồi bắt tay vào làm với sự đam mê, tôi tin rằng bạn sẽ thành cĩng.

Trần Bung (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.