Bóng tối quanh cái chết của ông Rafik Hariri

12/11/2005 21:36 GMT+7

Một màn tối vẫn bao trùm quanh cái chết của cựu Thủ tướng Li-băng Rafik Hariri 9 tháng sau khi ông bị ám sát ngay giữa lòng thủ đô Beirut. Lời cáo buộc luôn chĩa thẳng về phía chính quyền Syria, nhưng câu chuyện có vẻ không đơn giản như thế.

Cú điện thoại gọi đến tổng thống

Trong một diễn tiến được coi là hết sức bất ngờ, hai thành viên của Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc hôm thứ sáu đã tìm tới dinh Tổng thống Li-băng, ngài Emile Lahoud. Trong bản báo cáo điều tra mà Chánh thanh tra Detlev Mehlis trình lên Tổng thư ký Kofi Annan hồi tháng trước, ông Lahoud không nằm trong số những người bị nghi ngờ. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra nói rằng ngay trước khi đoàn xe của cựu Thủ tướng Li-băng Rafik Hariri bị đánh bom vào ngày 14.2, một kẻ tình nghi đã gọi đến cho Tổng thống Lahoud. Chi tiết này có trong bản báo cáo gây xôn xao dư luận của thanh tra Detlev Mehlis hồi tháng trước. Và để làm rõ điều này, người ta đã đến gõ cửa dinh Tổng thống Li-băng tại Baabda vào hôm 11.11. Báo chí không thể tiếp cận được cuộc gặp giữa thanh tra Liên Hiệp Quốc và ông Lahoud. Tuy nhiên, các nguồn tin đáng tin cậy cho biết cuộc tiếp xúc kéo dài hơn 1 giờ và chủ đề xoay quanh những lời tố cáo nặc danh. Thanh tra Liên Hiệp Quốc còn hỏi ông Lahoud về hệ thống liên lạc tại văn phòng tổng thống. Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, văn phòng Tổng thống Lahoud đã ra thông cáo: "Tổng thống đã thông báo (với các nhà điều tra) những chi tiết chính xác liên quan tới thông tin cho rằng có những cuộc điện thoại gọi tới dinh tổng thống trước khi vụ ám sát xảy ra, thêm vào đó là những lời đồn trên báo chí về hành động tội ác". Nội dung cụ thể của cuộc phỏng vấn chưa được tiết lộ, nhưng sự kiện này càng làm cho làn sóng đòi ông Lahoud từ chức mạnh mẽ thêm.

Đầu tháng này, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã quyết định tăng quyền hạn cho Ủy ban điều tra về vụ ám sát ông Hariri, cho phép thanh tra Mehlis tiếp xúc với bất kỳ ai mà ông cần để phục vụ cho cuộc điều tra. Hội đồng bảo an cũng yêu cầu Syria, quốc gia luôn bị nghi ngờ đứng đằng sau âm mưu ám sát ông Hariri, phải hợp tác chặt chẽ với Ủy ban điều tra. Sự kiện thanh tra Mehlis "đánh thẳng" vào dinh Tổng thống Lahoud cho thấy phần nào những quyết định của Hội đồng bảo an đã có hiệu lực. Việc phỏng vấn ông Lahoud, một nhân vật thân Syria, cũng là một tín hiệu nữa cho thấy Syria, quốc gia láng giềng của Li-băng và những người thân Syria luôn là đối tượng nghi vấn hàng đầu trong tiến trình điều tra của Liên Hiệp Quốc. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Mỹ và những quốc gia có trục trặc trong quan hệ với Syria. Có thể thấy, sau mỗi bước điều tra, không khí càng trở nên nặng nề hơn đối với quốc gia này. Trước khi tiếp xúc với ông Lahoud, Ủy ban điều tra cũng đã đề nghị "nói chuyện" với Tổng thống Syria B.Assad nhưng bị khước từ.

Lời buộc tội

Trước khi các nhà điều tra đến dinh Tổng thống Lahoud, họ cũng đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn tại Syria. Trong báo cáo gửi lên Tổng thư ký K.Annan và Hội đồng bảo an ngày 20.10, thanh tra Mehlis đã liệt kê tên "những người tham gia vào âm mưu ám sát ông Hariri". Bản báo cáo này chẳng khác gì một lời buộc tội chĩa thẳng về phía Syria và phe thân Syria tại Li-băng.

Đứng đầu danh sách nghi phạm là ông Maher Sassad, em trai của đương kim Tổng thống Syria B.al-Assad. M.Assad, 37 tuổi, là sĩ quan an ninh đứng đầu lực lượng bảo vệ phủ tổng thống đồng thời là thành viên cao cấp trong đảng Baath cầm quyền tại Syria. Nhân vật thứ 2 bị nghi ngờ là tướng tình báo Asef Shawkat, em rể của Tổng thống al-Assad. Nằm kế tiếp trong danh sách này là cựu Giám đốc Cơ quan an ninh Li-băng, thiếu tướng Jameel Al-Sayyed, một người thuộc phe thân Syria. Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Syria, ông Hassan Khalil cũng bị nêu tên. Một nhân vật đáng chú ý khác có mặt trong bản báo cáo của thanh tra Mehlis là Bahjat Suleyman, bạn thân của Tổng thống al-Assad. Trong bản báo cáo của mình, ông Mehlis nhấn mạnh: "Có nhiều cơ sở cho thấy các quan chức an ninh Syria liên quan đến âm mưu ám sát".

Nhìn bản báo cáo, người ta không khỏi giật mình: tất cả những người bị nêu tên đều có một mối liên hệ mật thiết với Tổng thống al-Assad. Hồi đầu tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Syria G.Kanaan, một trong những người bị Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc thẩm vấn liên quan đến cái chết của ông Hariri, đã tự sát khiến cho bầu không khí quanh văn phòng của Tổng thống al-Assad vốn u ám lại càng trở nên nặng nề thêm. Bản báo cáo của ông Mehlis cũng là công cụ để Hội đồng bảo an đưa ra những cảnh báo nặng ký nhằm vào chính phủ của ông al-Assad.


Thanh tra Detlev Mehlis và tấm ảnh chụp chiếc xe tải có thể đã được sử dụng trong vụ ám sát ông Hariri. ảnh: Reuters

Phản ứng từ Syria

Trước những áp lực nặng nề từ bên ngoài, Tổng thống al-Assad phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc hy sinh những nhân vật thân cận của mình hoặc chống lại lời cáo buộc của Liên Hiệp Quốc. Và trong tình thế đó, ông al-Assad một mặt phản bác những kết quả điều tra trên và khẳng định Syria hoàn toàn trong sạch, mặt khác cũng tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ công dân nào của nước mình dính líu vào vụ ám sát ông Hariri và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với thanh tra Liên Hiệp Quốc. Người đứng đầu đất nước Syria cũng thành lập một ủy ban độc lập để điều tra sự kiện này. Có thể thấy, ông al-Assad đang gắng bảo vệ hệ thống quyền lực của mình nhưng cũng không dại gì đẩy Syria vào thế đối đầu.

Trong lúc Tổng thống al-Assad đang cố gắng hợp tác với Liên Hiệp Quốc thì một số tờ báo tại khu vực Trung Đông cho rằng đã xuất hiện dấu hiệu chia rẽ trong bộ máy quyền lực tại Syria. Theo báo Al-Siyassah của Kuwait thì vào giữa tuần này, một người có tên trong bản báo cáo của thanh tra Mehlis được lệnh triệu tập thẩm vấn tại thủ đô Beirut của Li-băng là tướng tình báo A.Shawkat đã gửi tới Tổng thống al-Assad thông điệp hết sức nặng nề: "Rustom Ghazali, Hassan Khalil, Bahjat Suleyman, Mohammed Khallouf và Gamea Gamea (những quan chức an ninh Syria được lệnh thẩm vấn của Liên Hiệp Quốc) có thể mục xương trong các trại giam Li-băng. Riêng tôi và Maher Assad không đến Beirut để thẩm vấn đâu". Bức thư được miêu tả là "đầy tử khí" này còn có đoạn: "Tôi từng là một nhân vật quyền lực tại Beirut (thời Syria còn đóng quân ở Li-băng). Không bao giờ có chuyện ông Mehlis hoặc một quan tòa Li-băng nào đó thẩm vấn tôi. Maher và tôi sẵn sàng đối mặt với bất cứ ai có ý định đụng đến chúng tôi". Rồi Shawkat kết thúc bức thư bằng một lời tuyên chiến: "Tôi thà đốt cháy cả Damacus rồi tự sát còn hơn nộp mình cho người Li-băng và Liên Hiệp Quốc". Báo Al-Siyassah còn đưa tin rằng ông Bahjat Suleyman, bạn thân của Tổng thống al-Assad như đã nói ở trên, từng nói với người đứng đầu Syria: "Nếu ngài (Tổng thống al-Assad) giao tôi cho chính quyền Li-băng, tôi sẽ hỏi thanh tra Mehlis rằng ai đã vạch kế hoạch ám sát ông Hariri".

Nếu căn cứ vào báo Al-Siyassah thì có vẻ như các quan chức an ninh Syria biết rất rõ nội tình vụ ám sát cựu Thủ tướng Li-băng Rafik Hariri. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở để khẳng định những thông tin trên là chính xác bởi Al-Siyassah là tờ báo của một đất nước "không thân thiện với Syria". Chính vì điều này, nhiều người cho rằng những thông tin trên có thể nhằm mục đích hạ thấp uy tín của chính quyền Damascus mà thôi. Một số quan chức an ninh Syria gần đây cũng đã lên tiếng bác bỏ luồng thông tin này. Cựu Giám đốc Cơ quan an ninh Li-băng Jameel Al-Sayyed thậm chí còn kiện ra tòa việc Al-Siyassah đưa tin sai.

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Li-băng Hariri hồi tháng 2 rõ ràng đã tạo ra một bước ngoặt lớn tại Syria và Li-băng. Nhưng đã 9 tháng trôi qua, nguyên nhân cái chết vẫn chưa được làm sáng tỏ, trong khi tiến trình điều tra lại tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Đỗ Hùng
(Theo AP, Ya Libnan)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.