Hà Nội: "Tái chiếm" chợ vừa giải tỏa

06/11/2007 16:29 GMT+7

(TNO) Đoạn đường Đông Tác (P.Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội) dài chừng 500m, không ngày nào là không tắc vì chợ lấn chiếm lòng đường. Chợ vừa giải tỏa đã bị tái lấn chiếm trên nền gạch ngói ngổn ngang, cống tắc...

Ngày 25.9, theo đúng kế hoạch, UBND phường Kim Liên đã giải tỏa xong chợ tạm và bàn giao cho Ban quản lý dự án (BQL) quận Đống Đa để tiến hành các thủ tục đấu thầu, xây dựng đường giao thông. Hơn 1 tháng trôi qua, nền chợ vẫn ngổn ngang gạch ngói, bê tông vỡ...; và không ai biết đến khi nào các đơn vị thi công đường mới vào triển khai. Trong khi đó, lòng đường tiếp tục bị lấn chiếm làm nơi buôn bán với mức độ ô nhiễm nặng nề hơn trước nhiều lần.

Bác Dần - một người dân sống tại khu tập thể Dược Hà Nội ngay bên trong khu buôn bán bức xúc: "Cả khu tập thể có một cái ngõ để đi lại, thế mà buổi sáng hàng bưởi, hàng rau quả chắn hết lối đi, nói thì họ kêu đã nộp tiền để được ngồi chỗ đó. Chẳng hiểu phường giải tỏa kiểu gì mà kỳ vậy".

Một người bán bún cho biết: "Phường giải tỏa nhưng không sắp xếp chỗ mới cho chúng tôi nên chúng tôi vẫn ngồi đây. Cứ ba ngày có một người xưng là BQL chợ Kim Liên đi thu tiền lệ phí là 10.000 đồng".

Trước đây, khi còn chợ tạm, cả khu có một cống thoát nước thải; bây giờ, cống đó đã bị lấp. Anh Nguyễn Văn Hải - nhà ngay sát chợ lắc đầu: "Hôm giải tỏa chợ, các bà đồng nát ào ào tới, nửa đêm mà họ còn soi đèn để đập nắp cống lấy sắt bên trong. Mấy ngày hôm sau thì toàn bộ cống thoát nước đã bị lấp bởi đất đá, xỉ than và rác!".

Ngay trên chỗ cống lấp, các hộ buôn bán tận dụng làm chỗ ngồi bán đủ thứ từ rau cỏ, đồ hải sản, hàng khô... Nước thải cuối ngày được những người buôn bán đổ thẳng ra đường Đông Tác, vì cống đã bị lấp mất rồi. Thế mới có cảnh, trời khô ráo nhưng đường thì lúc nào cũng dập dềnh nước và mùi hôi tanh; còn trời mưa thì... khỏi nói.

Ngoài việc "tái chiếm" chợ vừa giải tỏa, một số người bán gà "chui" cũng khiến cho người dân ở khu vực này khá bức xúc. Gà được những người bán nhốt vào một chiếc túi lưới cho vào trong chiếc làn để dễ... chạy. Khi khách có nhu cầu, mua bán xong, sân khu tập thể Dược (ngay bên trong chợ) sẽ biến thành lò mổ gà bất đắc dĩ. "Chẳng biết làm cách nào. Cứ tưởng dẹp chợ thì mình được yên ổn, không phải hít lông gà. Trước kia, đường vào trong ngõ có cửa khóa, nhưng không hiểu ai đã nhét đinh vào trong ổ khóa nên giờ không khóa lại được", chị Nhung - một người sống trong ngõ than.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Được biết, chủ trương của phường Kim Liên là sau khi giải phóng mặt bằng sẽ bàn giao ngay và không để tình trạng tái lấn chiếm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Cường - Chủ tịch UBND phường Kim Liên, sau khi nhận bàn giao mặt bằng, BQL các dự án quận Đống Đa lại không thể triển khai đủ lực lượng để giữ mặt bằng. Ông Cường cho biết thêm: "Chúng tôi đang bàn và có thể đầu tháng 11 sẽ lại tiếp quản, nhận nhiệm vụ quản lý chợ tạm, cho một số hộ kinh doanh tạm thời tại nền chợ cũ. Khi nào có đơn vị thi công, chúng tôi sẽ dẹp các quầy hàng ngay lập tức".

Về chủ trương thu tiền người ngồi chợ, ông Cường giải thích, UBND phường đã chỉ đạo không thu tiền từ tháng 9; còn việc có một số người thu tiền, công an đã vào cuộc và đang điều tra làm rõ.

Tại rất nhiều chợ, trung tâm thương mại..., vấn đề giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn nhưng ở phường Kim Liên, khâu giải phóng mặt bằng đã được thực hiện khá tốt. Song cũng tại đây, khi người dân đã chấp hành di dời thì đơn vị tiếp quản lại không tổ chức đấu thầu, thi công ngay sau khi nhận bàn giao nên mới để xảy ra tình trạng "tái chiếm" chợ vừa giải tỏa, phát sinh những ô nhiễm nghiêm trọng.

Người dân sống tại khu vực nói trên tưởng đã thoát "kiếp sống ô nhiễm" nay lại phải quay về với tình trạng cũ, thậm chí có phần còn tệ hơn. Câu hỏi "Bao giờ người dân ở đây được sống trong một môi trường bớt ô nhiễm?" vẫn chưa ai có thể trả lời.

Káp Long - Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.