Trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục: SOS!

12/10/2010 10:20 GMT+7

Cuộc hội thảo Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em được Bộ LĐTBXH tổ chức với sự tham gia của nhiều tổ chức cho thấy, nạn trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục ngày một gia tăng. Nạn nhân quá nhỏ tuổi không có khả năng bảo vệ bản thân mình.

Vậy ai sẽ là người bảo vệ các em, nếu chỉ dừng ở mức bảo vệ trên văn bản, giấy tờ thì "hàng rào" bảo vệ các em quả là quá mong manh.

Nhức nhối

Hầu hết các em bị bạo lực và xâm hại tình dục (XHTD) chỉ được xã hội biết đến qua thông tin trên báo chí. Ngay cả các cán bộ điều tra khi thụ lý các vụ án bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em cũng không thể lý giải nổi vì sao mà những ông bố, bà mẹ, những người ruột thịt lại đang tâm đánh đập, gây thương tích nặng cho chính đứa con mình sinh ra? Nguyên nhân chủ yếu được viện dẫn rằng do rượu, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do ức chế trong cuộc sống gia đình...

Dư luận không khỏi bàng hoàng và căm phẫn khi người cha đã mất hết thú tính khi chọn con gái mình để thực hiện hành vi mất hết tính người. Cậu, chú XHTD với cháu. Những em bé mới chỉ 5 - 6 tuổi đã trở thành nạn nhân bị XHTD. Đối tượng xâm hại cũng chỉ gấp đôi, ba tuổi các nạn nhân, thậm chí lại là những người quen biết trong lối xóm. Cha mẹ của cả bị cáo lẫn nạn nhân khi có mặt tại toà đều thấy “khó ăn, khó nói “với nhau bởi họ vốn từng “mua láng giềng gần” khi tối lửa, tắt đèn có nhau. Một bản án được tuyên, một kẻ thì tương lai gắn liền với những ngày tháng giam giữ, cải tạo. Nạn nhân thì bị tổn thương tâm lý và “nỗi đau” đó đã đeo đuổi gần hết tương lai của cuộc đời người con gái.

Chị Nguyễn Thị M ( Tân Kỳ, Nghệ An) đau đớn nói rằng: Tôi bị người hàng xóm hãm hại năm 12 tuổi, đến nay đã 29 tuổi, tôi vẫn không thể quên và thoát khỏi cảnh “hãi hùng” vẫn in đậm trong tâm thức. Tôi sợ đàn ông. Và tôi đã phải trải qua thời gian dài điều trị mới tạm cân bằng được cuộc sống. Vì vậy, mỗi khi báo chí thông tin về vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, tôi lại hình dung ra nỗi hoảng loạn, đau đớn đến tận cùng mà mình đã phải hứng chịu từ 17 năm về trước. Trái tim tôi lại đau, tôi lại ngồi hàng tiếng đồng hồ để cầu nguyện cho các em bé gái đừng phải lâm vào cảnh như tôi hiện nay.

Vẫn chỉ là cảnh báo

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, gần 1.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm và gia tăng theo mỗi năm. Năm 2005 có 200 em gái bị XHTD thì đến năm 2009 đã có tới trên 800 em. Theo Bộ LĐTBXH thì con số trên chỉ là con số được gia đình trình báo với các cơ quan chức năng, còn nhiều trường hợp gia đình lo ngại cho tương lai của con, gia đình kẻ hãm hại đến cầu xin, bồi thường nên không đến tố cáo. Đau lòng nhất là tỉ lệ bé gái dưới 6 tuổi bị XHTD ngày một nhiều (13,5%), các em gái ở vùng núi, vùng sâu thường bị xâm hại nhiều nhất.

Chị Hoàng Thị Ng (TPHCM) vừa khóc vừa nói với BS điều trị của BV Phụ sản: Vợ chồng tôi tối ngày đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn nuôi các con, ông bà thì ở xa không biết gửi gắm ai trông hộ, chị lớn trông em bé, chúng tôi cũng không còn cách nào hơn, đến khi xảy ra chuyện với con gái thì cũng chỉ biết cắn răng mà chịu. Ông hàng xóm có con trai hãm hiếp con gái tôi họ cũng tốt, hiền lành hay giúp người khác, cháu nó cũng chỉ vì hay xem phim ảnh nên làm liều mà thôi, tố cáo nó thì cũng chẳng ích gì.

Rõ ràng các em bé gái bị XHTD chưa thực sự được bảo vệ. Gia đình có, chính quyền, đoàn thể, nhà trường đều có, nhưng chưa tạo được thành hàng rào để bảo vệ các em trước nạn XHTD đang ngày càng lan rộng trong xã hội, nhất là đối với các em bé gái ở vùng nông thôn, miền núi. Bài toán “bảo vệ các em gái” trước nạn XHTD chưa có lời giải, dù có quá nhiều cuộc hội thảo, nhiều văn bản pháp quy, nhưng  thực thi trong cuộc sống thì còn quá nhiều khoảng cách mà chưa thu hẹp được.

Theo Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.