Thu hút nguồn lực để phát triển đất nước

22/12/2023 06:53 GMT+7

Sáng 21.12, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Nòng cốt thu hút nguồn lực bên ngoài

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác ngoại giao kinh tế từ Đại hội XIII tới nay có nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, ngành ngoại giao tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về ngoại giao kinh tế; nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng lãnh đạo, cán bộ ngoại giao và các đại sứẢnh: THẢO PHẠM

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng lãnh đạo, cán bộ ngoại giao và các đại sứ

THẢO PHẠM

Một kết quả khác cũng được Thủ tướng nhắc tới là việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Theo Thủ tướng, nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, sức mạnh đại đoàn kết; còn nguồn lực bên ngoài là thu hút về nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị hiện đại, nhân lực... Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ ngoại giao, đối ngoại giữ vai trò nòng cốt trong thu hút nguồn lực bên ngoài.

Chia sẻ việc tiếp Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang, tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD, Thủ tướng cho biết đã đề nghị NVIDIA hợp tác, đồng hành, hỗ trợ VN xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả 3 công đoạn là nghiên cứu, thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử.

Ngoại giao kinh tế cần như ngoại giao vắc xin, phải thay đổi được trạng thái, thay đổi theo tình hình, ta phải có đột phá; đột phá về ngoại giao kinh tế có nhưng chưa cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cũng theo Thủ tướng, công tác đối ngoại, ngoại giao đã góp phần giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như: đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Cùng đó, góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước. Thủ tướng khẳng định, các chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… đã tạo nên độ tin cậy chính trị, tình cảm sâu sắc hơn, kinh tế hiệu quả hơn, giao lưu nhân dân được mở rộng, hợp tác nhiều lĩnh vực toàn diện hơn.

Thủ tướng cũng khẳng định, ngành ngoại giao thời gian qua cũng đã thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc; kết hợp giữa văn hóa với phát triển nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh về vai trò của ngoại giao văn hóa giúp thúc đẩy các trụ cột ngoại giao khác, trong đó có ngoại giao kinh tế. Ngoài ra, theo Thủ tướng, một kết quả đáng lưu ý là việc thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp (DN) với DN, giữa người dân với người dân, giữa các địa phương, "lấy DN, người dân làm trung tâm phục vụ". Thủ tướng khẳng định, VN hiện đã mở visa điện tử cho tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Nâng cao tính chủ động trong ngoại giao kinh tế

Thủ tướng chia sẻ, khi mới Đổi mới, quy mô nền kinh tế nước ta chỉ 4 tỉ USD, nhưng đến nay nước ta đã đứng thứ 40 với quy mô nền kinh tế trên 400 tỉ USD, hạ tầng xã hội phát triển. VN là hình mẫu của hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên từ khó khăn. "Dự các sự kiện đa phương, lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ ấn tượng về VN có đường lối ngoại giao khéo léo, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn vẫn kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng", Thủ tướng chia sẻ.

Lô hàng tổ yến đầu tiên của VN xuất khẩu sang Trung Quốc ảnh: Phan Hậu

Lô hàng tổ yến đầu tiên của VN xuất khẩu sang Trung Quốc

PHAN HẬU

Đánh giá cao những đóng góp của ngành ngoại giao vào thành tích chung của đất nước trong 3 năm qua, tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý không được thỏa mãn với những gì đã đạt được. Theo Thủ tướng, vẫn còn những hạn chế trong ngoại giao kinh tế như công tác thu thập tình hình có nơi còn chưa kịp thời, phản ứng chính sách còn bị động. Thực hiện ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm. "Ngoại giao kinh tế cần như ngoại giao vắc xin, phải thay đổi được trạng thái, thay đổi theo tình hình, ta phải có đột phá; đột phá về ngoại giao kinh tế có nhưng chưa cao", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng xây dựng thể chế và cơ chế chính sách hợp tác giữa nước ta với các nước cần chặt chẽ và phù hợp với tình hình. Đồng thời, việc ký kết các thỏa thuận về kinh tế nhiều nhưng thực hiện rất khiêm tốn, cần có kế hoạch thực hiện. Nhiều bên cho rằng thủ tục của nước ta rườm rà mà vẫn chưa xoay chuyển được và thủ tục vẫn còn hạn chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần khi triển khai ngoại giao kinh tế phải "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, hài hòa về lợi ích, rủi ro thì chia sẻ". Tham mưu chính sách phải nhanh, kịp thời, chính xác hơn bởi tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh. "Các biện pháp ngoại giao phải thực tế, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu công tác ngoại giao kinh tế bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, DN, lấy thực tiễn làm thước đo, đề cao tính hiệu quả. "Phải làm cái gì người ta cần chứ không phải làm cái gì ta có", Thủ tướng lưu ý. Cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết về luật pháp, "có tâm, có tầm".

Đánh giá trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nguy nhiều hơn cơ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng đã đề ra 6 nhiệm vụ chính cho ngành ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Cụ thể là tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21 của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế trên cơ sở đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược, phương pháp luận và cách tiếp cận để thúc đẩy vai trò trung tâm của kinh tế. Cạnh đó, triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế chung của thế giới kết hợp với tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.

Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy hợp tác, cụ thể hóa các cam kết về kinh tế và rà soát quá trình triển khai các cam kết đã ký. Song song đó, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung khai thác tiềm năng của các thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và thị trường Halal. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo. "Thứ sáu, tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần lấy DN, địa phương làm trung tâm phục vụ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến phát triển KT-XH của VN. Tuy nhiên, vị thế và uy tín quốc tế của VN tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi VN là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh.

Theo ông Sơn, công tác đối ngoại và đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ khắp các trụ cột đối ngoại, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương. Quán triệt sâu sắc chủ trương "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và DN làm trung tâm phục vụ", theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Nhờ đó, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: vừa phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, VN đang đứng trước vận hội, thời cơ chiến lược để phát triển nhanh, bền vững đất nước. Các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội lớn để nước ta có thể đón đầu, phát triển vượt lên và tiến cùng thời đại.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế là làm sao phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, tranh thủ tốt các điều kiện quốc tế thuận lợi và các xu thế phát triển của thế giới, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc kết hợp hiệu quả với các nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.