Thu lãi tiền tỉ hàng năm từ nuôi hàu nước lợ

Cù Hiền
Cù Hiền
16/11/2022 08:32 GMT+7

Tận dụng sinh vật phù du nơi cửa biển, nhiều năm nay, ông Tạ Văn Thiết (xã Nam Thanh, H.Tiền Hải, Thái Bình ) đã làm giàu từ nghề nuôi hàu nước lợ, kiếm lãi bạc tỉ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nuôi hàu mang lại lợi ích kép

Là người con sinh ra tại xã Nam Hưng (H.Tiền Hải, Thái Bình) nhưng từ nhiều năm trước, ông Tạ Văn Thiết (48 tuổi) đã làm công việc nuôi ngao, buôn bán thủy hải sản tại Quảng Ninh.

Nhân công của ông Tạ Văn Thiết đang thả hàu giống

Cù Hiền

Năm 2018, trong lúc làm việc, cơ duyên ông gặp một đối tác người Trung Quốc. Qua trao đổi, ông đã đồng ý để họ chuyển giao mô hình nuôi hàu về Thái Bình. Ngay sau đó, ông trở về quê hương, tận dụng khu vực cửa Ba Lạt (xã Nam Phú, H.Tiền Hải, Thái Bình), nơi sông Hồng đổ ra biển, khu vực nước lợ, để thử nghiệm nuôi hàu.

Đã làm là làm lớn, ông Thiết đầu tư luôn 8 tỉ đồng, dựng 200 bè nuôi hàu. Năm đầu tiên, ông thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Năm sau ông tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm khu nuôi hàu giống, đến nay lên đến 500 bè với số lượng hàu giống trên 25 vạn con.

Khi nghĩ đến công việc nuôi hàu tại quê hương, ông Thiết nói ông nghĩ ngay đến vùng cửa Ba Lạt, bởi nơi đây là vùng nước lợ - là điều kiện tự nhiên tốt để hàu có thể sống và phát triển tốt. Mực nước thủy triều lên xuống ở đây rất thích hợp cho hàu phát triển, tăng trưởng nhanh. Hàu là nhóm nhuyễn thể rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, thức ăn dựa vào nguồn sinh vật tảo có sẵn trong nước nên không phải tốn chi phí thức ăn như nuôi tôm, cá.

Đồng hành cùng ông Thiết từ những ngày đầu tiên nuôi hàu, ông Nguyễn Văn Quyến chia sẻ: “Năm nào cũng mất 1, 2 tháng người dân phun thuốc trừ sâu, nước đổ ra biển sẽ khiến hàu chết hoặc giai đoạn đó hàu sẽ chậm lớn. Tuy nhiên, việc này chúng tôi cũng không thể can thiệp được bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Cũng rất may tỷ lệ hàu chết không quá nhiều”.

Theo ông Quyến, tính bình quân mỗi vụ đầu tư khoảng 8 tỉ đồng, sau 1 năm, khi thu hoạch, trừ hết chi phí thu về được 3 - 4 tỉ đồng tiền lãi. Cũng vì công việc làm ăn thuận lợi nên đến nay, trên địa bàn đã có 4 gia đình học theo công việc nuôi hàu.

Giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Ông Thiết nuôi hàu theo phương pháp treo giàn nổi trên mặt nước, sau đó dùng cước chuyên dụng để cột cố định hàu giống, mỗi dây thường nuôi 10 con, các dây treo cách nhau 30 cm. Cách nuôi này vừa dễ chăm sóc, vừa theo dõi được mức độ phát triển hàng ngày của con hàu và khi khai thác cũng thuận lợi.

Nuôi hàu có 2 thời điểm lấy giống là giai đoạn tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9 âm lịch hàng năm. Ở giai đoạn này, ấu trùng hàu sống phù du, người nuôi chỉ cần làm giá thể để con giống bám vào. Lúc này, hàu non chỉ nhỏ như hạt đỗ, sau 10 tháng là thu hoạch. Nuôi hàu nước lợ lớn nhanh, tỷ lệ thịt nhiều, giàu dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.

Mô hình nuôi hàu của ông Thiết cũng đã tạo việc làm cho 25 lao động địa phương với thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú (H.Tiền Hải), cho biết: “Ông Thiết người đầu tiên đặt nền móng cho mô hình nuôi hàu tại xã này. Việc tận dụng được điều kiện nguồn lợi đánh bắt hải sản ngày càng khan hiếm, cũng như việc phát triển nuôi hàu góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Nuôi hàu là hướng đi mới, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế”.

Hàu là đối tượng ăn lọc, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên nên nuôi hàu góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi. Hiện nay, xã Nam Phú đang khuyến khích các hộ dân đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy hải sản để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo ông Khương, để phát triển mô hình nuôi hàu được bền vững và ngày càng nhân rộng, cần rất nhiều yếu tố: phải bảo đảm từ khâu con giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; quy hoạch vùng nuôi theo đúng quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.