Thủ tướng chủ trì hội nghị điều phối vùng sông Hồng

Mai Hà
Mai Hà
20/07/2023 10:38 GMT+7

Sáng 20.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì hội nghị lần thứ nhất.

Tại hội nghị, Bộ KH-ĐT đã công bố Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng là thành viên.

Thủ tướng chủ trì hội nghị điều phối vùng sông Hồng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng

NHẬT BẮC

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn. Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững và còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại, vấn đề ách tắc giao thông; tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội chưa được khắc phục. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, kết nối giao thông...

Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ cần "xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng".

Vùng đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn.

Thủ tướng chủ trì hội nghị điều phối vùng sông Hồng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

NHẬT BẮC

Bộ KH-ĐT dự kiến phát triển vùng đồng bằng sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn: tổ chức không gian phát triển vùng gắn với 4 hành lang kinh tế - 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng - 2 tiểu vùng kinh tế. 

Phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh của vùng. Các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, phát triển kết cấu hạ tầng vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng như các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng, tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 - Vùng thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…

Tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn vùng gắn với xây dựng hệ thống kho bãi, logistics hiện đại. Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại. 

TP.Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế gắn với phát triển khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Phát triển hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình gắn với các tuyến cao tốc, đường ven biển để hình thành các khu công nghiêp - đô thị hiện đại. 

Tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm tại các dòng sông, tình trạng ngập úng ở TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng và các đô thị lớn. Thảo luận, định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng; thu hút đầu tư, xã hội hóa nguồn lực để cải thiện phục hồi chất lượng môi trường tại lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. 

Quy hoạch và có cơ chế, chính sách để di chuyển, xây dựng mới các bệnh viện, trường đại học tại các địa phương lân cận để giảm tải áp lực đối với hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

TP.Hà Nội sẽ tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc nên cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của khu công nghệ cao gắn với các viện nghiên cứu, trường đại học của thành phố để trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng. Ngoài ra, nghiên cứu, xây dựng khu công nghệ cao tại Hà Nam theo lộ trình phù hợp, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.