Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm

03/03/2024 15:42 GMT+7

Nhiều lần nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp nhà nước tại cuộc gặp mặt đầu xuân sáng 3.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp tại hội nghị

VGP

Để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì sứ mệnh của DNNN là phải phát huy vai trò tiên phong, đầu tàu; là lực lượng quan trọng, nòng cốt, vị trí then chốt.

Năm 2023, dù có nhiều khó khăn, nhưng tổng doanh thu của các DNNN đạt khoảng 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế khoảng 125.800 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166.000 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Các DNNN tiếp tục nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động. DNNN cũng đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 700.000 lao động.

Ghi nhận các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng người đứng đầu Chính phủ nhận xét, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng.

Việc đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả.

Cạhh đó, còn tình trạng doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý. DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý còn sợ sai, sợ trách nhiệm, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp.

Theo Thủ tướng, các DNNN phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới, thành quả mới. Rà soát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp, các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế.

Đồng thời, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính.

Thủ tướng cũng lưu ý phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư xã hội, huy động nguồn lực của xã hội. Lấy ví dụ về việc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, Thủ tướng nói, phải huy động sức mạnh của các địa phương, của các doanh nghiệp, tạo cạnh tranh, chống độc quyền trong xây dựng đường dây tải điện này.

"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi. Theo đó, phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phía các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm".

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, xây dựng đề án về quản lý nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước. Các địa phương cũng phải tích cực vào cuộc, phát huy, nhân lên các mô hình tốt như Becamex Bình Dương...

Trước đó, chia sẻ tại hội nghị, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Becamex Bình Dương, cho biết với mục tiêu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, Becamex sẽ phấn đấu sau năm 2025 là doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán từ 5 tỉ USD trở lên.

Nên đánh giá kết quả thay vì vụ việc

Từ góc độ địa phương, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm, điều chỉnh sớm các chính sách, quy chế. Các đánh giá nên dựa trên các kết quả cuối cùng, thay vì đánh giá trên từng vụ việc, quá trình, như vậy sẽ khiến cho các doanh nghiệp mạnh dạn hơn, năng động hơn, có thể đầu tư hiệu quả, kinh doanh tốt hơn.

Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm- Ảnh 2.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

VGP

Bên cạnh đó, cần có quy chế rõ ràng đối với doanh nghiệp liên doanh, các dự án đầu tư nước ngoài. Vừa qua, TP.HCM gặp một số khó khăn. Ví dụ trường hợp doanh nghiệp liên doanh, sau khi hết thời hạn kinh doanh thì phải chuyển giao lại toàn bộ tài sản cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, do vướng mắc quy chế hiện tại, nên việc bàn giao tài sản lại cho Việt Nam bị chậm.

"Nếu giải quyết được những vướng mắc, chúng ta có thể tiếp quản ngay, khai thác hiệu quả tối đa hoạt động và các tài sản được giao. Ví dụ như khách sạn Lộc Phúc của TP.HCM là một trong những liên doanh đầu tiên của Việt Nam, hoạt động kinh doanh rất có lãi, đóng góp rất nhiều cho kinh tế thành phố. Nhưng hết thời hạn kinh doanh, hơn 3 năm nay vẫn đang để trống, không tiếp tục triển khai được, gây lãng phí. Trước đây, Lộc Phúc là một trong những khách sạn luôn luôn có tỷ lệ phủ khách cao", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu.

Lãnh đạo TPHCM cũng đề đạt mong muốn cho thành phố được quyền chủ động để có thể chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố, để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.