Thực hư việc một huyện cần 400 triệu đồng để xử lý cây di sản đã chết

06/05/2024 14:30 GMT+7

UBND H.Khánh Sơn (Khánh Hòa) xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng để tiến hành xử lý và thay thế cây di sản dầu rái bị chết khô, gây ra nhiều tranh luận.

Ngày 6.5, ông Nguyễn Ngọc Danh, Chánh văn phòng UBND H.Khánh Sơn, cho biết huyện vừa có văn bản gửi Sở TT-TT liên quan đến cây di sản (cây dầu rái) trên địa bàn bị chết.

Theo văn bản trên, ngày 26.4, Phòng TN-MT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 1780/UBND-TNMT về việc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh về cây di sản ở Khánh Sơn. Trong đó có nội dung: “Hiện tại cây bị chết (dầu rái) là cây di sản cấp quốc gia nên cần phải xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng để tiến hành các bước như: chặt hạ cây, làm nhà bảo tồn thân cây, lát lại gạch nền sau khi chặt hạ làm vỡ nền, tìm mua cây con mới thay thế cây đã chết… Vì vậy, hiện tại địa phương đang cân đối nguồn vốn và bố trí kinh phí để thực hiện việc chặt hạ cây di sản trong năm 2024”.

Thực hư việc một huyện cần 400 triệu đồng để xử lý cây di sản đã chết- Ảnh 1.

2 cây di sản dầu rái ở H.Khánh Sơn

H.L

Theo UBND H.Khánh Sơn, qua kiểm tra liên quan đến kinh phí bảo tồn cây di sản đã chết, ngày 26.4, UBND xã Thành Sơn có tờ trình gửi UBND huyện và Phòng Tài chính – Kế hoạch. Tuy nhiên, tờ trình không gửi đến UBND huyện. 

Theo đó, UBND xã Thành Sơn có đề xuất thực hiện các nội dung: chặt hạ cây di sản đã chết; làm nhà bảo tồn thân cây, nhà tiền chế bằng khung thép, mái lợp tôn, kích thước dài 25 m, cao 3,5 m, rộng 5 m; lát lại nền sân bằng gạch sau khi chặt hạ làm vỡ nền sân; thay mới 4 bộ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí: 400 triệu đồng.

UBND H.Khánh Sơn cho biết, đến thời điểm hiện nay, Phòng Tài chính – Kế hoạch chưa tham mưu UBND huyện về kinh phí nêu trên và UBND huyện cũng chưa có chủ trương đầu tư kinh phí 400 triệu đồng để thực hiện các nội dung theo đề nghị của UBND xã Thành Sơn.

Do đó, việc Phòng TN-MT huyện Khánh Sơn căn cứ vào ý kiến của UBND xã Thành Sơn tại Tờ trình ngày 26.4 để tham mưu UBND huyện Công văn số 1780/UBND-TNMT, trong đó có nội dung “xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng” và “hiện tại địa phương đang cân đối nguồn vốn và bố trí kinh phí để thực hiện chặt hạ cây di sản trong năm 2024” là chưa có cơ sở.

Trước đó, trong văn bản gửi Sở TT-TT Khánh Hòa do ông Nguyễn Quốc Đông, Phó chủ tịch UBND H.Khánh Sơn ký ngày 26.4 về việc một cây di sản (dầu rái) ở huyện này bị chết, có nội dung: do là cây di sản cấp quốc gia nên huyện cần phải xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng để tiến hành các bước như đã nêu ở trên. 

Tuy nhiên, việc một huyện miền núi nghèo với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số như Khánh Sơn xin chủ trương đầu tư khoảng 400 triệu đồng xử lý cây di sản đã chết khô đã gây ra nhiều tranh luận. Đa số các ý kiến cho rằng, kinh phí để xử lý và trồng lại cây dầu rái lên tới 400 triệu đồng là quá cao và không cần thiết, số tiền đó nên để chăm lo cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn thì tốt và ý nghĩa hơn.

Hai cây di sản dầu rái trên nằm bên bờ sông Tô Hạp, thuộc địa phận thôn A Pa 2, xã Thành Sơn, cách trung tâm huyện 18 km. Hai cây này có thân vươn cao khoảng 40 m, tán tỏa rộng 30 m, đường kính thân cây là 1,5 m, tuổi đời khoảng 350 năm, nguyên là cây trong rừng nguyên sinh.

Năm 2019, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 2 cây dầu rái cổ thụ bên dòng sông Tô Hạp là cây di sản Việt Nam.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.