‘Thuở ban đầu’ của cánh chim đầu đàn ngành viễn thông di động Việt Nam

14/04/2023 18:58 GMT+7

Câu chuyện vượt qua những thách thức thuở ban đầu của MobiFone đã trở thành hành trang kinh nghiệm quý báu khi ngành di động Việt Nam đang chuyển mình sang trang mới.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập MobiFone - nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH Đỗ Trung Tá - người đứng đầu ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam khi đó (Về sau ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin & Truyền thông). Ông đã chia sẻ đôi nét về thuở ban đầu của MobiFone, để từ đó hình thành nên một thị trường viễn thông di động sôi động với 85,8 triệu thuê bao băng rộng như ở thời điểm hiện tại.

photo-1681473352902

GS. TSKH Đỗ Trung Tá - Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

Thưa Giáo sư Đỗ Trung Tá, được biết ông là một trong những người tham dự vào những quyết định quan trọng trong việc thành lập MobiFone, xin ông cho biết MobiFone đã được "khai sinh" trong hoàn cảnh như thế nào?

Những năm 1988-1990 của thế kỷ trước, ngành viễn thông nước ta còn rất nghèo nàn và lạc hậu, công nghệ tương tự analog, tỷ lệ sử dụng điện thoại vô cùng thấp - 0.86% tức 8,6 máy/ 1.000 dân. Thời đó cố gắng mỗi xã có 1 máy điện thoại đặt ở UBND xã, rất hạn chế sử dụng. Sau chiến lược tăng tốc giai đoạn 1 mới đạt 1 máy/ 100 dân (năm 1995). Nói vậy để thấy, những năm 90 chúng ta vẫn còn "tay trắng" về dịch vụ điện thoại di động.

Vào ngày 31.3.1994, Tổng cục trưởng Bưu điện có tờ trình Thủ tướng xin thành lập Công ty MobiFone gọi tắt là VMS (Vietnam Mobile Services). Ngày 7.4, anh Đặng Văn Thân Tổng cục trưởng đi công tác, ủy quyền cho tôi báo cáo với Thủ tướng. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng đã đồng ý cho thành lập MobiFone.

Ngày 16.04.1993, VMS-MobiFone được thành lập - là công ty thông tin di động số tiên phong của Việt Nam.

Ông có thể cho biết vì sao Tổng cục Bưu điện mạnh dạn quyết định chọn công nghệ GSM vào thời điểm đó?

Có thể nói đầu những năm 90, cả thế giới bắt đầu rục rịch vào công nghệ số. Các nước châu Âu lựa chọn công nghệ GSM trong khi một vài nước châu Mỹ lại dùng công nghệ CDMA.

Phải nói rằng công nghệ CDMA cũng là một công nghệ rất tiên tiến, đảm bảo chất lượng rất cao và giảm được số lượng các đài BTS.

Chúng tôi cũng cân nhắc nhiều vấn đề vì công nghệ số GSM có những ưu thế đặc biệt như: công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, chất lượng cao và an toàn và cho phép truyền dẫn cả các văn bản, hình ảnh. Đặc biệt, lúc đó công nghệ GSM đã chuyển vùng quốc tế (roaming) trên 80% thế giới.

Thêm vào đó, máy đầu cuối hệ GSM phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách hàng hơn rất nhiều so với CDMA 2G.

Ngoài ra, công nghệ GSM rất tương thích lên 3G (W-CDMA). Chúng ta thấy khi lên 3G chỉ cần nâng cấp GSM từ thế hệ thứ 2. Sau này MobiFone, Vinaphone cho ra đời 3G rất nhẹ nhàng, không có khó khăn về kỹ thuật và chi phí.

Chủ trương "đi thẳng vào hiện đại, lấy ngoài nuôi trong và cạnh tranh" thể hiện rất rõ thành công qua kết quả kinh doanh của MobiFone.

photo-1681473355846

MobiFone vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001

Thực tế cho thấy, các công ty rất lớn không chọn công nghệ GSM như MobiFone đều khai tử cả, mất đi số tiền đầu tư rất lớn, khẳng định thêm việc chọn công nghệ GSM là bước đi đúng hướng để MobiFone có ngày hôm nay.

Trong hoàn cảnh đời sống còn khó khăn, người dân bắt đầu làm quen với di động của MobiFone như thế nào?

Quả thật lúc đó điện thoại di động được xem là xa xỉ phẩm. Thế nhưng MobiFone đã tạo ra sự khác biệt: không thu phí người bị gọi, vậy là chi phí của người dùng đã giảm đi nhiều. Dần dần người dân thấy sự tiện lợi thông tin "mọi lúc mọi nơi" cho công việc kinh doanh, giao dịch, phòng chống thiên tai cũng như các sự kiện lớn nhỏ, nên MobiFone phát triển rất nhanh.

Thời kỳ đầu làm mạng di động gặp nhiều cái khó. Đầu tiên là vốn, cái khó thứ hai là con người, thứ ba là kinh tế còn kém phát triển. Thông thường kinh tế càng phát triển thì mạng di động càng tăng trưởng nhanh. Nhưng Việt Nam phải làm ngược lại, đó là lấy di động kích thích sự phát triển của thị trường.

Có thể nói, VMS-MobiFone đã tiên phong mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của lĩnh vực di động Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về chặng đường đã qua và tương lai của MobiFone?

Cho đến bây giờ, những bước đi tiên phong, dẫn dắt của MobiFone vẫn mang nhiều ý nghĩa. MobiFone là công ty có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt bậc nhất Việt Nam. Tiếp đó, MobiFone tiên phong trong việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chính sự cạnh tranh này tạo ra mức độ hài lòng và các mức giá cước ngày càng hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có một thực tế, ngành viễn thông truyền thống hiện đang bị giảm dần không gian tăng trưởng do ảnh hưởng mạnh của mạng xã hội và yêu cầu cao của khách hàng.

Hiện cáp quang đã phủ sóng rất rộng, internet phát triển, các dịch vụ càng nhiều thì càng thu hẹp ngành di động, cả về dịch vụ lẫn không gian tăng trưởng.

Ngành di động cần tìm không gian tăng trưởng mới, các sản phẩm, dịch vụ mới mà tiện ích cần gắn với sự phát triển của đời sống xã hội thông minh, sự tin tưởng, tin dùng và mong muốn của người dùng.

Giờ đây, chúng ta đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số càng cần đến nền tảng di động. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của di động trên thế giới đã xuất hiện những nhân tố bất lợi, vì vậy sự nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới liên tục trên mọi phương diện chiến lược, chính sách, cơ chế, công nghệ, con người là rất quan trọng cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tôi hy vọng, MobiFone sẽ tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong công nghệ và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của mình trong việc hiện đại hóa hạ tầng, hệ sinh thái số của MobiFone và cho tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực chuyển đổi số thành công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.