Thương lái Trung Quốc biến mất, thanh long ế đầy đồng không ai mua

Bắc Bình
Bắc Bình
05/01/2022 13:54 GMT+7

Thương lái đồng loạt ngưng mua khiến hàng chục ngàn hộ nông dân trồng thanh long nghịch vụ (còn gọi là thanh long xông đèn) ở 2 tỉnh Tiền Giang và Long An như “ngồi trên đống lửa”.

Nông dân bán thanh long mà không dám hỏi giá

Năn nỉ mãi, một thương lái ở TT.Tầm Vũ, H.Châu Thành (Long An) cũng chịu thu mua 5 tấn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Bé (63 tuổi, ở xã Long Trì, H.Châu Thành) với ông Bé phải tự vận chuyển đến vựa.

Thu hoạch xong đợt thanh long xông đèn nhưng nông dân bị thương lái từ chối mua.

BẮC BÌNH

“Tôi năn nỉ biết bao nhiêu vựa rồi đó, điện thoại cả thương lái bên Tiền Giang luôn mà có ai chịu mua đâu. Nhiều thương lái từ chối khéo bằng cách trả giá 1.000 đồng/kg. May nhờ có thương lái bên Tầm Vu kêu chở tới để họ mua. Kêu chở tới thì chở chứ thú thật là tôi không dám hỏi giá vì sợ họ giận rồi không chịu mua nữa. Họ không mua thì 3 ngày nữa cũng phải hái vì trái sẽ nứt, chín tới rồi”, ông Bé rầu rĩ.

Trường hợp gia đình ông Bé cũng là mẫu số chung của đa số nông dân trồng thanh long xử lý xông đèn ở 2 tỉnh Tiền Giang và Long An hiện nay. Trong đó, ngay cả một số hộ nông dân đã nhận một ít tiền cọc từ các thương lái cấp 2 ở địa phương từ đầu vụ cũng chịu chung số phận vì thương lái đã bỏ cọc, không tới vườn mua như thỏa thuận.

Thông thường, các thương lái cho người đến cắt thanh long, nhưng nay nông dân tự thu hoạch mà thương lái cũng không chịu mua.

BẮC BÌNH

Theo nhiều nông dân, trong lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội hồi 2 tháng trước, họ đã nỗ lực để đầu tư phân thuốc, xông đèn xử lý cho trái nghịch vụ mong có được đợt thu hoạch trong dịp đón Tết Nhâm Dần năm 2022. Đợt thu hoạch đã bắt đầu gần tháng qua và trong thời gian này hầu như toàn bộ thương lái lớn, nhỏ ở địa phương thông báo ngừng mua vì không xuất hàng đi Trung Quốc được.

Được biết, năng suất bình quân vụ đạt khoảng 1 tấn/công (1.000 m2), giá thành sản xuất trung bình khoảng 50 triệu đồng/công (tương đương 5.000 đồng/kg). Với giá mua hiện nay, người nông dân lỗ nặng. Và đây là vụ thứ 2 liên tiếp hàng chục ngàn hộ trồng tổng cộng hơn 20.000 ha ở 2 tỉnh Tiền Giang và Long An bị thua lỗ nặng nề.

Thương lái Trung Quốc thao túng

20.000ha thanh long chín đỏ cây nhưng không ai mua, nông dân kêu cứu ngày đêm

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, vài ngày qua, nhiều thương lái cấp 2 ở địa phương đã tụ họp tại các vựa quy mô lớn để đòi thương lái cấp 1 bồi thường vì lời tuyên bố ngưng mua đột ngột. Các thương lái địa phương cho biết, đa số các vựa thanh long lớn (cấp 1) đều do người Trung Quốc đứng sau thao túng. Họ có toàn quyền quyết định về lượng hàng và giá cả để các thương lái nhỏ (cấp 2) làm cơ sở đến các vườn thanh long thương lượng với nông dân. Do đó, việc các vựa lớn dừng thu mua cũng khiến cho các thương lái nhỏ bị thiệt hại số tiền đã đặt cọc trước đó, nhưng không thể yêu cầu các thương lái Trung Quốc bồi thường vì tất cả các giao dịch đặt cọc đều không rõ ràng, không có văn bản hay hợp đồng cụ thể.

Nông dân tự thu hoạch rồi chở đến tận vựa với hy vọng thương lái giúp đỡ tiêu thụ nội địa.

BẮC BÌNH

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND H.Châu Thành (Long An), nói, việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn đã được chính quyền địa phương cảnh báo với nông dân từ lúc bắt đầu đầu tư xông đèn vụ này. Đặc biệt là vấn đề đặt cọc với các nội dung không rõ ràng giữa các thương lái với nhau và với nông dân ngay từ đầu vụ.

“Trước tình hình trên Đảng bộ, chính quyền H.Châu Thành rất quan tâm phối hợp với ngành công thương liên hệ đến các khu, cụm công nghiệp…trên địa bàn nhờ tạo điều kiện tiêu thụ trái thanh long đang đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không phải một sớm, một chiều mà chúng ta có thể giải quyết được”, ông Khải nói.

Nhiều chủ vườn tự thu hoạch rồi mòn mỏi để đó chờ thương lái tới mua.

BẮC BÌNH

Để giải quyết thiệt hại trước mắt, Sở Công thương Long An và UBND H.Châu Thành…đã làm việc nhiều lần với các thương lái để tìm cách tháo gỡ. Kết quả, một số thương lái cấp 1 đã đồng ý sẽ hỗ trợ đối với các thương lái cấp 2 có hợp đồng đặt cọc số tiền 3.000 đồng/kg, thương lái cấp 2 hứa sẽ hỗ trợ nông dân mà họ đã đặt cọc trước đó số tiền 1.000 đồng/kg. Đồng thời, một số chủ vựa lớn cũng nói với chính quyền là từ ngày 4.1 họ sẽ tiến hành thu mua trở lại để giải cứu thanh long đang chín cho nông dân.

Sáng 5.1, PV Báo Thanh Niên ghi nhận hầu hết các vựa thanh long trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An vẫn đóng cửa im lìm, trong khi nhiều nông dân cho biết họ cũng không liên lạc được với các thương lái cấp 2…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.