Thượng tọa Thích Nhật Từ: 'Tu khẩu nghiệp sẽ tránh được rắc rối'

03/04/2023 13:06 GMT+7

Theo thượng tọa Thích Nhật Từ, việc tu khẩu nghiệp sẽ giúp chúng ta tránh được các rắc rối trong cuộc sống lẫn các quy định của Pháp luật.

Theo quan niệm Phật giáo, khẩu nghiệp là những lời nói được thể hiện qua các hình thái lời nói bằng miệng. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khẩu nghiệp còn được hiểu mở rộng bao gồm các hành vi được thể hiện bằng chữ viết phổ biến trên internet, trên mạng xã hội và trên truyền thanh, truyền hình.

Tránh khẩu nghiệp trên mạng xã hội thế nào?

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM) cho biết, khi tâm nóng giận bởi sự hận thù, bực tức, khó chịu thì lúc đó bản thân mình đã bị phủ che bởi cái gì đó nó không còn sáng suốt nữa. Mọi hành xử trong giai đoạn tâm bị sân, mất khống chế chắc chắn để lại nhiều hậu quả xấu.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: 'Tu khẩu nghiệp sẽ tránh được rắc rối vi phạm Điều 331' - Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết tu khẩu nghiệp trước hết sẽ giúp mỗi chúng ta tránh được những rắc rối liên quan đến pháp luật

Chùa Giác Ngộ

Có những vấn đề khi mình nhận ra là không nên như thế thì mối quan hệ dân sự, xã hội giữa mình với một người nào đó nó đã kết thúc luôn rồi, không còn nữa.

Trụ trì chùa Giác Ngộ giải thích, theo Đức Phật, tâm chi phối và là đạo diễn của chính lời nói và hành vi của tay chân. Do vậy, khi chúng ta nói những lời không có sự thật, xúc phạm, gây thương tổn người khác thì đó cũng là đang gieo nghiệp xấu và quả xấu của nó sẽ trổ trên phương diện này hoặc là phương diện khác.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: 'Tu khẩu nghiệp sẽ tránh được rắc rối vi phạm Điều 331' - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Nhật Từ hiện là trụ trì chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM)

Chùa Giác Ngộ

"Khi sử dụng mạng xã hội chúng ta nên cân nhắc, hãy nói tìm những lời gì có giá trị nhất để chia sẻ thôi. Còn những điều chúng ta không nắm rõ tính thực hư mà chúng ta viết hay nói trên mạng thì đều có thể bị rủi ro về luật pháp, dân sự, rủi ro về các mối quan hệ xã hội", thượng tọa Nhật Từ chia sẻ.

Theo đó, vị thượng tọa cho rằng, khi chúng ta đang bực tức, cái "sân" trong suy nghĩ đã bắt đầu, cách tốt nhất chúng ta không nên phát ngôn, mà hãy hít thở thật sâu để thoải mái, sáng suốt.

Thậm chí, chúng ta có thể đặt mình vào vai trò của người đã làm mình bực tức để tìm kiếm sự thông cảm.

Trụ trì chùa Giác Ngộ dẫn chứng: "Trong kinh Hoa Nghiêm có câu: "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai".

Nghĩa là khi một niệm sân khởi lên, chúng ta không kiềm chế, khắc phục thì có thể mở ra hàng vạn chướng ngại, trong đó có chướng ngại về luật pháp. Hoặc một tâm niệm sân khởi lên, nó có thể thiêu đốt tất cả rừng công đức. Nó giống như một ngon lửa nhỏ không thể khinh thường nó, mất kiểm soát ngọn lửa nhỏ này nó có thể lây lan, đốt cháy mối quan hệ dân sự, xã hội, pháp lý, huyết thống, tình bạn và nhiều mối quan hệ khác".

Ý nghĩa tu khẩu nghiệp

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho hay, có 4 loại khẩu nghiệp chúng ta không nên vướng vào:

  • Nói những điều không đúng sự thật.
  • Nói những lời gây chia rẽ, mất đoàn kết.
  • Nói những lời mất lịch sự, kém văn hóa.
  • Nói những lời vô ích.

Dẫn chứng theo quan niệm đạo Phật, gắn liền với pháp luật thực tiễn, thầy Nhật Từ cho rằng, tu khẩu nghiệp trước hết sẽ giúp chúng ta tránh được những rắc rối do vi phạm pháp luật.

Khi sử dụng mạng xã hội chúng ta nên cân nhắc, hãy nói tìm những lời gì có giá trị nhất để chia sẻ thôi. Còn những điều chúng ta không nắm rõ tính thực hư mà chúng ta viết hay nói trên mạng thì đều có thể bị rủi ro về luật pháp, dân sự, rủi ro về các mối quan hệ xã hội

Thượng tọa Thích Nhật Từ

Tu khẩu nghiệp còn giúp mỗi người không gây tổn thương các mối quan hệ dân sự, xã hội, huyết thống. Tu khẩu nghiệp giúp chúng ta gia tăng uy tín với mọi người xung quanh.

Cụ thể, vị thượng tọa phân tích: "Đức Phật thường dạy là nói những lời từ ái. Từ là có tâm từ bi, ái là thể hiện sự thương yêu, tôn trọng. Nói ngôn ngữ từ ái là tự động người nghe rất là mát ruột. Dân gian có câu là "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", còn đây không phải "lựa lời", "lựa lời" là mình chỉ xã giao qua loa thôi, còn dây phải dùng ngôn ngữ từ ái, mà muốn có ngôn ngữ từ ái thì tâm mình phải có từ bi thì mới có. Bằng cách đó thì tự động uy tín của mình tăng cao, ai nghe mình nói đến cũng trân trọng".

Theo đó, sư thầy Nhật Từ nhấn mạnh 3 điều sau:

  1. Thứ nhất, để vượt qua được cái quyền lực ảo hay sự "ngáo" mạng xã hội thì chúng ta phải thấy rất rõ, bản thân mình không phải là bản lề chân lý. Bản lề chân lý đó ở đây là luật pháp ở nơi quốc gia mà mình đang là một công dân.
  2. Thứ hai, mọi tôn vinh bản thân mình trên mạng xã hội nó chỉ là giá trị ảo, nhưng hậu quả mà nó để lại nếu mất kiểm soát có thể dẫn đến những tác hại thật.
  3. Thứ ba, mọi sự tôn vinh nói theo Phật giáo đều là vô thường.
Thượng tọa Thích Nhật Từ: 'Tu khẩu nghiệp sẽ tránh được rắc rối vi phạm Điều 331' - Ảnh 4.

Theo thượng tọa, ai cũng có thể gặp rắc rối nếu mất kiểm soát lời nói

Chùa Giác Ngộ

Do đó, khi lỡ chúng ta bị ai đó xúc phạm, vu cáo, xuyên tạc thì điều đầu tiên phải nghĩ rằng giá trị thật của mình cũng không vì thế mà bị mất đi. Bằng cách đó mình sẽ không bị rơi vào ân oán giang hồ trên không gian mạng.

"Việc mất kiểm soát lời nói, dẫn đến khẩu nghiệp xấu, khẩu nghiệp phạm pháp, cụ thể là vi phạm pháp luật rất có khả năng xảy ra đối với bất cứ ai, bất luận người đó đang hành nghề gì, ở vai trò, vị trí ra sao, thế nào", thượng tọa Thích Nhật Từ nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.