Tiễn biệt GS Đinh Xuân Lâm, một trong tứ trụ của ngành sử

27/01/2017 13:30 GMT+7

Sáng 27.1, tang lễ của GS Đinh Xuân Lâm, chuyên gia đầu ngành về lịch sử Việt Nam cận hiện đại, đã diễn ra tại Hà Nội.

GS Đinh Xuân Lâm mất ngày 25.1, thọ 92 tuổi, tại Hà Nội. Sự ra đi của ông là tổn thất lớn của giới nghiên cứu sử học nước nhà. Cùng với GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng, ông được coi là tứ trụ của nền sử học nước nhà.
GS Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình quan lại phong kiến. Ông tốt nghiệp tú tài toàn phần ban Triết học Văn chương tại Trường Quốc học Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, ông trở thành một trong những giáo sư Trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi hoà bình lập lại năm 1954, ông học Đại học Sư phạm Văn khoa, đồng môn với Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng. Tuy nhiên, sau đó GS Trần Văn Giàu, khi đó là Chủ nhiệm khoa đã chuyển ông sang học Khoa sử của mình. Khi tốt nghiệp xuất sắc vào năm 1956, ông Lâm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường. Sau này, ông cũng được giới nghiên cứu gọi là một trong “tứ trụ triều đình” của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

tin liên quan

Học lịch sử ở di tích
Thay vì những bài giảng “chay” trên lớp, nhiều học sinh ở Hải Phòng được học lịch sử ở các di tích bằng những chuyên đề sinh động và nhiều sắc màu.
GS Đinh Xuân Lâm ra đi để lại một di sản khoa học to lớn, với khoảng 400 công trình khoa học (bao gồm sách, giáo trình, bài báo, báo cáo khoa học…). Ngay sau khi về dạy tại Khoa chưa đến 3 năm, ông đã tham gia biên soạn bộ sách Lịch sử cận đại Việt Nam (4 tập). Đây được coi là bộ giáo trình lịch sử cận đại đầu tiên. Bộ sách Lịch sử Việt Nam do GS Đinh Xuân Lâm làm chủ biên, cho tới giờ vẫn được coi là giáo trình đại học đầy đủ nhất về Lịch sử Việt Nam thời kỳ thuộc địa.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, hướng nghiên cứu lâu dài nhất, thành công nhất, góp phần định hình nên vị trí chuyên gia đầu ngành về lịch sử Việt Nam cận đại của GS Đinh Xuân Lâm chính là những công trình nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân và phong trào chống chủ nghĩa thực dân Pháp của nhân dân ta kéo dài từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
GS Đinh Xuân Lâm được công nhận chức danh giáo sư năm 1984. Ông từng giữ chức Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông cũng được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng ba và Huân chương Lao động hạng nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.