Tiễn đưa nhà báo Nguyễn Công Vượng - người chụp bức ảnh lịch sử phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống tại VN

30/06/2023 16:50 GMT+7

Sáng 30.6, lễ truy điệu và an táng nhà báo Nguyễn Công Vượng được tổ chức tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông qua đời trưa ngày 28.6 tại nhà riêng (P.Yết Kiêu, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), hưởng thọ 90 tuổi.

Lịch sử đã chọn nhà báo Nguyễn Công Vượng là người chụp bức ảnh phi công người Mỹ Everett Alvarez bị bắt sống trên vịnh Hạ Long ngày 5.8.1964 trong trận đọ sức đầu tiên của phòng không không quân Việt Nam hạ uy lực không quân Mỹ.

Ông Nguyễn Công Vượng sinh ngày 10.4.1934, quê ở H.Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tốt nghiệp Trường Đại học Nhân dân, năm 1956 ông tình nguyện về báo Vùng Mỏ công tác.

Tiễn đưa nhà báo Nguyễn Công Vượng - người chụp bức ảnh lịch sử phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống tại VN

 - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Công Vượng (1934 - 2023)

Huỳnh Đăng

Sinh thời, nhắc lại sự việc chụp ảnh phi công Alvarez bị bắt sống trên vịnh Hạ Long, nhà báo Công Vượng từng kể: Khi Đài Phát thanh thị xã Hòn Gai đưa tin máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, giặc lái nhảy dù rơi ngoài vịnh Hạ Long, ông lập tức cầm máy ảnh cùng sổ công tác lao đi lấy tư liệu. Nhưng đến nơi thì viên phi công đã bị bắt và được đưa đi rồi. Khoảng hơn 20 giờ tối hôm đó, ông nhận được tin tên giặc lái nhảy dù hiện đang bị giam giữ tại Bãi Cháy. Buông bát cơm đang ăn dở dang, ông cầm máy ảnh lập tức lên đường.

Đến đơn vị hải quân, phóng viên Công Vượng bước vào căn phòng rộng hơn 10m2, ông thấy trung úy phi công Alvarez đang ngồi trên một ghế đẩu giữa phòng trả lời thẩm vấn. Nhà báo Công Vượng đưa máy ảnh lên chụp, Alvarez phản ứng rất nhanh, cố ý để không cho ghi hình.

Tiễn đưa nhà báo Nguyễn Công Vượng - người chụp bức ảnh lịch sử phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống tại VN

 - Ảnh 2.

Phi công Alvarez bị bắt sống trên vịnh Hạ Long ngày 5.8.1964

Công Vượng

"Tôi hạ máy xuống, nhìn thẳng vào y, tỏ thái độ rất nghiêm khắc. Thấy vậy, Alvarez cúi đầu xuống để tránh ánh mắt của tôi - Nhà báo Công Vượng kể lại sự kiện này với báo chí nhiều năm sau - Tôi liền giơ máy bấm liên tục 3 kiểu chưa đầy 1 phút... Trở về, tôi vào ngay buồng tối để tráng phim, rửa ảnh. Xem đi xem lại 3 kiểu ảnh và chọn kiểu viên phi công cúi đầu, đôi mắt nửa như ngạc nhiên, lấm lét, nửa như sợ hãi, khuất phục.

Bức ảnh đã được đăng trên báo Quảng Ninh và báo Nhân Dân ngay sau ngày diễn ra chiến thắng trận đầu 5.8.1964 và đã gây ấn tượng mạnh trên công luận".

Như một sự tình cờ của số phận, trung úy phi công Alvarez trở thành phi công đầu tiên bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam (thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh). Sinh năm 1937 tại Salinas (California, Mỹ), năm 1960 Alvarez nhập ngũ và được chọn làm phi công.

Tiễn đưa nhà báo Nguyễn Công Vượng - người chụp bức ảnh lịch sử phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống tại VN

 - Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Công Vượng giới thiệu ảnh phi công Alvarez bị bắt sống

Huỳnh Đăng

Ngày 5.8.1964, trong chiến dịch Mũi tên nhọn, khi điều khiển máy bay Douglas A-4 Skyhawk mang bom vào không phận miền Bắc Việt Nam, Alvarez bị súng phòng không bắn hạ. Sau đó viên phi công này được giải từ Quảng Ninh về Hà Nội, bị giam 8 năm 7 tháng tại nhà tù Hỏa Lò, cho đến khi được trao trả về Mỹ sau Hiệp định Paris (1973).

Trở lại quê hương, Alvarez viết cuốn sách Chim ưng bị xiềng kể về cuộc sống của ông trong những ngày bị tạm giam ở Hỏa Lò và những tình cảm trân trọng ông dành cho những người quản giáo tại đây thời ông là tù binh...

Còn nhà báo Công Vượng trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban Bạn đọc báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh). Ngoài ra, ông còn được biết đến với vai trò là một nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội, một hội viên kỳ cựu của Hội VHNT Quảng Ninh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.