Tiền Giang: 48 năm không ngừng đổi mới, phát triển

28/04/2023 17:30 GMT+7

48 năm sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Tiền Giang đã không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc.

Ðồng lòng vượt khó khăn

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tháng 2.1976, các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và TP.Mỹ Tho được hợp nhất thành tỉnh Tiền Giang ngày nay. Ngày 9.11.1976, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ I diễn ra trên cơ sở hợp nhất các Đảng bộ của tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP.Mỹ Tho (cũ). Khi đó, toàn Đảng bộ tỉnh Tiền Giang có khoảng 7.000 đảng viên, dân số khoảng 1,2 triệu người, tổng diện tích của tỉnh là 2.366 km2. Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ hậu quả của chiến tranh nên tỉnh Tiền Giang đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về kinh tế và những diễn biến phức tạp về xã hội.

Tiền Giang: 48 năm không ngừng đổi mới, phát triển - Ảnh 1.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đề ra mục tiêu đến năm 2025 Tiền Giang là tỉnh phát triển hàng đầu trong khu vực

Ảnh Bắc Bình

Về kinh tế, Tiền Giang cơ bản là tỉnh nông nghiệp lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đất đai còn hoang hóa và mang dấu vết bom đạn, thủy lợi chưa phát triển. Cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là nghề mộc, nghề hàn, sửa chữa máy, sản xuất hàng tiêu dùng gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu, thiếu thiết bị… Cơ sở hạ tầng xã hội phần lớn bị hư hại, giao thông đi lại rất hạn chế, giao thương của người dân chủ yếu bằng đường thủy.

Trong khi đó, giáo dục từ bậc mẫu giáo đến phổ thông chỉ chủ yếu phát triển ở khu vực TP.Mỹ Tho và các thị trấn, thị tứ nhưng ở quy mô nhỏ. Ở nông thôn, đa số trẻ em đến tuổi đi học chưa được đến trường. Cơ sở vật chất y tế chủ yếu ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, chỉ một vài xã có trạm y tế và nhà bảo sanh. Bối cảnh xã hội thời điểm đó còn nhiều hủ tục lạc hậu. Người dân phiêu bạt ly hương do chiến tranh tìm về quê hương khiến nạn thất nghiệp càng trở nên nghiêm trọng…

Tuy nhiên, dưới sự tập trung lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, đã trực tiếp giải quyết từng vấn đề một cách bài bản, dứt khoát và đạt được những kết quả rất quan trọng.

Sau 48 năm không ngừng đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua 11 kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang hiện đã có trên 50.000 đảng viên, dân số toàn tỉnh gần 1,8 triệu người, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trên 137.000 ha, cây rau đậu các loại xuống giống trên 56.700 ha, diện tích cây ăn quả trên 82.300 ha… với khoảng 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện tốt hơn; chính trị được giữ vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Tiếp tục xây dựng tỉnh Tiền Giang văn minh, phát triển

Hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19 (Tiền Giang là tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ 5 trong cả nước) và những biến động phức tạp, khó lường của thế giới nhưng tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, kết thúc năm tài khóa 2022, tốc độ tăng trưởng (GRDP) tỉnh Tiền Giang đạt 7,02%, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,85 tỉ USD, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 41.843 tỉ đồng, thu ngân sách đạt 10.665 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 136/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/11 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới…

Ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, cho biết trong khoảng thời gian gần 3 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện Quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với quy hoạch vùng ĐBSCL. Đây là cơ sở để tỉnh chuyển đổi mô hình phát triển nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung thông qua các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị. Thực hiện đúng lộ trình các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Tiền Giang: 48 năm không ngừng đổi mới, phát triển - Ảnh 2.

Một góc cơ sở hạ tầng của Tiền Giang hiện nay

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua xây dựng chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao đạo đức công vụ, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp… Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các dự án mang tính liên kết vùng như: cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, đường tỉnh 864, đường Đồng Tháp Mười, mở rộng kênh Chợ Gạo… Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Tiền Giang trong thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Tân Phước 1 và Tân Phước 2, Cụm công nghiệp Gia Thuận, Bình Đông và các cụm công nghiệp khác đã được quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Tỉnh ủy Tiền Giang đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo vừa phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và chú trọng công tác ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Địa phương cũng chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa" và chủ động phát hiện, trọng dụng người tài… hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Đó cũng là động lực, là tiền đề để tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.