Tiết lộ các điều khoản hòa đàm Nga - Ukraine 2 năm trước?

Khánh Như
Khánh Như
02/03/2024 09:34 GMT+7

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) dẫn một số tài liệu nêu chi tiết về các điều khoản được đặt ra trong cuộc đàm phán hòa bình diễn ra năm 2022 giữa Nga và Ukraine.

Theo đó, WSJ cho biết một đề xuất được soạn thảo nêu rõ việc Ukraine sẽ bị vô hiệu hóa về mặt quân sự.

Tờ báo cho hay hôm 1.3 rằng điều khoản trên cho thấy những nhượng bộ mà Ukraine phải thực hiện. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã thất bại. Sau khi Nga rút quân khỏi vùng Kyiv, mà theo Moscow là để tạo điều kiện đàm phán hòa bình, Ukraine bắt đầu xoay chuyển tình thế và nhận được hỗ trợ ngày quân sự ngày càng lớn từ phương Tây.

Theo WSJ, tài liệu dài 17 trang được đề ngày 15.4.2022 ghi rằng Ukraine được phép trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc bất kỳ khối quân sự nào khác.

Tiết lộ các điều khoản hòa đàm Nga - Ukraine hai năm trước?

Các điều khoản khác được cho là bao gồm việc lực lượng vũ trang Ukraine phải giảm xuống một quy mô nhất định, đảm bảo không có vũ khí nước ngoài nào được đặt trên lãnh thổ, và Nga có quyền kiểm soát bán đảo Crimea.

Theo đó, Ukraine bị giới hạn ở 85.000 quân, 342 xe tăng và 519 khẩu pháo. Trong khi đó, các nhà đàm phán từ Kyiv muốn có 250.000 quân, 800 xe tăng và 1.900 khẩu pháo.

Cũng có thông tin cho rằng tầm bắn tên lửa của Ukraine sẽ bị giới hạn ở mức 40 km, nếu thỏa thuận được thống nhất.

Tiết lộ các điều khoản hòa đàm Nga - Ukraine 2 năm trước?- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine tham gia chiến đấu tại một địa điểm không được tiết lộ ở tỉnh Zaporizhzhia

AFP

Trước thông tin trên, đài RT của Nga cho biết các thông tin từ WSJ vẫn chưa được các quan chức Nga hoặc Ukraine chính thức xác nhận.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow và Kiev đã đồng ý về một dự thảo hiệp ước hòa bình vài tuần sau khi giao tranh bắt đầu, song Nga không muốn tài liệu này được công bố.

"Toàn bộ quá trình đàm phán đã bị chấm dứt do quyết định của phía Ukraine sau khi nhận được yêu cầu từ Anh", ông nói.

Ông Putin cảnh báo phương Tây về nguy cơ chiến tranh hạt nhân thảm khốc nếu đưa quân đến Ukraine

Moscow và Kiev đã tổ chức hòa đàm tại TP.Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3.2022. Truyền thông Nga đưa tin rằng Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã đặc biệt tới Kyiv để thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rút khỏi đàm phán. Ông Johnson đã bác bỏ tất cả thông tin trên.

Kể từ cuộc đàm phán ở Istanbul, Nga và Ukraine không có bất kỳ cuộc thảo luận nào khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.