Tìm lại dấu xưa: Thiên Ấn cổ tự

Phạm Anh
Phạm Anh
15/03/2024 06:58 GMT+7

Sông Trà Khúc chảy từ thượng nguồn về đến TP.Quảng Ngãi thì chen vào giữa núi Thiên Ấn và Thiên Bút, 2 biểu tượng linh thiêng của tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi Thiên Bút tĩnh lặng, chôn giấu những bí ẩn ít được khám phá thì Thiên Ấn có nhiều huyền sử kể về việc xây chùa, chuông thần, giếng Phật...

HUYỀN SỬ GIẾNG PHẬT

Thiên Ấn là ngọn núi linh thiêng của Quảng Ngãi, mang hình thang cân, rộng khoảng 360 ha, cao hơn mặt nước biển 100 m. Theo các truyền thuyết dân gian tại địa phương, cách đây khoảng 4 thế kỷ, vùng núi Thiên Ấn được ví như chốn u linh, rừng cây rậm rạp, chỉ có muông thú ở. Chính vì vậy, không ai muốn lên núi Thiên Ấn, chỉ có người đốn củi thỉnh thoảng lên đây nhưng tuyệt đối không dám ở qua đêm trên khu rừng hoang vắng này.

Tìm lại dấu xưa: Thiên Ấn cổ tự- Ảnh 1.

Cổng chùa Thiên Ấn phía trong

PHẠM ANH

Khu rừng linh thiêng ấy, một ngày có thiền sư Lê Diệt, pháp hiệu Pháp Hóa, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), tu theo dòng thiền Lâm Tế, tìm đến lập thảo am tu thiền. Am được lập trên đỉnh núi, trước mặt có dòng sông Trà Khúc làm minh đường, phía tây là dãy Long Đầu chạy về hướng bắc.

Thiền sư ngày ngày tụng niệm kinh kệ, làm bạn với núi rừng và muông thú. Một hôm, có đoàn người lên núi, uống nước mạch ở phía đông nam thảo am rồi gặp thiền sư đang tu luyện. Sự đức độ của vị chân tu đã cảm hóa được đoàn người. Khi trở về, họ đã kể lại cho thiên hạ biết vị sư trên đỉnh núi u tịch kia. Dần dần, tiếng lành đồn xa, thảo am đón thêm khách đến viếng thăm, chung tay xây dựng chùa.

Theo giai thoại của chùa Thiên Ấn, do thảo am không đủ nước uống, đi lên xuống quá vất vả nên thiền sư Lê Diệt quyết định đào giếng. Tuy nhiên, đào xuống chừng 8 m cũng không gặp nước, giữa lúc bối rối thì có một vị sư trẻ từ đâu đến xin tá túc và giúp đào giếng. Khi giếng trào lên dòng nước mát thì không thấy vị sư trẻ đâu nữa. Thiền sư cho người xuống giếng và tìm mọi nơi cũng không thấy. Ngày nay trên chùa còn ghi: "Ông thầy đào giếng trên non/Đến khi có nước không còn tăm hơi".

Tìm lại dấu xưa: Thiên Ấn cổ tự- Ảnh 2.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn

Từ đó, nhiều người cho rằng câu chuyện vị sư trẻ kia là do đức Phật cảm lòng thành của thiền sư đã cho người đến giúp và giếng này được gọi là giếng Phật. Trải qua hàng mấy trăm năm, giếng Phật chưa bao giờ cạn nước.

Hiện giếng Phật sâu khoảng 21 m, đường kính hơn 2 m, nằm bên trái chánh điện chùa Thiên Ấn, được xây bằng đá ong còn nguyên nét cổ kính. Cạnh giếng, nhà chùa có ghi lại sơ lược huyền sử đào giếng.

Theo người dân địa phương và các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ thì núi Thiên Ấn còn gọi là núi Hó và chùa Thiên Ấn được xây dựng trên nền tháp Chăm ngày trước. Việc xây chùa như vậy dọc miền Trung, Quảng Ngãi, Bình Định cũng không phải là hiếm, liên quan đến quá trình mở mang đất phương nam của tiền nhân ngày trước.

Tìm lại dấu xưa: Thiên Ấn cổ tự- Ảnh 3.

Giếng Phật cổ kính nằm phía trái ngôi chùa

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi (nhà khảo cổ học ở Quảng Ngãi), phái thiền Lâm Tế luôn chọn núi, đồi núi để tu hành, nên đến các đỉnh núi như Thiên Ấn, Thiên Bút, Linh Tiên tự… ở Quảng Ngãi lập am; chùa Thập Tháp A di đà (Bình Định) cũng xây trên nền tháp Chăm. Riêng tại Quảng Ngãi luôn có giếng bên chùa. Trong khi đó, người Chăm là "thầy" của việc tìm nguồn nước, đào giếng. Việc giếng Chăm để lại ven biển Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung quanh năm có nước ngọt lành, không cạn đã chứng minh rất rõ điều này. Vì vậy, cũng có thể giếng Phật ở chùa Thiên Ấn đã có trước khi thiền sư Pháp Hóa đến lập thảo am tu hành, sau đó thiền sư đào giếng sâu thêm để lấy nước.

CHÚA NGUYỄN NGỰ ĐỀ SẮC PHONG BẢNG VÀNG

Bước vào cổng chùa Thiên Ấn, thấy đề 1627 nhưng theo ghi chép ở đây thì chùa xây dựng năm 1694 và hoàn thành một năm sau đó, thuộc đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong. Chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu đích thân ngự đề sắc phong bảng vàng "Sắc tứ Thiên Ấn tự" vào năm 1717. Đến năm 1916, tấm bảng vàng được tái tạo.

Thiên Ấn tự được xây dựng theo hình chữ khẩu, phía trước là chính điện, đến sân nhỏ, nhà phương trượng, hai bên là nhà tây, nhà đông, nhà kho, nhà bếp. Đại hồng chung (chuông lớn) của chùa Thiên Ấn do làng đúc đồng Chú Tượng (ở xã Đức Hiệp, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) đúc, cao 2 m, đường kính miệng 0,7 m, thường được gọi là chuông thần. Đây là chuông đánh lên để tế chẩn cô hồn và cầu siêu cho bá tánh an lành.

Tìm lại dấu xưa: Thiên Ấn cổ tự- Ảnh 4.

Tháp trong khuôn viên chùa, nơi viên tịch của tổ sư Pháp Hóa

Phía đông Thiên Ấn tự có các tháp an táng sư trụ trì, sư tổ của chùa. Bên ngoài khuôn viên chùa, từ cổng tam quan về hướng tây bắc, có ngôi mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xây dựng khang trang, yên tĩnh.

Ngày nay, cổ tự Thiên Ấn bốn mùa xanh mát. Nhiều người đến chùa để bái Phật, thưởng thức cảnh đẹp, cầu bình an… Vào ngày mùng 1, rằm và nhất là mùa xuân, khách thập phương lên chùa dâng hương đều đến chiêm ngưỡng giếng Phật, uống nước giếng để được may mắn. (còn tiếp)

ẤN TRỜI ĐÓNG TRÊN SÔNG

Theo Đại Nam nhất thống chí, núi Thiên Ấn có đỉnh bằng phẳng, rộng ước chừng vài mẫu, bốn mặt vuông phẳng, trông như hình cái ấn, nên gọi tên ấy. Trên núi có chùa, trước chùa có giếng cổ, sâu 55 thước, nước rất ngọt. Tương truyền xưa có thầy tăng dựng chùa ở đấy, khổ nỗi không có nước uống, bèn đào giếng trên đỉnh núi, trước cửa chùa, dùng sức tới 20 năm mới đến mạch nước. Giếng đào xong, thầy tăng ấy mất, đến nay người trụ trì chùa ấy đều nhờ giếng đó.

Chân núi phía nam gối lên sông Trà Khúc, phía bắc nối liền núi La Vọng, phía đông tiếp núi Tam Thai, phía tây giáp núi Long Đầu. Khi Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tuần phủ Quảng Ngãi có thơ vịnh 10 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi, thì đây là cảnh Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông). Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), có khắc hình núi này vào Di đỉnh. Năm Tự Đức thứ ba (1850), liệt vào hàng danh sơn và ghi vào Tự điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.