Tín hiệu tích cực từ trận thua của đội tuyển nữ Việt Nam

11/07/2023 08:43 GMT+7

Đã xác định tinh thần dự World Cup 2023 để học hỏi, đồng nghĩa mọi trận đấu dù thắng hay thua cũng đều là nấc thang đội tuyển nữ Việt Nam phải bước qua để trưởng thành.

Tinh thần chiến đấu

Trận thua 0-2 trước đội tuyển nữ New Zealand trên sân McLean Park ngày 10.7 là thất bại nằm trong dự tính của đội tuyển nữ Việt Nam. Trên bảng xếp hạng FIFA, New Zealand đứng hạng 26, hơn thầy trò HLV Mai Đức Chung 6 bậc, nhưng khoảng cách giữa hai đội còn là kinh nghiệm ở sân chơi World Cup, thể hình, thể lực của từng cầu thủ, cùng với ưu thế quen với khí hậu và sân bãi.

Quan trọng là ở trận thua đội tuyển nữ New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn thể hiện sức phản kháng tốt. Trước tiên là tinh thần thi đấu bền bỉ và ngoan cường trước đối thủ mạnh.

Cũng giống trận gặp Đức ngày 24.6, Hải Yến cùng đồng đội chỉ cầm bóng khoảng 20 đến 25% thời lượng, dành phần lớn thời gian trận đấu để đuổi bóng, căng mình phòng ngự hay tranh chấp với đối thủ to khỏe hơn nhiều.

Thua New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam thụt lùi hay tiến bộ sau trận gặp Đức?

Tín hiệu tích cực từ trận thua của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 1.

Tín hiệu tích cực từ trận thua của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 2.

Đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu cố gắng

VFF

Dù vậy, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn đeo bám, truy cản đối thủ quyết liệt, giữ tâm lý ổn định để không vỡ trận. Sau mỗi bàn thua, các cầu thủ đều điều chỉnh lại cự ly đội hình và rút ra bài học trong phòng ngự để tránh sai lầm tiếp diễn. Đơn cử như hai sai lầm dẫn đến bàn thua trong hiệp 1 như lỗi phá bóng, lỗi vị trí khi phòng ngự ở biên đều đã không xuất hiện trong hiệp 2. Ban huấn luyện có thay đổi nhân sự và nhắc nhở, nhưng bản thân các cầu thủ đã ý thức rất tốt những khiếm khuyết để thay đổi cách chơi cho phù hợp hơn.

Khả năng tự điều chỉnh để thích nghi rất quan trọng, bởi ở sân chơi World Cup, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ luôn ở trong tình trạng "nghẹt thở" cả về thế trận lẫn áp lực tâm lý. Trong 45 phút hiệp 2 (tính cả thời gian bù giờ), Huỳnh Như cùng đồng đội đã chơi tốt hơn, không còn choáng ngợp trước tốc độ và sức mạnh của New Zealand, mà bình tĩnh có phương án đáp trả. Đây là điều đáng khích lệ, bởi dẫu chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu trên sân tập, các cầu thủ cũng phải đối mặt với hàng nghìn biến cố khi bước vào trận đấu chính thức. 

Khi ấy, mấu chốt để đội tuyển nữ Việt Nam vượt khó là sự vững vàng cả về tâm lý lẫn chuyên môn của từng cầu thủ. Yếu tố này không thể chỉ dạy bằng lý thuyết thuần túy, mà cần những trận đấu như gặp đội tuyển nữ New Zealand hay Tây Ban Nha để các cầu thủ tự tích lũy.

Tất tần tật về lịch sử World Cup nữ

Điều chỉnh kịp thời

90 phút trước đội tuyển nữ New Zealand giúp HLV Mai Đức Chung đánh giá kỹ hơn về năng lực chống chịu áp lực của hàng phòng ngự. Tại đây, những khoảng trống giữa các hậu vệ, hay giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ đã lộ rõ. Đội New Zealand phối hợp không quá cầu kỳ, vẫn xuyên phá được hàng thủ của đội tuyển nữ Việt Nam. Dù đã đội nữ chơi với đội hình lùi thấp, nhưng không có nghĩa cầu môn của Kim Thanh được an toàn. Việc tuyến giữa không gây được sức ép, để đối thủ lấn lướt cũng là nguyên nhân chính khiến hàng thủ mắc những sai sót.

Tín hiệu tích cực từ trận thua của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 3.

Thanh Nhã nỗ lực hỗ trợ phòng ngự

VFF

Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp những đội tấn công nhanh và mạnh hơn New Zealand nhiều lần. Đội tuyển nữ Mỹ đã lên ngôi vô địch sau khi ghi 26 bàn vào lưới đối thủ ở World Cup 2019. Đội tuyển nữ Hà Lan ghi 13 bàn sau 4 trận giao hữu gần nhất gặp các đội châu Âu. Đội tuyển nữ Bồ Đào Nha bị đánh giá yếu nhất trong 3 đối thủ của thầy trò HLV Mai Đức Chung, nhưng đã thắng chính New Zealand tới 5 bàn không gỡ.

Các đối thủ ở World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam đều nhanh, mạnh, phối hợp đa dạng từ trung lộ đến đánh biên, đồng thời có những nhân tố đột phá đủ giỏi để xô đổ cấu trúc đội hình còn non nớt mà HLV Mai Đức Chung cùng học trò đang xây dựng.

Tuy nhiên, điều tích cực là HLV Mai Đức Chung đã có những điều chỉnh kịp thời cho đội tuyển nữ Việt Nam ở trận này. 2 mắt xích chơi không tốt là Thu Thảo và Thu Thương bị thay thế bằng Vạn Sự và Hải Linh, nhờ vậy các cầu thủ chơi ổn định, phán đoán và bọc lót tốt hơn. Trong lần đầu đá hậu vệ cánh, Vạn Sự chơi tốt với khả năng đeo bám, che chắn, còn Hải Linh đọc tình huống và giữ vị trí ổn định.

Những bước chạy của Thái Thị Thảo, Vũ Thị Hoa, Thúy Hằng trong hiệp 2 cho thấy, đội tuyển nữ Việt Nam có lực lượng đồng đều, đa dạng về kỹ năng để ban huấn luyện tính toán nhiều phương án chiến thuật. Hy vọng với những bài học đã có trước đội tuyển nữ New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ chơi tốt hơn trong những trận tới, trước mắt là cuộc so tài với Tây Ban Nha vào ngày 14.7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.