Tờ báo thuở xưa: Phấn son tô điểm nhật trình

17/06/2023 08:08 GMT+7

Báo chí trước tháng 8.1945, nhà báo nữ là thiểu số trong đội ngũ ký giả. Nhưng không vì thế mà họ bị chìm lấp giữa giới mày râu. Tên tuổi của các nữ nhà báo thường song hành với lĩnh vực văn, thơ mà họ có thế mạnh.

Tên Sương Nguyệt Anh trước nhất

Sương Nguyệt Anh là gương mặt tiêu biểu của các nhà báo nữ trong địa hạt báo chí khi bà đứng chân chủ bút tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ, tờ Nữ giới chung. Báo ra số đầu tiên ngày 1.2.1918, xuất bản vào thứ sáu hằng tuần. Ngay trên trang nhất, tên Sương Nguyệt Anh đứng ở vị trí chủ bút. Tòa soạn đặt tại số 15 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du), Sài Gòn.

Tờ báo thuở xưa: Phấn son tô điểm nhật trình - Ảnh 1.

Thẻ nhà báo của bà Vương Khả Lãm, tức Huỳnh Thị Bảo Hòa của Thực nghiệp dân báo

TL

Với Manh Manh nữ sĩ, vốn họ tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, con gái của ông huyện Nguyễn Đình Trị. Theo Mấy trang hồi ký của Thiếu Sơn, dạo diễn ra "Hội chợ Phụ nữ" do báo Phụ nữ Tân văn tổ chức năm 1932 - 1933, cô là một trong những nữ diễn giả đăng đàn phát biểu. Nội dung diễn thuyết của cô được thực hiện bởi Thiếu Sơn, lúc ấy đang viết cho Phụ nữ Tân văn. Thiếu Sơn vẫn còn nhớ bài phát biểu được khán thính giả và báo chí khen ngợi. Cô Kiêm đã có thư gửi bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ báo Phụ nữ Tân văn, bày tỏ về phản hồi nhận được từ buổi diễn thuyết, và nguyện "phải ráng rèn luyện cho sau này có thể viết hay nói ra những tư tưởng và tình cảm của em". Từ đó về sau, văn đàn có một nữ sĩ viết văn, làm thơ là Manh Manh nữ sĩ. Các bài viết của cô Kiêm xuất hiện trên các báo Công luận, Việt Nam, Phụ nữ Tân văn… mà nhiều trong số đó kêu gọi nữ quyền cho chị em phụ nữ.

Còn Anh Thơ khi xin cha cho mình đi làm báo, đã thuyết phục được ông, vốn là một nhà Nho quan niệm nghề báo là một nghề không tốt, nam giới làm báo thì trụy lạc, sa vào những trò cô đầu, tiệm hút, nữ giới làm báo dễ hỏng. Tác giả của tập thơ Bức tranh quê nhớ lại trong hồi ký Từ bến sông Thương, dạo ấy: "Lúc này cũng rất nhiều đàn bà, con gái ra làm báo, làm văn. Nào cô Nguyễn Thị Kiêm và Phan Thị Nga ở trong Nam, nào bà Vân Đài, ở miền Bắc". Sau đó, năm 1942 Anh Thơ tham gia bộ biên tập của Đông Tây tuần báo tục bản do Quỳnh Dao đứng chân chủ bút. Từ đó về sau, nữ sĩ góp mặt trên nhiều tờ báo ở mảng thơ, truyện ngắn.

Đi trước Anh Thơ, có những nữ sĩ làm báo như Vân Đài, Ngân Giang. Vân Đài tên thật là Đào Thị Minh, nữ sĩ này có thơ, truyện ngắn, phóng sự đăng trên nhiều báo trong Nam ngoài Bắc: Phụ nữ Tân văn, Tinh hoa, Phong hóa, Ngày nay, Đàn bà, Tri tân… Trong Những gương mặt, Tô Hoài tiết lộ khi tâm sự, Nguyễn Công Hoan là người cùng tuổi với nữ sĩ, đã xác nhận rằng ba chị em nhà Vân Đài đẹp nhất phố Hàng Trống. Còn Ngân Giang, trong tạp chí Văn học số 119, ra ngày 1.1.1971, Vũ Bằng nhận xét đây là "một nữ thi sĩ có biệt tài thêu hoa dệt gấm". Thơ bà được đăng nhiều trên các báo, tạp chí như Đàn bà, Tri tân...

Báo nữ giới do chị em đứng làm chủ

Nơi dải đất Trung kỳ, báo chí không mạnh như Bắc kỳ và Nam kỳ, vì thế lực lượng nhà báo nữ thật ít. Nhưng để lại tên tuổi trên báo chương phải kể đến Đạm Phương nữ sử và Huỳnh Thị Bảo Hòa. Về phần Đạm Phương nữ sử, dẫu xuất thân dòng dõi hoàng tộc, nhưng bà hoạt động năng nổ trên địa hạt chữ nghĩa. Trên Trung Bắc Tân văn, Phụ nữ Tân văn, Thực nghiệp dân báo… tên bà góp mặt thường xuyên. Huỳnh Thị Bảo Hòa không chỉ là tác giả của những sách Tây phương mỹ nhân (Nhà in Bảo Tồn, 1927), Huyền Trân công chúa (tuồng, Nhà in Tiếng Dân, 1934), Chiêm Thành lược khảo (Nhà in Đông Tây, 1936), bà còn được biết đến với tư cách nhà báo. Huỳnh Thị Bảo Hòa, hay bà Vương Khả Lãm, từng là phóng viên của Thực nghiệp dân báo. Bà có nhiều bài đăng trên Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, Phụ nữ Tân văn

Ở Nam kỳ, Mộng Tuyết viết trên nhiều báo khác nhau, có thơ đăng trên Nam Phong tạp chí khi tuổi mới 14. Trong Văn thi sĩ hiện đại - Kỷ niệm, nhận định, Bàng Bá Lân ghi Mộng Tuyết viết thơ, tùy bút, truyện ngắn đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội báo, Con ong, Đông Tây, Trung Bắc Chủ nhật, Tri tân… Về sau, nữ sĩ này còn tham gia vào tòa soạn báo Sống, một tờ báo có tiếng là chỉn chu về mặt văn phong, chính tả. Trên báo này, Mộng Tuyết chuyên mảng truyện ngắn. Ở hồi ký Núi Mộng gương Hồ, Mộng Tuyết còn nhớ Sống số 1 ra ngày 22.1.1935. Tòa soạn báo có 7 nam và Mộng Tuyết là nữ duy nhất, nên được đặt biệt hiệu là "Hà Tiên Cô".

Riêng về báo của giới nữ, ngoài Nữ giới chung xuất hiện năm 1918, sau này năm 1930, ở đất Bắc có Phụ nữ thời đàm do hoa khôi Hà Nội, cô Nguyễn Thị Xuyên chủ trương, có mẹ là bà Nguyễn Văn Đa phụ giúp. Nhưng cùng thời ấy, đất Nam Phụ nữ Tân văn phổ cập hơn. Về sau, Đàn bà mới ra đời ở Sài Gòn năm 1934 do Thụy An chủ trương. Sau này Thụy An về Hà Nội, mở tờ Đàn bà năm 1939. Trên báo này, "đặc biệt ở điểm các thi sĩ có tiếng miền Bắc đều có thơ đăng: Vân Đài, Hằng Phương, Ngân Giang, Anh Thơ", lời Nguiễn Ngu Í trong bài "Thử nhìn qua 100 năm báo chí: Báo chí hôm qua (1865-1954)" trên Bách khoa thời đại số 217, ra ngày 15.1.1966. Ở Trung Kỳ, báo nữ giới có tờ Phụ nữ tân tiến, nhưng ít tiếng vang.

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.