Tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt cùng nhà văn Di Li

12/01/2024 18:05 GMT+7

Buổi tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt với góc nhìn của các nhà văn và người nước ngoài, nhân dịp ra mắt cuốn sách 'Tật xấu người Việt' của tác giả Di Li, do Công ty sách Nhã Nam tổ chức diễn ra chiều ngày 12.1, tại Waynes Coffee (92 Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), mang đến cho bạn đọc nhiều điều thú vị cùng những suy ngẫm bổ ích.

Tham dự buổi tọa đàm có các diễn giả: Nhà văn Nguyễn Một; nhà văn Di Liđạo diễn Aaron Toronto và nhà báo - họa sĩ Đỗ Hương với vai trò điều phối chương trình, cùng sự góp mặt của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đông đảo bạn đọc yêu văn chương, nghệ thuật.

Tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt cùng nhà văn Di Li- Ảnh 1.

Nhà văn Di Li cùng các diễn giả tại buổi tọa đàm

Hạ Minh

Với tựa đề có phần gây "sốc", cuốn sách Tật xấu người Việt - tản mạn về tính cách người Việt và văn hóa thị dân (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành) của tác giả Di Li vừa ra mắt đã gây ấn tượng với bạn đọc khi mạnh dạn vạch ra những điều mà lâu nay người ta thường quan niệm "tốt khoe, xấu che". Từ những thói xấu tưởng chừng nhỏ nhặt cá nhân vô hại được nêu ngay trong những tựa bài như Dùng chung cho vui, Những người cả nể, Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình, Cả một trời kiêu hãnh, Bệnh sĩ… đến những vấn đề tồn tại lớn hơn của cả xã hội: Bệnh thành tích, Giáo dục toàn diện trên giấy, Phở độc quyền, Học để làm quan, Quốc gia lười đọc sách, Tham lam chủ nghĩa, Văn hóa hoa hồng, Từ chuyện di dân nghĩ về thói quen phạm luật… cuốn sách của tác giả Di Li được nhiều bạn đọc quan tâm tâm đắc.

Tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt cùng nhà văn Di Li- Ảnh 2.

Bìa cuốn sách Tật xấu người Việt của nhà văn Di Li vừa ra mắt bạn đọc

Từ Tật xấu người Việt, cuộc trò chuyện, chia sẻ của các diễn giả đi vào mổ xẻ những tật xấu đã nhắc đến trong sách đồng thời soi chiếu vấn đề này theo quan điểm mỗi cá nhân. Diễn giả - nhà văn Nguyễn Một (tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài, trong đó nổi bật với tiểu thuyết Đất trời vần vũ đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010; tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín vừa đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023) đặt vấn đề phản biện ngay từ đầu rằng anh rất thích cách viết lôi cuốn của Di Li trong cuốn sách này, nhưng liệu có nên nói về tật xấu của người Việt hay không, vì theo anh bày tỏ "tôi thích viết về cái tốt hơn" và "vẫn có những khía cạnh tốt ở người xấu/ cái xấu".

Người dẫn chương trình, nhà báo - họa sĩ Đỗ Hương thừa nhận "xấu và tốt đôi khi là hai mặt của một vấn đề", chị cho biết rất thích "cách viết, văn phong thông tấn và dữ liệu của Di Li khi tác giả chỉ nêu hiện tượng, câu chuyện, không chê bai, bình luận, và từ đó độc giả sẽ tự nhìn nhận, rút ra những điều xấu tốt theo căn nguyên, gốc rễ văn hóa của người Việt".

Tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt cùng nhà văn Di Li- Ảnh 3.

Đạo diễn Aaron Toronto phát biểu tại tọa đàm

Hạ Minh

Với vai trò là một diễn giả trong chương trình, đạo diễn Aaron Toronto (từng đảm nhận vai trò phó đạo diễn, dựng phim, sản xuất, biên kịch cho nhiều bộ Việt và đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim; trong đó phim độc lập đầu tay Đêm tối rực rỡ đoạt giải Cánh diều vàng 2021) chia sẻ về những câu chuyện cụ thể mà anh chứng kiến khi sống ở VN 20 năm nay. Trong đó, đạo diễn Aaron Toronto nhắc đến việc người dân "vượt đèn đỏ" khi tham gia giao thông như một ví dụ về tật xấu.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh tham gia ý kiến với suy tư về một đặc tính của người Việt là "ít chịu thay đổi", theo anh đây là một rào cản của sự tiến bộ. Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng nhìn nhận rằng người Việt có đặc điểm "xấu thì thật xấu mà tốt thì thật tốt", và "tật xấu phản ánh nguồn gốc và nền tảng văn hóa của người dân".

Là một người bạn của nhà văn Di Li, đạo diễn Quang Hải cho biết anh rất thích tác phẩm mới Tật xấu người Việt của Di Li. "Theo tôi được biết, Di Li dành 15 năm nghiên cứu, tìm hiểu để viết cuốn sách này. Đây là một sự dũng cảm, vì đề tài dễ gây phản ứng, nhiều người sẽ cho là phản cảm. Với cuốn sách này, bên cạnh việc là một nhà văn, Di Li chứng tỏ chị còn là một nhà văn hóa. Trong thời đại ngày nay, các nhà văn, nhà báo cần có sự dũng cảm này", Quang Hải bày tỏ.

Tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt cùng nhà văn Di Li- Ảnh 4.

Tọa đàm về tật xấu và tính tốt người Việt cùng nhà văn Di Li- Ảnh 5.

Nhiều bạn đọc là các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ phát biểu trong buổi tọa đàm

Hạ Minh

Ngoài "tật xấu", các diễn giả cũng bàn luận về những phẩm chất tốt đẹp của người Việt như dễ thích nghi, linh hoạt, quan sát giỏi, tiếp thu nhanh, khéo tay, hào phóng, thân thiện, lạc quan, không nghiêm trọng hóa vấn đề, chịu đựng tốt, kiên cường, hy sinh, trắc ẩn, tôn sư trọng đạo, hay trả ơn, bình đẳng, không cực đoan về tôn giáo, chính trị…

Được biết, nhà văn Di Li, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là giảng viên PR, tiếng Anh, kỹ năng sống tại các trường đại học, là dịch giả, nhà báo, chuyên gia PR và người dẫn chương trình…, đang sinh sống tại Hà Nội. Chị đã có gần 30 đầu sách được phát hành nhiều thể loại, trong đó nhiều cuốn sách được bạn đọc nhắc đến như Trại hoa đỏ (tiểu thuyết trinh thám kinh dị, 2009), Nhật ký mùa hạ (2011), Cô đơn trên Everest (du ký, 2020), Chuyện nhỏ đàn bà (2022)… Cuốn sách mới nhất của chị là Tật xấu người Việt - nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại Tật xấu người Việt Tính tốt người Việt (chưa phát hành). Buổi tọa đàm từ cuốn sách của Di Li, mở rộng ra cũng là những chia sẻ vô cùng cần thiết về văn hóa của người Việt và mổ xẻ cái xấu chính là để xây dựng, hướng tới sự tốt đẹp, văn minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.