Tòa tối cao Nhật Bản tuyên vô tội đối với thực tập sinh Việt Nam bỏ con

24/03/2023 16:37 GMT+7

Tòa án Tối cao Nhật Bản ngày 24.3 ra phán quyết vô tội đối với Lê Thị Thùy Linh, thực tập sinh Việt Nam bị cáo buộc vứt bỏ thi thể hai con song sinh cách đây 3 năm.

Tòa tối cao Nhật Bản tuyên vô tội đối với thực tập sinh Việt Nam bỏ con - Ảnh 1.

Tòa án Tối cao Nhật Bản

CHỤP MÀN HÌNH ASAHI

Theo đài NHK, Lê Thị Thùy Linh, 24 tuổi, bị cáo buộc bỏ lại thi thể của cặp song sinh chết lưu trong thùng các tông tại nhà riêng ở thị trấn Ashikita, tỉnh Kumamoto, vào tháng 11.2020. Vào thời điểm đó, cô là người lao động theo chương trình đào tạo kỹ thuật của Nhật Bản (thường được gọi là thực tập sinh kỹ thuật).

Trước khi Tòa án Tối cao Nhật Bản đưa ra phán quyết ngày 24.3, hai tòa án cấp dưới đã kết luận người phụ nữ có tội. Tòa án sơ cấp ở Kumamoto đã tuyên án 8 tháng tù giam, 3 năm tù treo, nhưng tòa án cấp cao ở Fukuoka đã giảm án còn 3 tháng tù giam, 2 năm tù treo. Các luật sư của bị cáo đã kháng án tại Tòa án Tối cao Nhật Bản.

Trong phiên tòa tại Tòa án Tối cao Nhật Bản ngày 24.3, các công tố viên nói bị cáo đã đem giấu thi thể hai con để che đậy việc mang thai và sinh con. Họ cho rằng hành động này trái với đạo lý nói chung và tương đương với việc vứt bỏ thi thể, một tội hình sự theo luật pháp Nhật Bản.

Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho người phụ nữ cho rằng bị cáo không biết mình nên làm gì khi đang sống ở một quốc gia khác, nhưng cô đã quấn các thi thể bằng một chiếc khăn tắm và để lại một lá thư trong thùng các tông. Họ nói cô thực sự muốn tiễn hai con đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng, cũng không có ý định che giấu thi thể, nên hành động của cô không phải là vứt bỏ thi thể.

Tòa án Tối cao Nhật Bản đã đồng ý với lập luận của đội ngũ bào chữa, cho rằng hành động của người phụ nữ không phải là vứt bỏ thi thể, do đó hủy bỏ bản án của các tòa cấp dưới và tuyên cô trắng án.

Vụ việc đã làm sáng tỏ vấn đề các thực tập sinh kỹ thuật người nước ngoài tại Nhật buộc phải sinh con trong bí mật vì lo sợ bị đưa về nước hoặc mất việc làm. Một nhóm hỗ trợ cho các thực tập sinh kỹ thuật đã làm thỉnh nguyện thư yêu cầu tha bổng Linh và chiến dịch đã thu thập được hơn 95.000 chữ ký.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.