TP.HCM còn bao nhiêu điểm ngập?

26/06/2023 06:24 GMT+7

Chưa kịp vui mừng chào đón những cơn mưa mát mẻ xóa tan cái nóng oi bức, người dân TP.HCM đã lại "sầu" vì vừa qua mùa nắng lại đón mùa... ngập.

18, 66 hay bao nhiêu điểm ngập ?

Gần 19 giờ ngày 22.6, khu vực trung tâm TP.HCM bắt đầu nổi giông gió, sấm chớp. Đóng vội máy tính dù việc còn đang dang dở, anh Thanh Tuấn vội vàng thu dọn đồ đạc ở văn phòng từ Q.3, nửa đùa nửa thật nói với các đồng nghiệp: "Về nhanh còn kịp, cố thêm lát không thuê được xuồng mà về đâu. Mưa to thế này, chắc lụt tới bụng chứ chẳng chơi". Vốn nổi tiếng là "khu nhà giàu", P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, khu anh Tuấn ở không chỉ có những ngôi biệt thự ven sông siêu sang, những nhà hàng đẳng cấp nhất nhì TP, điểm đến của các khách du lịch hạng sang mà còn có "đặc sản"… ngập. Trong đó, các tuyến đường như Thảo Điền, Quốc Hương, Xuân Thủy, đường số 65 và hàng loạt các tuyến hẻm trên những con đường này đã hơn 10 năm qua phải chịu tình cảnh hễ mưa là ngập nặng.

TP.HCM còn bao nhiêu điểm ngập ? - Ảnh 1.

Đường Thảo Điền (TP.Thủ Đức) ngập sau mưa

Cao An Biên

Đúng như anh Tuấn dự đoán, chỉ khoảng nửa giờ sau khi trời bắt đầu đổ mưa to, "rốn ngập" Thảo Điền mênh mông nước. Hầu hết các tuyến đường, nước dâng quá nửa bánh xe, có một số đoạn lút luôn cả bánh. Một số nhà dân có nền cao hơn mặt đường hơn 50 cm nhưng vẫn bị nước tràn vào. Nhiều người đi xe máy qua đoạn ngập cao, xe chết máy phải bì bõm dắt bộ trong "biển" nước. Công nhân vệ sinh môi trường đã phải lội tới những cống thoát nước để vớt rác, mong nước rút nhanh hơn.

Cũng trên địa bàn TP.Thủ Đức, hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh (P.Bình Trưng Đông), Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội (P.Tăng Nhơn Phú B)… đều chung tình cảnh ngập sâu, người dân vật vã lội giữa làn nước mưa hòa lẫn nước cống hôi thối ứ lên từ các miệng cống thoát nước. Nhiều khu vực từ đường Phạm Hùng (Q.8) đến đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp)... mênh mông nước.

Tình trạng ngập diện rộng liên tục diễn ra từ khoảng cuối tháng 5, khi TP.HCM cùng khu vực Nam bộ chính thức bước vào mùa mưa. Trên các trang mạng xã hội, nhiều nhóm cư dân nhanh chóng truyền nhau cảnh báo mọi người những tuyến đường ngập, danh sách tổng hợp lên tới 66 điểm ngập trên địa bàn toàn TP. Các điểm ngập tập trung ở các trục đường chính, nơi có lượng phương tiện đi lại lớn, tràn vào tới các ngõ ngách, các đoạn đường có bề mặt thấp, không chừa quận, huyện nào.

Đáng nói, theo danh sách thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 18 tuyến đường ngập do mưa, trong đó giai đoạn 2 năm qua đã giải quyết được 5 tuyến đường gồm Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (Q.Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), đạt tỷ lệ 27,78% so với kế hoạch. Ngoài ra, 7 tuyến đường trục chính ngập do triều cũng đã được "hong khô".

Xem nhanh 20h ngày 25.6: Xe khách chạy giữa dòng lũ | Lại thêm sự cố nhiễu tín hiệu Smartkey

Dự án mới thì thiếu vốn, công trình cũ thì dang dở

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin: Hiện nay TP đang triển khai thực hiện các công trình giải quyết các điểm ngập do triều gồm dự án Giải quyết ngập do triều cho khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỉ). Khối lượng toàn dự án đã đạt 93,33%; Dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm) hiện đã đạt khối lượng 95%). Đây là 2 dự án trọng điểm trong mạng lưới công trình chống ngập được TP.HCM kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng khi sớm đưa vào vận hành thời gian tới.

Chú trọng tới mảng xanh, chú trọng không gian trữ và thoát nước không chỉ là giải pháp bền vững, hiệu quả hơn mà còn phù hợp với "túi tiền" của TP hơn so với việc lo tìm vốn, đổ tiền vào hàng loạt giải pháp công trình.


TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM)

Bên cạnh đó, dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) cũng đã khởi công ngày 23.2. Sau khi hoàn thành, dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh. Ngoài hiệu quả chống ngập được nâng cao, dự án còn giải quyết vấn đề ô nhiễm, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Kết hợp cùng các dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực

Tham Lương - Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai trong thời gian tới sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía tây và phía bắc TP.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đang thực hiện các thủ tục đề xuất đầu tư 5 dự án gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM, lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn; Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và 2 dự án cải tạo rạch Văn Thánh, kênh Hy Vọng. Mục tiêu giai đoạn tới của Sở Xây dựng còn có tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước, gồm 16 dự án.

"Để đạt hiệu quả trong công tác chống ngập và xử lý nước thải, hiện TP.HCM có 120 dự án để thực hiện từ nay đến 2025 với tổng kinh phí hơn 101.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn

2021 - 2025, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước chỉ dự kiến được TP giao gần 17.500 tỉ đồng, đạt 17,27% nhu cầu vốn. Chỉ riêng trong năm 2021 và 2022, TP bố trí chỉ hơn 6.715 tỉ đồng. Đây là một trong những khó khăn rất lớn trong việc chống ngập và xử lý nước thải mà TP đang gặp phải. Chưa kể, công tác mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực thoát nước, chống ngập hiện vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích các nguồn lực bên ngoài tham gia thực hiện", lãnh đạo Sở Xây dựng nêu.

Trong khi các dự án mới chưa có tiền để triển khai, dự án chống ngập 10.000 tỉ được kỳ vọng sẽ trở thành "vị cứu tinh" cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM vẫn phải nằm chờ gần 3 năm chưa thể "về đích" dù đã hoàn thành gần 100% khối lượng công việc do vướng thủ tục. Tương tự, dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 dự kiến thực hiện từ năm 2015 - 2020 nhưng quá trình thi công ì ạch, chậm trễ, đến nay mới đạt khoảng 60% khối lượng thi công.

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) đã nhiều lần nhấn mạnh TP phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cơ chế để nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới các dự án chống ngập theo đúng quy hoạch. Càng để lâu, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ bị giảm tác dụng vì TP.HCM đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hóa, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp... 

"Bên cạnh đó, phải thay đổi phương pháp, thay vì chỉ tập trung vào nhóm giải pháp ngăn chặn, chống ngập bằng cách không cho nước vào thông qua hệ thống đê, cống ngăn triều, cống thoát nước... thì cần kết hợp với nhóm "thích nghi" - quy hoạch mặt phủ thấm nước, xây dựng các hồ điều tiết. Trên địa bàn TP còn nhiều không gian có thể tận dụng được để thực hiện các giải pháp này", TS Hồ Long Phi nhấn mạnh. TS Hồ Long Phi khuyến nghị: "Chú trọng tới mảng xanh, chú trọng không gian trữ và thoát nước không chỉ là giải pháp bền vững, hiệu quả hơn mà còn phù hợp với "túi tiền" của TP hơn so với việc lo tìm vốn, đổ tiền vào hàng loạt giải pháp công trình". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.