TP.HCM: Nắng nóng oi bức, người lớn sốc nhiệt, trẻ nhỏ đổ bệnh

Lê Cầm
Lê Cầm
28/04/2023 04:00 GMT+7

Ghi nhận tại các bệnh viện, tỷ lệ người bệnh thăm khám và nhập viện liên quan thời tiết nắng nóng tăng đáng kể, nhất là trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh mạn tính.

Số bệnh nhi đến khám gia tăng, tập trung hô hấp, tiêu hóa

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) ghi nhận trong tháng 4.2023 số trẻ đến khám tăng đáng kể so với trước đó. Trung bình mỗi ngày có 600 trường hợp khám về bệnh lý hô hấp, 400 trường hợp về bệnh rối loạn tiêu hóa và 50 -100 trường hợp gặp vấn đề về nhiễm trùng da rôm sảy.

"Tỷ lệ trẻ nhập viện điều trị chiếm khoảng 5-10%, tại khoa hô hấp đang điều trị nội trú cho khoảng 100 bệnh nhi, 80 ca rối loạn tiêu hóa, 100 ca nội tổng hợp. Ngoài ra, có khoảng 30-50 trường hợp sốt xuất huyết, khoảng 10 trường hợp nặng phải thở máy, 2 trường hợp điều trị Covid-19", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết.

TP.HCM: Nắng nóng oi bức, người lớn sốc nhiệt, trẻ nhỏ đổ bệnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Lĩnh thăm khám hô hấp cho trẻ

LÊ CẦM

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), hơn 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 4.000 đến 4.400 lượt bệnh nhi tới khám bệnh, tăng khoảng 300-500 ca mỗi ngày so với cùng kỳ năm 2022.

"Trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và bệnh liên quan đến da. Tỷ lệ trẻ có triệu chứng nặng phải nhập viện dao động từ 8-10%. Trong đó các ca nhập viện chủ yếu tập trung hô hấp, tiêu hóa, các ca bệnh về da được điều trị ngoại trú", đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết.

Còn tại phòng khám Nhi, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh cho biết, số bệnh nhi đến khám tăng 30-60% so với tháng trước, tập trung vào bệnh hô hấp và tiêu hóa.

Theo bác sĩ Lĩnh, ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi hoặc sốt siêu vi khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến cho thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy làm cho các vấn đề tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là tiêu chảy cấp như viêm dạ dày ruột cấp trở nên nghiêm trọng hơn.

Người lớn sốc nhiệt, đổ bệnh do nắng nóng

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Công, Bệnh viện Quân y 175, cho biết nắng nóng gay gắt khiến không chỉ trẻ em mà người lớn cũng đổ bệnh.

"Tỷ lệ nhập viện liên quan thời tiết nắng nóng tăng đáng kể ở bệnh nhân nhi, người cao tuổi và một số người có bệnh lý mạn tính", bác sĩ Công chia sẻ.

TP.HCM: Nắng nóng oi bức, người lớn sốc nhiệt, trẻ nhỏ đổ bệnh - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Quân Y 175

LÊ CẦM

Cũng theo bác sĩ Công, thậm chí đã có ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiệt phải nhập viện cấp cứu và điều trị, liên quan đến lao động trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Những trường hợp này thường rất nặng với biểu hiện rối loạn ý thức cấp tính, thậm chí hôn mê và diễn biến tổn thương đa cơ quan nặng, cần phải điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu...

Trời nắng nóng cũng ảnh hưởng gián tiếp đến những người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như huyết áp, tim mạch hay bệnh lý thần kinh. Trời oi nóng khiến người bệnh dễ mất nước, mệt mỏi, thay đổi các thói quen sinh hoạt ăn uống, từ đó gây ảnh hưởng tới các bệnh lý nền sẵn có.

TP.HCM: Nắng nóng oi bức, người lớn sốc nhiệt, trẻ nhỏ đổ bệnh - Ảnh 3.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn

LÊ CẦM

Chú ý giữ cân bằng nhiệt độ, tránh ra ngoài giờ nắng

Bác sĩ Nguyễn Hải Công cho biết, nếu tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài, nhiều người có thể bị mất nước, đổ mồ hôi, bị sốc nhiệt. Do đó, người dân nên hạn chế ra đường trong những khung giờ nắng nóng cao điểm, giữ nhiệt độ trong nhà thoáng mát...

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nguyên nhân khiến số bệnh nhi gia tăng có thể do thời tiết thay đổi, nắng gắt oi bức khiến trẻ nhỏ khó thích nghi. "Do đó, phụ huynh cần giữ môi trường sống cân bằng, tránh trường hợp cho trẻ đang ở trong phòng điều hòa mát lạnh sau đó chạy ra trời nắng nóng đột ngột", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Ngoài ra, bác sĩ Lĩnh cho biết, để phòng ngừa bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng, ba mẹ nên hướng dẫn trẻ hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng và rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi ăn; hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh và tiêm phòng vắc xin cho trẻ đầy đủ. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần chú ý sử dụng nước và thực phẩm an toàn, bảo quản thức ăn cho trẻ để tránh các bệnh về đường tiêu hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.