TP.HCM thu hơn 234.000 tỉ đồng từ đất đai trong 7 năm

29/07/2023 12:24 GMT+7

Nguồn thu từ đất đai của TP.HCM giai đoạn 2014 - 2020 hơn 234.300 tỉ đồng từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập, phí và lệ phí.

Sáng 29.7, Sở TN-MT TP.HCM tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (18.7.2003 - 18.7.2023), đến dự có Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Điểm lại những dấu mốc quan trọng của ngành tài nguyên môi trường, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Trong đó, công tác quản lý đất đai ngày càng tiến bộ; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sát thực tiễn, từng bước cải thiện về tiến độ. Đất đai được đưa vào sử dụng hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu phát triển, thông qua việc phân bổ quỹ đất hợp lý.

Từ năm 2003 đến nay, Sở TN-MT TP.HCM thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.670 dự án, với tổng diện tích 17.856 ha, trong đó có 835 dự án nhà ở, 944 dự án sản xuất kinh doanh và 859 dự án phúc lợi công cộng.

TP.HCM thu hơn 234.000 tỉ đồng từ đất đai trong 7 năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập sở

SỸ ĐÔNG

Kết quả này đã có những đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Nhiều dự án, công trình công cộng được thực hiện và hoàn thành đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Qua thống kê, nguồn thu từ đất đai của TP.HCM giai đoạn 2014 - 2020 hơn 234.300 tỉ đồng từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, phí và lệ phí.

Từ tháng 9.2015 đến nay, Sở TN-MT đã trình ban hành 500 hồ sơ xác định giá phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Sở cũng có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, đã trình ban hành 320 quyết định phê duyệt. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã trình thông qua 20 hồ sơ xác định giá đất cụ thể với số tiền thu hơn 5.400 tỉ đồng.

Tập trung hoàn thiện các quy hoạch

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận và biểu dương những kết quả quan trọng của Sở TN-MT TP.HCM trong 20 năm qua. Gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TN-MT đề nghị TP.HCM sớm hoàn thành Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), tập trung hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính bền vững và phù hợp với nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và tài nguyên môi trường; cung cấp dịch vụ công trực tuyến thường xuyên, là cơ sở để dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường minh bạch, công khai.

TP.HCM thu hơn 234.000 tỉ đồng từ đất đai trong 7 năm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề nghị TP.HCM tập trung hoàn thiện các quy hoạch

NGỌC DƯƠNG

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Khánh nhấn mạnh môi trường là một trong 3 trụ cột của của phát triển bền vững nên Sở TN-MT tham mưu cho TP.HCM quan tâm hơn nữa về lĩnh vực này. TP.HCM cũng cần tập trung nguồn lực đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và có khả năng đáp ứng thu hồi năng lượng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng đề nghị quan tâm đến nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí khậu, quản lý tài nguyên nước, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị lớn…

Đề xuất thu tiền sử dụng đất làm nhiều lần để doanh nghiệp dễ thở

Phấn đấu chấm dứt chôn lấp rác vào năm 2025

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở TN-MT tập trung tham mưu cho thành phố quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên. Trong đó, tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; đẩy nhanh công tác định giá đất để thúc đẩy các dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực ngành, nhất là các thủ tục hành chính theo hướng dễ tiếp cận, dễ thực hiện; không để phát sinh dư luận, tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 

"Đặc biệt, Sở TN-MT phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và bảo vệ môi trường bởi đây là vấn đề quan trọng, vừa có tính chất cấp bách, vừa có tính chất lâu dài", ông Mãi nhấn mạnh.

TP.HCM thu hơn 234.000 tỉ đồng từ đất đai trong 7 năm - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đặt mục tiêu chấm dứt xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp vào năm 2025

SỸ ĐÔNG

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị tập trung tháo gỡ các dự án tồn đọng để thúc đẩy thị trường bất động sản, trong đó quan tâm công tác xác định nghĩa vụ tài chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và người dân.

Liên quan đến công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý Sở TN-MT đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng sạch. TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt xử lý rác bằng chôn lấp, chuyển sang các hình thức hiện đại như đốt rác phát điện.

TP.HCM thu hơn 234.000 tỉ đồng từ đất đai trong 7 năm - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Toàn Thắng vinh dự nhận bằng khen của thủ tướng do Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đại diện trao tặng

SỸ ĐÔNG

Dịp này, Sở TN-MT vinh dự nhận cờ truyền thống của UBND TP.HCM vì có thành tích xuất sắc nhiều năm. Giám đốc Sở TN-MT vinh dự nhận bằng khen của thủ tướng. Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tăng cường thông qua việc tham mưu xây dựng nhiều cơ chế chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra.

Tình hình ô nhiễm đã được kiểm soát và cải thiện, công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các loại tài nguyên nước, khoáng sản được quản lý ngày càng chặt chẽ; công tác quản lý khí tượng thủy văn của thành phố vào khuôn khổ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.