TP.HCM thúc tiến độ 38 dự án trọng điểm

19/04/2023 05:09 GMT+7

Dự kiến ngày mai 20.4, các tổ công tác giám sát công trình trọng điểm của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM bắt đầu kiểm tra thực địa dự án.

THÚC ĐẨY VÀ THÁO GỠ

Hoạt động này nằm trong kế hoạch tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy TP.HCM đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

TP.HCM thúc tiến độ 38 dự án trọng điểm - Ảnh 1.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM) đang gặp vướng mắc về di dời hạ tầng kỹ thuật

Nhật Thịnh

Năm nay, TP.HCM đã phân bổ vốn hơn 43.400 tỉ đồng và đặt mục tiêu giải ngân trên 95%. BTV Thành ủy TP.HCM thành lập 13 tổ công tác để kiểm tra 38 công trình trọng điểm. Các nội dung kiểm tra chủ yếu về tình hình bố trí vốn đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung, kết quả giải ngân, công tác bồi thường, di dời bàn giao mặt bằng và những vướng mắc cần tháo gỡ.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 của HĐND TP.HCM hôm qua 18.4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết năm nay vốn đầu tư công lớn nên BTV Thành ủy đi thực tế "để thấy anh em làm như thế nào, đang gặp vướng mắc gì để tháo gỡ, không để mọi việc cứ đè xuống khiến anh em đuối sức".

Thông qua việc kiểm tra, tổ công tác ghi nhận các đơn vị có làm đúng nhiệm vụ được giao hay không để chia sẻ, uốn nắn, nếu đến mức xử lý thì phải xử lý. "Mình gần gũi để thấu hiểu khó khăn", ông Nên nói thêm, đồng thời nhìn nhận tình trạng quá tải hiện nay là có thật, do khối lượng công việc lớn. Dù vậy, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh các tổ công tác "không đi để làm thay, cũng không làm thêm mà đi để làm phụ, hỗ trợ chia sẻ, thúc đẩy và tháo gỡ".

Theo danh sách phân công, Bí thư Thành ủy TP.HCM kiểm tra 3 công trình trọng điểm gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỉ đồng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 2.

Lý giải việc chọn 3 công trình này, ông Nên cho biết đây là những công trình lớn, khó khăn nhất. Khi đi kiểm tra, tổ công tác giám sát sẽ mời thêm các sở, ngành, đơn vị liên quan, như dự án chống ngập do triều sẽ mời thêm cơ quan kiểm toán. "Thay vì làm xong mới đi thì bây giờ mình đi trước, vừa động viên vừa thấy được khó khăn để tháo gỡ", ông Nên chia sẻ.

Theo kế hoạch, Thường trực Thành ủy TP.HCM kiểm tra các dự án lớn hoặc đang gặp nhiều vướng mắc, kéo dài như: 4 tuyến đường chính, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao thông An Phú, mở rộng xa lộ Hà Nội, rạch Xuyên Tâm, Vành đai 3, mở rộng QL50, cụm y tế Tân Kiên, tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Dương Quảng Hàm…

ĐƯA GIÁ BỒI THƯỜNG SÁT GIÁ THỊ TRƯỜNG

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu rất khó vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Vừa rồi, TP.HCM đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để đưa giá bồi thường tiệm cận giá thị trường. Theo ông Mãi, nếu giá bồi thường bằng giá mua bán trên thị trường thì công tác bồi thường rất thuận lợi. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đơn giá bồi thường chưa bằng giá thị trường. Bên cạnh đó, thời gian lập dự án dài có khi cả năm nên đến khi bồi thường thì giá thị trường thay đổi với giá được duyệt.

Ông Mãi cho biết trong 3 tổ công tác giải ngân đầu tư công thì tổ công tác GPMB họp định kỳ 1 - 2 tuần/lần làm việc với các quận, huyện để rà soát thủ tục, các vấn đề phát sinh, đồng thời cấp ủy vào cuộc vận động người dân chia sẻ vì lợi ích chung.

Trong 38 dự án trọng điểm, Q.Gò Vấp có 3 dự án gồm: mở rộng đường Dương Quảng Hàm, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cải tạo rạch Xuyên Tâm ảnh hưởng đến 544 hộ dân và tổ chức.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết Quận ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo hệ thống chính trị, UBND quận phân công trách nhiệm cụ thể từng phòng, ban và tổ chức họp giao ban định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và chủ đầu tư.

Trong đó, Ban Bồi thường, GPMB phải phối hợp chặt chẽ các phường nơi có đất thu hồi, đẩy mạnh vận động, phổ biến chính sách bồi thường cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới người dân. Quy trình bồi thường đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại để giảm thiểu thắc mắc, khiếu kiện. Đơn giá bồi thường nhà ở, công trình, cây trồng thực hiện đúng quy định, đồng thời kiến nghị cho sát thực tế hơn nhằm tạo sự đồng thuận cao. "Quận cũng tiếp nhận, phân loại, xác minh làm rõ các kiến nghị và giải quyết có tình, có lý, không để dây dưa kéo dài, kịp thời bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án", ông Ngọc Anh nói thêm.

Hiện tiến độ bồi thường 3 dự án này đang bám theo kế hoạch, trong đó đường Dương Quảng Hàm trên 95%, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khoảng 50% và sẽ hoàn tất bồi thường vào cuối năm, còn dự án rạch Xuyên Tâm hiện đạt khoảng 40%, dự kiến hoàn tất trong tháng 8.2023.

TP.HCM thông qua nhiều dự án cấp bách

Ngày 18.4, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp thứ 9 để thảo luận, xem xét thông qua 16 tờ trình về đầu tư công và nhiều dự án như giao thông,

y tế, văn hóa.

Trong đó, quan trọng nhất là việc HĐND TP.HCM thông qua việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hơn 8.800 tỉ đồng từ nguồn dự phòng cân đối ngân sách TP.HCM. Đồng thời bổ sung gần 19.500 tỉ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí cho 2 dự án thành phần đường Vành đai 3. Nguồn vốn này nằm ngoài 142.557 tỉ đồng đã được Thủ tướng giao hồi tháng 9.2021.

Kỳ họp cũng thông qua việc điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư công năm 2023 với mức tăng gần 26.700 tỉ đồng. Việc nâng trần trung hạn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giúp UBND TP.HCM phân bổ vốn cho các dự án ngay từ những tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Các đại biểu cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã với tổng mức đầu tư 296 tỉ đồng, nhằm nâng cao cơ sở vật chất y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

Ở lĩnh vực giao thông, 2 dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 với tổng vốn hơn 244 tỉ đồng, mở rộng đường Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận) tổng vốn hơn 95 tỉ đồng và nâng cấp đường Cao Lỗ (Q.8) hơn 395 tỉ đồng cũng được thông qua chủ trương đầu tư.

Ở lĩnh vực văn hóa có các dự án tu bổ, phục dựng một số di tích lịch sử cấp quốc gia như di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân VN cạnh Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn; khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh; khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giai đoạn 3. Ngoài ra còn có một số dự án khác như nâng cấp, cải tạo Nghĩa trang liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân; chống ngập khu Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè; xây mới Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.