Khai sinh cho con... người khác

12/10/2005 22:38 GMT+7

“Khi nào con được đi học hả chú? Các bạn con đi học quá trời!". Đó là lời của một bé trai ở quận 7 TP.HCM, ngước đôi mắt ngây thơ rớm nước mắt hỏi các bạn sinh viên (SV) lớp Hình sự 27A, trường ĐH Luật, TP.HCM - em không được đến trường vì chưa có giấy khai sinh...

Con ruột... thành con nuôi

Đó là mẩu đối thoại của em L.H ở xóm Miên, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM muốn có tờ khai sinh để nhập học. Khi hỏi, được biết bố mẹ L.H sau thời gian sinh sống như vợ chồng mà không có hôn thú, sau khi sinh em ra, người mẹ bỏ đi để lại H. với ba đến nay đã 7 năm. Do cuộc sống khó khăn, một mình gồng gánh nuôi con nên người cha không để ý đến việc làm giấy khai sinh cho con. Đến khi L.H đủ tuổi cắp sách đến trường thì người cha mới biết mình không có giấy tờ gì để chứng minh là cha của H., kể cả tờ chứng sinh cũng không. Nhóm bạn SV trường Luật đã tìm mọi cách giúp anh làm giấy khai sinh cho H. "Cứ tưởng rằng bọn em bỏ cuộc vì hỏi giấy tờ gì anh ấy cũng không có hoặc không biết. Bọn em bắt đầu từ con số 0. Để làm được giấy khai sinh cho cháu, em phải chở anh ấy đi khắp nơi để làm từ tờ giấy chứng sinh. Nếu anh ấy là... phụ nữ thì mọi chuyện sẽ rất đơn giản, đứa trẻ có thể khai sinh theo họ mẹ. Đằng này... Để làm được giấy khai sinh thì anh ấy buộc phải nhận con ruột của mình làm... con nuôi" - Trúc Nhi kể lại trường hợp khiến Nhi day dứt mãi.

Có được tờ giấy khai sinh cho con đi học dù rằng phải nhận con ruột là con nuôi, vẫn là một sự "may mắn". Đa số cha mẹ của trẻ em trên địa bàn TP.HCM chưa có giấy khai sinh là người dân ngoại tỉnh, nhận thức còn thấp và gia cảnh phức tạp. Chưa có giấy khai sinh, các em này sẽ gặp nhiều khó khăn khi xin học, kéo theo đó là nhiều vấn đề khác nữa. Bạn Hữu Duyên tâm sự: "Có cọ xát với công việc mới thấy nhiều cảnh ngộ xót xa. Một em quê ở tỉnh Bình Dương, bọn mình phải dành nguyên ngày phóng xe xuống đó tìm cha của em hiện đang sống tại nhà dưỡng lão để hỏi em sinh ra ở đâu, mẹ là ai… Nhưng người cha cũng không giữ giấy tờ gì, cũng không nhớ được gì cả. Ngày đó coi như công dã tràng! Hay trường hợp bạn Nguyễn Thị Khanh, hiện giúp việc cho một gia đình dưới Thủ Đức. Đường hẻm ngoằn ngoèo, chỉ mỗi việc tìm tới nhà bạn đó bọn em cũng mất suốt buổi sáng tới tận 2 giờ chiều. Giấy tờ của bạn cũng không có gì. Đến giờ bạn vẫn gọi điện giục hoài nhưng mình lực bất tòng tâm". Lần mò ngõ ngách tìm nhà các em, chở các em đến bệnh viện nơi  sinh các em để trích lục hồ sơ, đi gặp cảnh sát khu vực, lên ủy ban phường... Riêng khoản tiền điện thoại, tiền xăng cũng khiến cánh SV... chóng mặt.

1 tháng - 40 hồ sơ


Quỳnh Anh, Hữu Duyên, Trúc Nhi: "Sau này phải làm khai sinh cho con thì tụi mình rành lắm!"

Với một gia đình bình thường, việc làm giấy khai sinh cho con rất đơn giản. Nhưng những trường hợp mà Hữu Duyên và các bạn cần phải làm thì không dễ chút nào. "Đầu tiên, nhận danh sách từ Thành đoàn, bọn mình phải tìm tới nhà các em để tìm hiểu nhân thân, sàng lọc ra những trường hợp khả thi thì sẽ làm ngay, trường hợp khó hoặc không khả thi thì mình bổ sung hồ sơ bằng cách làm văn bản gửi về những nơi liên quan. Nhiều khi công văn trả lời đến chậm, bọn mình nóng như lửa đốt". Ví như trường hợp của anh Lâm Na R. ở phường Bình Hưng Hòa: không hôn thú, mất chứng minh nhân dân, có hộ khẩu nhưng lại bị công an khu vực tạm giữ để điều tra trong gia đình có người thân là tội phạm. Đứa con của anh đã quá tuổi đến trường, muốn làm giấy khai sinh cho đứa bé bắt buộc phải mang hộ khẩu đến. Các bạn phải tìm công an khu vực để mượn lại hộ khẩu. Trong khi đó, công việc của công an khu vực rất "lưu động", gọi điện hẹn mãi mới gặp được.

Kỳ công là thế, nhưng không phải trường hợp nào cũng giải quyết được. Hầu hết hồ sơ của các em đều thiếu so với quy định chung nên việc giải quyết phụ thuộc rất nhiều vào sự linh động của UBND phường. Duyên kể với vẻ buồn xo: "Hàng trăm trường hợp cần làm giấy khai sinh nhưng sau 1 tháng, bọn em chỉ làm được chừng 40 hồ sơ. Giá mà các phường đều có biện pháp khoa học,  linh động giúp đỡ thì thêm được bao nhiêu em có thể đến trường...”.

Con số 40 nghe qua thật nhỏ bé nhưng để có được nó, các bạn đã phải dồn bao tâm huyết, mồ hôi và cả tiền bạc từ cái túi vốn "hẻo" của SV. Thế nhưng mỗi khi nhận được điện thoại của các bậc cha mẹ trẻ báo tin con đã được đến trường, Hữu Duyên, Quỳnh Anh, Trúc Nhi... và các bạn lớp Hình sự 27A cảm thấy công sức mình bỏ ra đã không hề uổng phí.

Phương Nguyên - Nguyên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.