Nuôi gấu trong nhà: Hiểm họa thường trực

17/10/2005 09:59 GMT+7

Theo thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM hiện có gần 500 gấu nuôi trên tổng số 4.000 gấu nuôi cả nước. Ngoài mục đích phục vụ tham quan tại các điểm du lịch, vui chơi... thời gian gần đây, nuôi gấu đang trở thành “mốt” của nhiều người dân thành phố, vừa làm kiểng, vừa lấy mật phục vụ chữa bệnh, pha rượu để uống. Tuy nhiên mối nguy hiểm từ loài động vật hoang dã này đang đặt ra một câu hỏi, liệu có nên để tồn tại kiểu nuôi trong hộ gia đình hay không?

Tai họa nhãn tiền
 
Một tuần sau ngày cặp gấu xổng chuồng tấn công làm 1 người chết, 1 người bị thương tại nhà số A/47 quốc lộ 1A phường Linh Trung, quận Thủ Đức, tiếp chúng tôi, bà Bùi Thị Lệ Mai - vợ của nạn nhân Trần Hoàng Lộc vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cái ngày định mệnh ấy. Bà Mai cho biết hai con gấu được gia đình bà chăm sóc, nuôi dưỡng từ nhỏ.

Tính đến ngày chúng trở chứng vồ chết chồng bà, hai con gấu này đã được nuôi dưỡng 8 năm. Bà Mai chua chát kể: “Ông xã tôi vẫn thường xuyên tắm rửa cho chúng, chăm sóc chúng như con, vậy mà ai ngờ lại có kết cục bi thảm như vậy…”. Được biết hai con gấu ngựa này được ông Lộc vừa nuôi làm kiểng vừa để lấy mật, đã có người trả 300 triệu đồng nhưng ông không bán.

Ông Phan Huy Ích - cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, trước đó vài tháng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã tiến hành gắn chip điện tử, lập hồ sơ quản lý hai con gấu này đồng thời khuyến cáo người nhà ông Lộc nên cẩn thận trong việc chăm sóc chúng. Việc ông Lộc bị gấu vồ chết là do ông quá chủ quan khi vào tận chuồng để tắm rửa cho gấu. “Đối với động vật hoang dã, ngoài việc phải có chuồng trại kiên cố, người nuôi phải luôn giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với chúng” - ông Ích nói.

Trên địa bàn thành phố, đây không phải là sự cố đầu tiên của những người nuôi gấu. Trước đó, vào tháng 9/2003, bà Kiều Thị Phương, người làm công cho câu lạc bộ Quê Hương ở huyện Bình Chánh TP.HCM đã là nạn nhân của gấu nuôi. Trong khi tắm cho gấu, do sơ ý đã để gấu thò tay ra ngoài bẻ gãy tay của bà Phương. Sau vụ việc này, dư luận, báo chí đã có thông tin cảnh báo, tuy nhiên những vụ việc đáng tiếc và nghiêm trọng hơn vẫn xảy ra.

Chấp nhận…“sống chung với gấu”

Bác sĩ thú y Trần Đăng Trung, Đội trưởng Đội động vật Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thảm họa từ việc nuôi nhốt gấu trong gia đình. Vì hầu hết người nuôi gấu không có kiến thức, không nắm bắt được tâm sinh lý của gấu nên thường “chọc” vào các điều tối kỵ của gấu. Gấu thường không chịu những va chạm mạnh vào cơ thể. Một vòi nước với áp lực mạnh để xịt tắm gấu cũng rất dễ làm cho gấu trở nên hung hãn. Gấu không dễ thân thiện như mọi người lầm tưởng. Càng không thể đùa với gấu như đùa với chó, mèo; không nên có thái độ vuốt ve sờ sẫm chúng…

Cuối tuần qua, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận một số hộ nuôi gấu trong nhà. Theo ghi nhận thì đa phần đều rất khá giả bởi chi phí mua gấu con, nuôi nấng, chăm sóc hàng ngày không phải nhỏ. Có người cho biết một con gấu có thể cần đến vài lít mật ong/tuần. Đó là chưa kể tiền chuồng trại, lên đến vài chục triệu đồng/chuồng.

Nhưng dù chuồng trại kiên cố cỡ nào thì hầu hết các chủ nuôi gấu đều cho biết họ cảm thấy rất lo lắng sau vụ gấu xổng chuồng ở Thủ Đức. Có người đã đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM xin thôi không nuôi 2 con gấu ngựa (đã được gắn chíp điện tử quản lý).

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng họ phải “liều” vì cần có loại mật gấu tốt, chất lượng để chữa bệnh cho người nhà. Bà Võ Thị Hải, chủ nhân của 4 con gấu nuôi trong nhà ở quận Phú Nhuận là một người trong số đó. “Phải luôn cẩn thận, chỉ tính riêng chi phí làm lồng sắt, hố ga cho 4 con gấu này đã mất trên 60 triệu đồng. Tắm rửa cho gấu tuyệt nhiên không đến gần mà chỉ đứng từ xa xịt nước” - bà Hải nói.

Còn anh Vinh, người đã có thâm niên gần 5 năm trực tiếp chăm sóc chú gấu của gia đình ông Khôi trên đường Hoàng Văn Thụ quận Phú Nhuận cho biết chưa một lần anh dám lại gần vuốt ve gấu. “Có trời mới biết nó nổi khùng lúc nào, tốt nhất cứ phải cẩn thận. Chuồng trại cũng vậy, phải có khoảng cách an toàn để tránh trường hợp mấy đứa nhỏ trong nhà bị tai nạn”.

Cũng vì sợ mà mới đây bà N.T.H. ngụ ở phường Thảo Điền quận 2 TP.HCM đã phải đến trình báo để được gắn chip điện tử cho con gấu nuôi của mình sau một thời gian nuôi gấu “chui” không trình báo…

Không chỉ những người trong các gia đình có nuôi gấu lo sợ mà nhiều người dân sống xung quanh cũng lo lắng, bất an không kém. Tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân ở tổ 25 phường 11 đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp tỏ ra khá bức xúc, lo ngại về sự nguy hiểm khi tại khu vực này, một hộ gia đình đang nuôi nhốt đến 10 con gấu cỡ lớn để lấy mật kinh doanh.

Theo tìm hiểu, cách đây không lâu, hộ gia đình này đã bị người dân tố cáo về việc nuôi gấu “chui”, lực lượng Kiểm lâm TP.HCM đã kiểm tra, ra quyết định tịch thu 9 con gấu nuôi trái phép. Nhưng hiện nay, hộ này vẫn đang tiếp tục nuôi đến 10 con gấu.

Chưa có quy chuẩn về chuồng trại

Các lực lượng chức năng khám nghiệm hai con gấu nuôi bị bắn chết ngày 7/10 tại quán ăn Song Hào quận Thủ Đức

Theo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, sau 4 tháng triển khai việc gắn chip điện tử quản lý gấu nuôi nhốt trên địa bàn, đã có 466 con gấu được gắn chip, lập hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, chip điện tử chỉ nhằm mục đích quản lý chứ không phải như nhiều người vẫn nghĩ là “khi gấu nổi cơn thì Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã sẽ biết”. Việc quản lý thú hoang dã mà đặc biệt là gấu tùy thuộc vào chuồng trại của mỗi hộ gia đình.

Điều đáng lo theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM Nguyễn Đình Cương là hiện chưa có văn bản nào của ngành chức năng quy định cụ thể về việc xây dựng chuồng trại nuôi nhốt đối với động vật hoang dã. Hoặc có quy định nhưng chỉ mang tính khuyến cáo kiểu như phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, phải có phương án quản lý, khống chế thú vật trong trường hợp xảy ra sự cố… Việc kiểm tra chuồng trại nuôi nhốt động vật hoang dã trong dân của lực lượng kiểm lâm cũng chỉ dừng ở mức độ đánh giá bằng cảm quan, kinh nghiệm là chính và đưa ra khuyến cáo về độ nguy hiểm.

Trước những mối nguy hiểm về việc nuôi nhốt gấu trong dân, đầu năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định về quản lý gấu nuôi nhốt. Theo đó, tất cả các chủ nuôi gấu phải có trách nhiệm đăng ký, đánh dấu bằng thiết bị điện tử (chip điện tử) và lập hồ sơ quản lý.

“Việc gắn chíp không có nghĩa là nhà nước công nhận sự hợp pháp của chủ hộ nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp, mà chỉ nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi” - ông Cương cho biết. Như vậy theo qui định này, chủ nuôi gấu hiện hữu có trách nhiệm tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng gấu cho đến hết đời của nó mà không được nuôi mới.

Tuy nhiên, với những mối nguy hiểm từ việc nuôi nhốt động vật hoang dã đã đến lúc nên trả chúng về rừng, các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, Thảo cầm viên…

Theo Nguyễn Vinh
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.