"Phim Kính vạn hoa đã hồn nhiên hơn"

04/11/2005 21:52 GMT+7

Bộ phim truyền hình nhiều tập Kính vạn hoa (đạo diễn Nguyễn Minh Chung) phát sóng lần đầu tiên trên HTV9 hè vừa qua đã được khán giả nhỏ tuổi đón nhận nồng nhiệt. Theo yêu cầu của các em, HTV9 đã phát sóng lại bộ phim này vào cuối tháng 10. Lần đầu tiên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (ảnh) thổ lộ suy nghĩ về bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học của mình.

* Thưa anh, có vài tác phẩm của anh đã được chuyển thể thành phim như Nữ sinh, Bong bóng lên trời, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối... nhưng trong một lần giao lưu trực tuyến với độc giả trên mạng, anh có nói là anh không hài lòng lắm với những bộ phim đó... Vậy lần này, anh có cảm giác như thế nào khi xem bộ phim Kính vạn hoa?

- Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng phim thiếu nhi Việt Nam và phim thiếu nhi nước ngoài đang có một khoảng cách đáng kể, mà sự khác biệt căn bản nằm ở chất hồn nhiên. Phim của ta không hiểu sao cứ giống kịch, từ diễn xuất đến cách thoại. So với các phim trước đây dựng từ tác phẩm của tôi, Kính vạn hoa của đạo diễn Nguyễn Minh Chung đã khắc phục được khá tốt điểm yếu này, có lẽ do anh đã có nhiều kinh nghiệm khi làm loạt phim về chuyện cổ tích, phần khác tôi nghĩ cái "tạng" của Minh Chung rất hợp với trẻ em. Trong 10 tập phim Kính vạn hoa vừa qua, vài tập đầu các em diễn xuất còn hơi gượng nhưng khi đã nhập vai, rõ ràng các em đã diễn tốt hơn ở những tập sau, càng xem càng thấy dễ chịu.

* Theo dõi qua 10 tập phim, anh thấy bộ ba nhân vật Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh của đạo diễn Minh Chung có thay đổi gì so với Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh của Nguyễn Nhật Ánh?


Cảnh trong phim Kính vạn hoa. ảnh: N.A
- Văn chương và điện ảnh là hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Chuyển thể điện ảnh một tác phẩm văn chương là biến các hình ảnh trừu tượng thành các hình ảnh cụ thể, nên chắc chắn Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh trên phim không thể giống hoàn toàn với nhân vật trong truyện. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, cho phép độc giả có một biên độ tưởng tượng rất rộng. Có một triệu người đọc là có một triệu Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh khác nhau. Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh trên phim dĩ nhiên là Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh của Nguyễn Minh Chung. Tôi có Quý ròm,  Tiểu Long và Hạnh của tôi. Và độc giả có những Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh của họ. Trước một tác phẩm văn chương, quyền tưởng tượng là bình đẳng. Do đó, tôi nghĩ cũng không cần phải so sánh những hình ảnh trong đầu của nhà văn và trong phim của đạo diễn. Thái độ tiếp nhận của khán giả Kính vạn hoa là điều quan trọng hơn.

* Thế nếu dưới góc độ một độc giả và khán giả của Kính vạn hoa, anh vẫn có thể nói lên sự khác biệt căn bản nhất giữa phim và truyện chứ?

- Phim Kính vạn hoa có một số lỗi thuộc về chi tiết. Nhưng trong điều kiện phải quay 10 tập phim trong 3 tháng (trước khi các diễn viên nhập học), những sai sót như vậy cũng khó tránh. Nhưng phim chiếu trên ti vi, được các em háo hức chờ đón như vậy, theo tôi là thành công. Nếu phải có nhận xét điều gì đó thì tôi thấy phim Kính vạn hoa làm bật được sự hồn nhiên, vui nhộn nhưng những đoạn cảm động thì chưa đạt lắm. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung xử lý rất tốt những "nốt bổng" nhưng có lẽ anh vẫn còn gặp khó khăn ở những "nốt trầm".

* Vừa qua, một sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài Thế giới trẻ thơ qua cách nhìn của Nguyễn Nhật Ánh trong bộ truyện Kính vạn hoa, anh có nghĩ đó là một thành công của bộ truyện này?

- Thước đo thành công của một tác phẩm văn chương nằm chủ yếu ở sự đón nhận của độc giả. Đó mới là cái đích của một nhà văn hướng tới. Nhưng nếu các chuyên ngành ở bậc đại học, có người nghiên cứu, phân tích về bộ truyện này để tìm ra một điều gì đó có ích cho tác giả và cho lãnh vực sáng tác cho thiếu nhi nói chung thì đó là một niềm vui lớn đốái với tôi.    

Thủy Linh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.