Giao dịch trái phiếu tăng đột biến

09/12/2008 23:25 GMT+7

Phiên giao dịch ngày 8.12, lượng trái phiếu (TP) giao dịch trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội tăng đột biến khi có hơn 56,97 triệu TP được giao dịch với tổng trị giá đạt hơn 5.927,7 tỉ đồng. Lượng giao dịch này tăng gấp 7 lần so với phiên cuối tuần trước đó.

Ai mua trái phiếu?

Lượng giao dịch TP tại TTGDCK Hà Nội luôn sôi động trong những phiên gần đây, đặc biệt từ đầu tháng 12 đến nay. Ngày 4.12, khối lượng giao dịch đạt 31,82 triệu TP với tổng trị giá hơn 3.330,48 tỉ đồng. Ngày 9.12, có 26,27 triệu TP được giao dịch với tổng trị giá 2.728,15 tỉ đồng. Trong khi trước đó, lượng giao dịch TP ở nhiều phiên của tháng 11 chỉ xoay quanh mức dưới 1.000 tỉ đồng.

Lượng giao dịch tăng đột biến ngày 8.12 vừa qua đã làm ngạc nhiên khá nhiều nhà đầu tư và những người quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn giữ lượng mua và bán TP như những phiên trước. Cụ thể ngày 8.12, NĐTNN chỉ mua vào 2,17 triệu TP với tổng trị giá 213,47 tỉ đồng và bán ra 2,55 triệu TP với tổng trị giá 232,92 tỉ đồng. Như vậy, khối lượng giao dịch TP tăng đột biến diễn ra với sự tham gia chủ yếu của nhà đầu tư trong nước. 

Theo nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí, việc các tổ chức mua TP nhiều trong thời điểm này chứng tỏ nguồn tiền nhàn rỗi không có chỗ để đầu tư. Hơn nữa, đầu tư vào TP khá an toàn trong lúc các kênh đầu tư khác có nhiều biến động và mức độ rủi ro khá lớn. Đặc biệt, trong số nhà đầu tư tham gia thị trường TP, ông Lê Đạt Chí cho rằng sự góp mặt của các ngân hàng thương mại trong nước không phải là ít.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính ngân hàng trường ĐH Mở TP.HCM phân tích: Nếu lấy ví dụ mã trái phiếu QH71203 được giao dịch ngày 9.12 có kỳ hạn 5 năm, lãi suất coupon là 8,40%, lợi suất là 7,00% và giá giao dịch là 104.779 đồng thì tính ra mức lãi suất của TP này được hưởng trong năm 2009 là 8,4% x 100.000 (mệnh giá TP)/104.779 = 8,02%. Trong khi đó, lãi trái phiếu không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 25%) thì lãi suất các nhà đầu tư thực nhận sẽ lên đến 10,7%. Đây là mức lãi suất có thể chấp nhận được đối với các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng vì tính an toàn của TP khá cao, chi phí đầu tư không đáng kể. Trong khi với việc đầu tư vào cổ phiếu hay cho vay tín dụng thì hiện nay tính rủi ro sẽ cao hơn cũng như chi phí lại nhiều hơn.

Điều này cho thấy nguồn tiền lưu thông đưa vào sản xuất hiện nay chưa nhiều. Hơn nữa, thị trường cổ phiếu vắng bóng các nhà đầu tư tổ chức thì sẽ chưa có dấu hiệu cho một xu hướng tăng trưởng mới. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng: “Hiện nay không một tổ chức nào dám đầu tư mạnh vào cổ phiếu, nhất là các ngân hàng lại càng e ngại hơn. Vì vậy việc đầu tư vào TP Chính phủ là an toàn nhất mà vẫn đảm bảo có khoản lợi nhuận để bù đắp cho chi phí lãi vay”.

Nhà đầu tư cá nhân bó tay

Ông Trịnh Việt Cường - Giám đốc Công ty đầu tư Asiavantage Global nhận định TP đang được giao dịch mạnh là điều không có gì lạ, khi các tổ chức dự đoán mức lãi suất của ngân hàng sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới thì mua TP để đón đầu, vì lãi suất luôn tỷ lệ nghịch với giá giao dịch TP trên thị trường. Ông Trịnh Việt Cường cũng cho rằng hiện Việt Nam chưa có thị trường TP cho nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy nó vẫn chỉ là sân chơi của các nhà đầu tư tổ chức.

Theo các chuyên gia tài chính, sự hiểu biết ít về TP cũng như không quan tâm đến loại hàng hóa này là lý do chính khiến trong sự sôi động hiện nay của TP, các nhà đầu tư cá nhân bó tay và chỉ là người quan sát.

Bên cạnh đó, một rào cản khác chính là lượng giao dịch TP luôn theo lô lớn nên cũng hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho biết nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thông qua các quỹ đầu tư. Đó cũng chính là xu hướng của các thị trường chứng khoán trên thế giới nói chung hiện nay.

Khi thị trường TP sôi động và nguồn vốn đổ vào khá lớn thì nhiều nhà đầu tư e ngại cho sự sụt giảm tiếp tục của thị trường cổ phiếu. Nhưng ông Trịnh Việt Cường cho rằng điều đó không đúng vì ít ai đi phân biệt thị trường cổ phiếu với thị trường TP. Xét trên góc độ chung, đó vẫn là thị trường chứng khoán Việt Nam và sự giao dịch sôi động ở một loại hàng hóa nào đó vẫn là tín hiệu tích cực của thị trường. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đề nghị thêm, trong lúc này Nhà nước có thể phát hành thêm nhiều loại TP khác như TP cầu đường, TP bệnh viện, TP của địa phương… để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.