Kỹ năng mềm và thương hiệu cá nhân

10/12/2009 18:08 GMT+7

Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm là hành trang không thể thiếu để thành công trong công việc và cuộc sống.

83% sinh viên thiếu kỹ năng mềm

Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên  (SV) TP.HCM dẫn nghiên cứu của Viện Giáo dục VN cho biết: hiện có tới 83% SV tốt nghiệp được đánh giá là thiếu kỹ năng mềm, 37% không tìm được việc làm phù hợp vì nhiều nguyên nhân - trong đó do thiếu yếu tố kỹ năng là chủ yếu. Còn theo thống kê từ Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB-XH), cứ 2.000 hồ sơ xin việc được nộp vào các doanh nghiệp thì chỉ có 40 hồ sơ đạt yêu cầu. Theo đánh giá mới đây do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ, trong 59 trường ĐH được khảo sát, chỉ có gần 50% SV đáp ứng yêu cầu về tiếng Anh, 20% không đáp ứng và số còn lại cần được đào tạo thêm...

Là một SV đạt nhiều thành tích tốt trong học tập, 2 năm đạt danh hiệu SV 3 tốt cấp trường và 1 năm cấp TP, bạn Nguyễn Thị Kim Khuyên, SV trường ĐH Ngoại thương (cơ sở II) bày tỏ: “Thực trạng hiện nay, SV sau khi ra trường dù điểm tổng kết có cao mà thiếu quá nhiều kỹ năng cơ bản thì cũng không được tuyển dụng. Các doanh nghiệp vẫn phải đầu tư thêm một khoản khá lớn để đào tạo lại nguồn nhân lực cho mình, SV vẫn phải đầu tư thêm thời gian và tiền bạc để bắt đầu học lại các kỹ năng và nghiệp vụ, xã hội lại chậm thêm một nhịp trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao...”.


Hồ Thị Ngọc Quế, SV lớp Thời trang 5, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Nếu không có kỹ năng giao tiếp, dù ra trường có là một kỹ sư thì bạn cũng chỉ làm việc như một cỗ máy mà thôi. Cỗ máy khi vận hành thì có thể hư hỏng. Khi giao tiếp tốt, bạn có thể “sửa chữa” được những hư hỏng này đồng thời luôn nâng cấp mình để không bị lỗi thời.

Biết cách “makerting” bản thân

Thông điệp mà ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group gửi tới các bạn SV tại một tọa đàm bàn về “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV” do Trung tâm hỗ trợ SV (thuộc Hội SVVN TP.HCM) tổ chức, đó là tinh thần “Học từ cuộc sống, làm cho cuộc đời”. Trong đó, ngoài yếu tố rèn tâm, luyện lực, tính hợp tác và gắn kết với cộng đồng, ông Chiến nhấn mạnh rằng các bạn còn cần phải biết cách “makerting” bản thân nữa: “Ta thấy rất nhiều người tốt, giỏi mà không thành công hoặc thành công hạn chế vì họ chưa truyền thông tốt. Nếu để ý các bạn sẽ thấy một lãnh đạo giỏi, một giảng viên được SV yêu mến và thích môn học, một nhân viên được phát triển và thăng tiến nhanh cũng đều là những người truyền thông tốt. Ngay cả một sản phẩm thành công trên thị trường cũng là nhờ truyền thông tốt”.

Thông qua một cuộc thi nho nhỏ dành cho chính các bạn SV tham gia diễn đàn, ông Bùi Đức Chính, Giám đốc Công ty BCC cho rằng làm việc nhóm là một kỹ năng mềm rất quan trọng mà SV cần phải có: “Để có thể làm việc theo nhóm, mỗi bạn cần có 6 yếu tố: biết tôn trọng, lắng nghe người khác, biết tranh luận vì mục tiêu chung, thống nhất với các thành viên khác, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình đóng góp ý kiến”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý Hồn Việt thì lại nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc khám phá bản thân, khai thác các sở trường, sở đoản, sở thích của mỗi người. “Viên gạch đầu tiên xây dựng nên sự thành công chính là phải biết rõ ràng và chính xác tài năng và thiên hướng của mình. Bạn là một nhà đổi mới hay người có tầm nhìn chiến lược, một người có tài tổ chức, một nhà nghiên cứu? Bạn có tài trong việc đưa ra các ý tưởng mới hay áp dụng các ý tưởng đó vào công việc và cuộc sống? Khi biết chắc mình là người tài trong lĩnh vực nào, bạn có thể tránh được những thử nghiệm và sai lầm không cần thiết” - bà Tâm chia sẻ...

Trung tâm hỗ trợ SV TP.HCM cũng cho biết trong thời gian tới, sẽ thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ SV rèn luyện kỹ năng mềm như: các cuộc gặp gỡ và trò truyện với doanh nhân thành đạt và các chuyên gia trong lĩnh vưc đào tạo kỹ năng, tâm lý... 2 lần/tháng tại Hội quán SV (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), các lớp đào tạo kỹ năng 2 tháng/lần tại trung tâm và phối hợp đào tạo tại các trường.

“Muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, đầu tiên các bạn phải định hướng rõ ràng, hiểu bạn là ai, bạn đại diện cho cái gì, và tại sao bạn khác với những người khác. Hãy suy nghĩ xem bạn muốn cuộc sống của mình sẽ thế nào trong 1, 2 hay 10 năm tới. Tiếp theo, từng bước hành động và xây dựng lối sống, suy nghĩ, thái độ tích cực. Kế tiếp, hãy xác định các phương tiện liên kết giúp truyền tải quan điểm, hình ảnh, quan điểm, tuyên ngôn của mình đến công chúng một cách hiệu quả nhất. Và điều cốt yếu bạn cần tâm niệm, đó là hãy cho đi, bạn sẽ nhận được nhiều hơn” - Anh Đào Duy Thiện Bảo, Giám đốc Marketing Công ty BMG

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.