Krông Năng - Sức sống cao nguyên

07/11/2004 15:52 GMT+7

Vùn vụt trôi nhanh, vùn vụt qua mau. Không gian và thời gian dường như không có điểm dừng. Mọi vật đều vươn lên, đều tuôn trào để tìm sự sống và rồi lại tan biến trong hư vô. Đó là quy luật của tạo hóa. Tạo hóa đã tạo ra cỏ cây hoa lá, muông thú cùng sống với con người nhưng rồi lại lấy đi tất cả để tạo nên những sự sống mới. Đó là quy luật của sự sống được thể hiện hàng triệu triệu năm trên cao nguyên này. Câu chuyện về người con gái Êđê vẫn còn mãi trên dòng sông, trên vùng đất mang tên nàng bởi sức sống bất diệt mà nàng đã tạo nên.

Mang trên mình những nét đặc trưng nhất của Tây Nguyên trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Krông Năng được biết đến như một bản trường ca hùng vĩ về thiên nhiên, về lịch sử con người và cuộc sống của vùng đất. Người Êđê trên đất Krông Năng không nhớ hết mấy trăm, mấy ngàn con trăng mùa rẫy đã qua, chỉ còn đọng lại câu chuyện lưu truyền thường được kể bên bếp lửa: Ngày xưa tai họa đã ập đến buôn làng chúng ta. Trời nắng nóng, sông hồ cạn nước, bệnh tật lan tràn, mọi người chết dần chết mòn. Chồng nàng H'Năng đã cùng nhiều người đi tìm vùng đất mới, tìm cái ăn cho buôn làng nhưng mấy mùa trăng không thấy trở về. Nàng chờ mãi, chờ mãi trong nỗi nhớ chồng và trong sự xót xa khi thấy dân làng chết dần. Nàng đã quyết định ra đi tìm chồng, tìm đất mới. Tìm mãi, tìm mãi cuối cùng nàng đã quỵ xuống giữa một dòng suối cạn khô vì đói, vì khát. Trời bỗng đổ mưa xối xả và để rồi tất cả các con sông dòng suối lại đầy nước, sự sống lại đâm chồi. Nàng đã chết để cho dân làng được sống. Tưởng nhớ nàng, dân làng ta đã lấy tên nàng H'Năng đặt cho tên của dòng sông chảy qua vùng đất này... Và cái tên Krông Năng bắt đầu có từ đó.

Hôm nay, trên thác Thủy Tiên, nơi dường như hiện lên vẻ đẹp, tình yêu và lòng chung thủy của nàng H'Năng, các thiếu nữ Êđê lại tắm mình trong dòng nước, để tìm thấy sự tươi trẻ, sức sống mạnh mẽ và tình yêu của nàng H'Năng, của cao nguyên hùng vĩ. Có lẽ chính bởi truyền thuyết đó mà người Êđê trên vùng đất này đã biết quý trọng lao động, quý trọng công sức mà mình đã bỏ ra. Cuộc sống của người Êđê hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Nhờ có cây cà phê, cây hồ tiêu mà họ đã đổi đời.

Hai mùa ở Tây Nguyên là những khoảng cách đầy khác biệt. Mùa khô thì nắng cháy, mùa mưa thì mưa nhiều như thác lũ. u đó cũng là quy luật mà tạo hóa muốn chia rõ ranh giới trên vùng đất này. Đó là bức tranh thiên nhiên toàn cảnh mà con người khi muốn hòa nhập vào phải thật hiểu, thật tôn trọng những gì đang có.

Giờ đây bên cạnh người Êđê, Gia Rai, Ba Na đã có người Kinh, người Tày, người Nùng đến cùng làm ăn sinh sống. Mang đến những kinh nghiệm của riêng mình, họ bắt đầu học hỏi từ đồng bào tại chỗ để ổn định cuộc sống lâu dài, trở thành những người con mới của đất Krông Năng.

Hấp dẫn và kỳ thú, đó là điều ai cũng có thể cảm nhận được khi đến thăm vùng đất này. Ở Krông Năng có một loài cây đang được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Đó là 2 cây thủy tùng lớn, cao gần 10m, đường kính gốc gần 60cm, tại buôn Trấp Bu, xã Ea Hồ. Các nhà khoa học đã xác định đây là loài cây cổ, là nguồn gen quý hiếm của thế giới, ở châu Á chỉ còn lại hơn 180 cây tập trung ở Đắc Lắc.

Kể từ khi cây cà phê tìm đến vùng đất này, cuộc sống của người dân đã hoàn toàn đổi khác. Tuy nhiên phải đến khi đồng bào hiểu đúng giá trị của cây cà phê và trồng trên diện tích lớn thì Tây Nguyên mới thực sự được mọi người biết đến là đất trồng nhiều cà phê nhất nước. Ông Yơn Mlô mới bắt đầu trồng cà phê từ năm 1998. Hiện ông đang có 2ha cà phê và đã thu hoạch được 2 vụ. Phải làm quen với các phương pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây ra hoa kết trái đúng lúc, phải biết bảo vệ cây trước ảnh hưởng của thời tiết xấu... rất nhiều thứ mà ông Yơn và đồng bào phải học, phải biết để vườn cà phê nhà mình luôn được mùa. Cứ mỗi buổi sáng trước khi đi làm rẫy mọi người trong nhà ông Yơn lại quây quần bên nhau, thưởng thức vị đắng và ngọt từ cà phê vườn nhà. Đó là thói quen mới mà ông đã tạo ra cho các con. Nó không chỉ đơn giản là thưởng thức mà còn là để trân trọng chính những gì mình đã tạo nên.

Đất đai màu mỡ, tươi tốt, thế hệ thanh niên luôn sẵn sàng kế tục cha anh, đó là những lợi thế mà vùng đất này sẵn có để tự lực vươn lên. Sức sống đang dâng trào trên núi rừng cao nguyên. Những cây cao su xanh tốt lại mang đến cho đời dòng nhựa sống. Đó là năng lượng mà con người đã tìm thấy và tạo nên trên cao nguyên trù phú.

Cuộc sống trên vùng căn cứ cách mạng xưa, xã D'liêya anh hùng đã đổi khác rất nhiều. Nhưng hình ảnh về một Krông Năng của những cây Kơ-nia, của những cơn mưa dữ dội thể hiện sức mạnh của núi rừng thì không bao giờ thay đổi. Đất bazan như tấm lòng của người Krông Năng luôn chân thật, nồng ấm, luôn muốn níu lấy chân người, giữ lại những gì có trên đất này.

Hãy đến với nơi đây dù chỉ một lần, bạn sẽ hiểu về tấm lòng của người Krông Năng, về tình cảm mà người Êđê dành cho bạn. Lễ kết nghĩa anh em là một trong những phong tục được người Êđê rất coi trọng. Lễ này thường được tổ chức ở gia đình hay ở nhà dài, nơi có sự chứng kiến của cả buôn làng. Sau lễ kết nghĩa hai bên đã trở thành anh em, trở thành những người chia ngọt sẻ bùi, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn. Người Êđê đã có thêm những người bạn láng giềng mới từ mọi miền đất nước về đây. Họ đoàn kết, thương yêu nhau, cùng chung sức, chung lòng xây dựng cho một Krông Năng ngày mai sáng tươi và trù phú...

Theo Tạp chí Quê hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.