Dự báo về thị trường vàng cuối 2009 và đầu 2010

08/12/2009 15:24 GMT+7

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu cơ vàng và vàng đang trở thành mục tiêu của hoạt động đầu tư dài hạn. Phân tích dưới đây có thể xem như một thông tin tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm tới thị trường vàng.

Trong những tháng cuối năm 2009, tốc độ phục hồi kinh tế tại Mỹ chưa rõ ràng và triển vọng của đồng USD không sáng sủa, những lo ngại về sự trượt giá tiền giấy, lạm phát và giá vàng tăng mạnh đã trở thành những yếu tố cơ bản làm tăng tính hấp dẫn của vàng trên thị trường chính thức.

Các ngân hàng trung ương (NHTW) và quỹ quốc gia đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa dự trữ theo hướng tăng mua vàng, góp phần lôi cuốn sự quan tâm của nhà đầu tư và đầu tư tư nhân, dường như đang trở thành động lực dẫn dắt thị trường vàng. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu cơ vàng và vàng đang trở thành mục tiêu của hoạt động đầu tư dài hạn.

Chỉ tính riêng 6 tháng qua, thị trường chính thức đã mua ròng 22 tấn vàng. Đầu tháng 11, Ấn Độ đã mua 200 tấn vàng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đang muốn mua thêm 203,5 tấn nữa. Các nước LB Nga, Sri Lanca và Mauritius cũng có ý định mua vàng.

Tháng 4/2009, Trung Quốc tiết lộ dự trữ vàng quốc gia nước này đã tăng 75% kể từ năm 2003 lên 1.054 tấn hiện nay, chiếm 1,6% dự trữ ngoại hối, chủ yếu là mua từ các DN khai thác vàng trong nước. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 2.270 tỉ USD (chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ). Theo Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, dự trữ vàng của Trung Quốc có thể lên đến 6.000 tấn trong vòng 3-5 năm tới và lên 10.000 tấn trong 8-10 năm tới, góp phần đa dạng hóa danh mục dự trữ quốc giá theo hướng giảm tỷ trọng USD.

Về giá vàng, các NHTW và các cơ quan tiền tệ cho đây vẫn là yếu tố quan trọng nhất chi phối thị trường vàng. Chính nhóm này đã bán ròng trong 2 thập kỷ qua, khi các chính phủ bán hạ giá do vàng tỏ ra không có ích đối với ngân sách, nhưng việc hạ nhiệt thị trường vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và do thị trường điều chỉnh, hành vi mua bán vàng chỉ thực hiện sau khi có tín hiệu thị trường.

Mục tiêu lâu dài của các NHTW là đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, trong khi lượng vàng trên thế giới hạn hẹp và vàng chỉ là thị trường nhỏ, giá vàng trong tháng 11 đã tăng 15% và đạt 1.200 USD/oz vào ngày 1/12/2009.

Vì thế, một thay đổi nhỏ của giá vàng cũng tạo ra động lực thay đổi mạnh mẽ trên thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự 1.200 USD và lên tới 1.225 USD/oz đã làm dấy lên lo ngại là thị trường này đã tăng quá mức và quá nhanh, gây ra tác động tâm lý về khả năng có những đợt điều chỉnh giảm giá vàng, nếu có tăng thì cũng dè dặt.

Những lo ngại và kỳ vọng hiện nay về khả năng điều chỉnh giá vàng không phải là không có cơ sở vì chỉ cần một NHTW lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản tăng lãi suất là giá vàng giảm ngay, mặc dù chỉ gây tác động ngắn hạn, nghĩa là phải có một thay đổi mạnh nào đó như tăng lãi suất bền vững mới có thể chấm dứt được chu kỳ đầu cơ.

Tiếp theo là lo ngại tâm lý sau khủng hoảng nợ Dubai về rủi ro tín dụng tại cộng đồng Các Tiểu vương quốc Ả Rập và các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông do một lượng đáng kể kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ đã chuyển sang vàng và đầu tư vào những dự án bất động sản cao cấp nhưng triển vọng thu hồi vốn mong manh. Nếu điều này là sự thật thì một lượng vàng khá lớn sẽ được tung ra thị trường để thanh toán những khoản nợ đến hạn.

Hơn nữa, hiện nay các DN đang tập trung hàng hóa cho mùa Giáng sinh và hầu như không dùng vàng làm phương tiện thanh toán; sau đó, các DN sẽ nghỉ đầu năm và “nghe ngóng” kết quả kinh tế năm 2009 và triển vọng 2010.

Trong thời điểm hiện nay, giá vàng có thể sẽ lên xuống dựa theo thông tin về các giao dịch giao sau và hợp đồng quyền chọn, nhưng nếu giá vàng giảm sâu thì giới đầu tư tư nhân sẽ tranh thủ mua trước.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.