Ngăn ngừa bệnh trước khi quá muộn

05/11/2008 19:05 GMT+7

Với hơn 246 triệu người mắc bệnh và chiếm 6% trong các nguyên nhân gây tử vong, đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh tiểu đường) là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm.

Những con số biết nói

Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bệnh nhân mất dần khả năng sử dụng Insulin để chuyển hóa hiệu quả Glucose trong thức ăn. Hậu quả là đường máu tăng cao có thể tác động xấu đến mắt và thận, gây ra biến chứng như các bệnh tim mạch, đột quỵ và cắt cụt chi, nhiễm trùng cấp tính...

Thực tế tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân đang tăng tới mức báo động. Đầu những năm 1990 số người mắc bệnh đái tháo đường ở Hà Nội là 1,2%, TP.HCM là 2,52%, ở Huế là 0,96%. Nhưng đến đầu năm 2001, 4 thành phố (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng) đã ở mức 4% và năm 2002 là 4,4%. Như vậy tỷ lệ tăng hằng năm là 48%. Ở thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường (từ 20 đến 79 tuổi). Theo dự đoán, trong vòng 10 năm nữa sẽ có khoảng 8-9% dân số có nguy cơ mắc căn bệnh này nếu người dân không ý thức phòng tránh.

Đa phần bệnh nhân đái tháo đường loại 2 (chiếm 90% số trường hợp mắc bệnh đái tháo đường) thường ở độ tuổi 40-65. Tỷ lệ bệnh bắt đầu gia tăng nhanh ở nhóm người trên 45 tuổi. Gần một nửa số người mắc bệnh thuộc nhóm người trên 65 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới 16% dân số. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, ở người trên 70 tuổi tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 đến 4 lần so với tỷ lệ chung ở người lớn.Tuy nhiên, với tốc độ phát triển cuộc sống hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi, thậm chí trẻ vị thành niên mắc bệnh đái tháo đường loại 2.

Quan sát các triệu chứng của bệnh nhân loại 2 trong gia đình có yếu tố di truyền rõ ràng, người ta thấy rằng ở thế hệ thứ nhất thường mắc bệnh vào độ tuổi 60-70, đến thế hệ thứ 2 tuổi xuất hiện bệnh giảm xuống ở lứa tuổi 40-50 tuổi, và ngày nay thì những người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường loại 2 dưới 20 tuổi cũng không còn hiếm.

Ngăn ngừa bệnh trước khi quá muộn

Để ngăn chặn ngay từ khi xuất hiện các nguy cơ tiềm ẩn, việc chẩn đoán và điều trị sớm là một phương pháp rất hữu hiệu. Một số lượng rất lớn người ở giai đoạn tiền đái tháo đường có thể ngăn ngừa được diễn tiến của bệnh trước khi chuyển sang bệnh đái tháo đường loại 2 nếu chọn cách thay đổi lối sống và có các biện pháp phòng chống, trị liệu thích hợp. Việc tuân thủ các chế độ giảm cân, tập thể dục thường xuyên và chọn cho mình một lối sống lành mạnh với khẩu phần ăn phù hợp sẽ giúp cho bạn giảm được 58% nguy cơ mắc bệnh.

Mặc dù vậy, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và tập thể dục đều đặn không phải dễ áp dụng đối với tất cả mọi người.

Ngoài ra, việc sử dụng các liệu pháp trị liệu trước khi thực sự mắc bệnh cũng giúp ngăn chặn rất nhiều khả năng phát triển của bệnh (31%) hoặc giảm các biến chứng nguy hiểm về tim mạch (80%) có thể dẫn đến tử vong ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân tiểu đường được điều trị sớm sẽ khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Dinh dưỡng phù hợp, tránh bị để tình trạng béo phì, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường, tập thể dục đều đặn cũng là những biện pháp tốt giúp ngăn chặn bệnh này. Tại khu vực thành thị, đặc biệt là giới văn phòng làm trong các cao ốc nên thường xuyên vận động và tham gia nhiều hoạt động ngoài trời. Những hoạt động tưởng chừng đơn giản nhưng rất hữu hiệu trong việc phòng bệnh.

T. Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.